25/02/2024 16:56 GMT+7

Nếu con không may khuyết tật, cha mẹ sẽ không đầu hàng số phận

Sáng 25-2, tại hội trường Thư viện Khoa học tổng hợp (quận 1), nhiều bậc cha mẹ có con khiếm thính đã tham gia hội thảo mang chủ đề 'Con ơi! Ba mẹ thương con lắm!' và chia sẻ những tâm sự đầy xúc động về hành trình đồng hành với con.

Vợ chồng anh Nguyễn Tường Ân, chị Đoàn Thanh Lan và em Nguyễn Đoàn Bảo Khôi, học sinh lớp 11 Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) - Ảnh: BÌNH MINH

Vợ chồng anh Nguyễn Tường Ân, chị Đoàn Thanh Lan và em Nguyễn Đoàn Bảo Khôi, học sinh lớp 11 Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) - Ảnh: BÌNH MINH

Chương trình nằm trong chuỗi hội thảo "Để người khiếm thính được lắng nghe", một dự án do Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) tổ chức.

Niềm tin của cha mẹ là động lực cho con

Chia sẻ tại hội thảo, cả ba phụ huynh có con khiếm thính đều nhấn mạnh chính tình thương và niềm tin của cha mẹ là nguồn động lực rất lớn giúp trẻ vượt qua khiếm khuyết, thậm chí tự tin, phát triển được những thế mạnh riêng.

Sau khi trải qua giai đoạn khó khăn vì biết con mình không lành lặn như các trẻ khác, anh Nguyễn Tiến Hưng, ba của em Nguyễn Ngọc Tường Thụy, học sinh Trường THCS Độc Lập (quận Phú Nhuận), nói tình yêu thương, trách nhiệm của người làm cha mẹ đã giúp anh có niềm tin ban đầu để đồng hành cùng con.

Dần dà, hình ảnh Tường Thụy lớn lên, dùng ý chí và nghị lực vượt khó đã truyền cảm hứng ngược lại cho anh và vợ, giúp niềm tin của họ dành cho Thụy lớn dần.

"Làm cha mẹ đôi khi sẽ vướng vào chuyện so sánh con mình với "con người ta". Tuy nhiên, mỗi trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Nếu chỉ nhìn con mình bằng tiêu chí con người khác, phụ huynh sẽ không thấy được khả năng của con và thiếu niềm tin cho con", anh chia sẻ.

Tương tự, chị Đoàn Thanh Lan, mẹ em Nguyễn Đoàn Bảo Khôi, học sinh lớp 11 Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú), trải lòng về hành trình học làm cha mẹ của một trẻ khiếm thính. Những năm đầu đời, Khôi vẫn phát triển bình thường như bao trẻ khác.

Đến khi nhận thấy những lần có tiếng động lớn, cả gia đình đều giật mình nhưng Khôi không hề phản ứng, hai vợ chồng chị Lan bắt đầu lo lắng.

"Đưa con đi làm xét nghiệm ABR, gia đình phát hiện con bị khiếm thính. Sau 6 tháng đối diện và chấp nhận sự thật, ngày nắng hay mưa, chúng tôi đều đưa con đến trung tâm can thiệp sớm, giúp con học những âm thanh đầu tiên, hy sinh một phần công việc và sự nghiệp để đồng hành với con", chị nhớ lại.

"Bằng tất cả tình thương, không đầu hàng số phận, những bậc phụ huynh sẽ tìm được niềm tin, khơi dậy nội lực của con để trẻ vượt qua khiếm khuyết theo cách riêng mình", chị Thanh Lan nhắn nhủ.

Nhìn con bé nhỏ đã phải trải qua nhiều trắc trở, nhưng con đã rất mạnh mẽ, vượt qua tất cả. Hạnh phúc với ba mẹ chỉ cần được nhìn con sống vui vẻ, hoạt bát, cảm nhận được cuộc sống muôn màu. Cảm ơn vì con đã đến với ba mẹ!
Anh Huỳnh Trung Kiên, phụ huynh em Huỳnh Trần Đăng Vũ

Trời không lấy của ai tất cả

Những trẻ khuyết tật thường có những điểm mạnh nhất định. Khi phụ huynh dành đủ nỗ lực, tình thương và niềm tin đồng hành cùng con, trẻ bắt đầu phát huy sở trường và phát triển. Như những gốc cây oằn mình qua bao mùa mưa bão, để một ngày được thấy mầm xanh đâm chồi.

Tường Thụy, dù không may mắn như bạn bè, nhưng cô bé được tuyên dương là tấm gương vượt khó ở trường tiểu học, tự kiểm tra thời khóa biểu, cùng mẹ nhẫn nại ngồi đến 10 giờ đêm hoặc dậy từ 5 giờ sáng để hoàn thành việc chuẩn bị bài.

Từ đứa trẻ đa dị tật, thiểu năng vận động bẩm sinh, Thụy chịu khó hợp tác với các thầy cô tập vật lý trị liệu và đi được những bước đầu tiên khi lên 5. 

Vốn khiếm thính bẩm sinh cả hai tai, sau một năm học cùng các cô giáo ở CED, Thụy đã biết chữ, biết viết và vào học lớp 1 hòa nhập năm 8 tuổi.

Trong khi đó, ngoại trừ những việc quá sức, cần cha mẹ hỗ trợ, hầu hết mọi việc Bảo Khôi đều tự làm như học tập, tìm giáo viên, nghiên cứu thông tin trên mạng. 

Những năm THCS, Khôi từng nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn tin học, đoạt giải cấp quận, sau đó tiếp tục lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi toàn thành phố năm cấp 3.

Hành trình nỗ lực của những phụ huynh có con khuyết tật lắm chông gai, lắm lúc nước mắt nhiều hơn nụ cười. Vậy mà, như lời chị Dương Phương Hạnh, giám đốc Trung tâm CED, nhắn nhủ, ông trời chẳng cho ai tất cả, cũng chẳng lấy của ai mọi thứ.

"Chúng tôi thực hiện dự án với mong muốn hỗ trợ và kết nối người khiếm thính với cộng đồng nhiều hơn. Đặc biệt, đối với các trẻ đang thiếu máy trợ thính, Trung tâm CED rất mong các trường học, đơn vị sẽ liên lạc với chúng tôi nhằm kịp thời hỗ trợ thiết bị cho trẻ, giúp trẻ hòa nhập dễ dàng hơn", chị Hạnh cho biết.

Các bạn trẻ khiếm thính trò chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu tại sự kiện - Ảnh: BÌNH MINH

Các bạn trẻ khiếm thính trò chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu tại sự kiện - Ảnh: BÌNH MINH

Nhiều bậc phụ huynh, gia đình có trẻ khiếm thính chăm chú lắng nghe - Ảnh: BÌNH MINH

Nhiều bậc phụ huynh, gia đình có trẻ khiếm thính chăm chú lắng nghe - Ảnh: BÌNH MINH

Phụ huynh chia sẻ tại hội thảo "Con ơi! Ba mẹ thương con lắm!" sáng 25-2 - Ảnh: BÌNH MINH

Phụ huynh chia sẻ tại hội thảo "Con ơi! Ba mẹ thương con lắm!" sáng 25-2 - Ảnh: BÌNH MINH

Sinh viên khiếm thị luôn phá bỏ sự e ngại để đóng góp cho cộng đồngSinh viên khiếm thị luôn phá bỏ sự e ngại để đóng góp cho cộng đồng

Dù không nhìn rõ nhưng Tạ Bình An luôn nhận mình là người may mắn, đã dám phá bỏ sự e ngại của bản thân để đóng góp cho cộng đồng người khiếm thị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên