02/02/2024 19:52 GMT+7

Mong kiều bào hướng về quê hương không chỉ bằng vốn mà còn tri thức, công nghệ

Gần 1.000 đại biểu kiều bào từ khắp các châu lục, vùng lãnh thổ trên thế giới đã về TP.HCM tham gia chương trình Họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài mừng xuân Giáp Thìn năm 2024 tổ chức chiều 2-2.

Kiều bào thể hiện niềm vui háo hức khi trở về quê hương, về lại TP.HCM trong dịp xuân mới - Ảnh: HỮU HẠNH

Kiều bào thể hiện niềm vui háo hức khi trở về quê hương, về lại TP.HCM trong dịp xuân mới - Ảnh: HỮU HẠNH

Chương trình do UBND TP.HCM tổ chức nhằm thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Các kiều bào có mặt từ sớm ở hội trường, diện những chiếc áo dài sắc thắm và chụp hình lưu niệm, hòa mình vào khu vực tái hiện hình ảnh Tết xưa như ông đồ tặng chữ thư pháp, thuyền hoa Tết cổ truyền…

Nhiều kiều bào cho biết đã may những chiếc áo dài mới ngay khi về đến Việt Nam, kịp tham gia vào ngày hội lớn của những người xa quê.

Tại đây, đại diện kiều bào tiêu biểu cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp, bày tỏ mong muốn cùng chung tay đưa TP.HCM phát triển hơn trong tương lai. 

Trong những năm gần đây, đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tâm huyết đóng góp trí lực, tài lực, nguồn lực mềm cho sự phát triển bền vững của thành phố và cả nước.

Chia sẻ tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Úc, đã kể về trăn trở làm sao nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và trải nghiệm trong việc đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm nông sản gắn với sản phẩm cà phê.

Sau 4 năm về Việt Nam đầu tư, ông Luận tự hào khi doanh nghiệp của mình đã xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thế giới, có mặt tại 10 quốc gia mà mạng lưới hỗ trợ chính từ kiều bào Việt Nam. 

Không chỉ thành công với sản phẩm nông sản này, doanh nghiệp này đồng thời xuất khẩu những sản phẩm khác, thúc đẩy giá trị gia tăng cao hơn.

"Muốn sản phẩm nông sản được đón nhận phải có sự khác biệt, và con đường duy nhất là đầu tư vào chế biến sâu. 

Nghị quyết 98 tạo tiền đề cho kiều bào có cơ hội chung tay cống hiến cho sự phát triển của thành phố. Những người con đi xa Tổ quốc luôn có những niềm tự hào của riêng mình và quyết tâm cùng thành phố phát triển", ông Luận bày tỏ.

Chia sẻ thông tin của TP.HCM đến hơn 1.000 kiều bào, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, đã nêu những thành tựu đáng chú ý của thành phố trong năm 2023. 

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế thế giới, những phát sinh mới, thành phố vẫn đạt được những kết quả tích cực ở các chỉ số như tăng trưởng GRDP, thu hút FDI, và lượng kiều hối đáng kể.

"Thu ngân sách đạt 448.826 nghìn tỉ đồng, đạt 95,6% dự toán, vốn FDI đạt 5,9 tỉ USD, tăng gần 50%, cao nhất cả nước. Trong khi đó, kiều hối chuyển về đạt hơn 9,5 tỉ USD, tăng 38% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tiếp tục duy trì tỉ trọng cao với mức trên 50% so với tổng kiều hối của cả nước", Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nêu và cho biết trân trọng đóng góp nguồn lực kiều bào vào sự phát triển kinh tế cả thành phố và cả nước.

Cũng theo lãnh đạo TP.HCM, bước sang năm 2024, TP xác định sẽ còn đối mặt với những thách thức mới và tiếp tục chuyển đổi hiệu quả chuyển đổi số theo hướng của nghị quyết 98.

TP tập trung vào phát triển các nền tảng thông tin chung, tương tác chính quyền với công dân, và đầu tư vào hạ tầng để hình thành xã hội số. Mục tiêu là đến cuối năm 2025, nền kinh tế số sẽ chiếm tỉ trọng 25% trong GDP của thành phố.

Về nghị quyết 98, theo ông Phan Văn Mãi, đây là công cụ giúp TP.HCM có cơ chế chính sách làm việc vượt trội hơn mặt bằng pháp lý hiện tại, từ công tác quy hoạch quản lý đất đai xây dựng đến đầu tư, tài chính, ngân sách cũng như các cơ chế thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.

Thành phố sẽ phát huy các ưu đãi này để làm sao trở nên năng động hơn, thu hút được nhiều nguồn lực hơn kiến tạo những nền tảng, những động lực mới để phát triển thành phố xứng đáng với trung tâm lớn về kinh tế văn hóa xã hội, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

"TP.HCM cũng đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế. Vừa rồi, thành phố cũng đã ký với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm công nghệ 4.0.

Đây sẽ là đầu mối tiếp nhận tri thức công nghệ các nguồn lực cho phát triển của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung", ông Phan Văn Mãi thông tin.

Trước các mong muốn của kiều nào sớm có nhiều tuyến đường metro nội đô hơn nữa, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ dùng cơ chế của nghị quyết 98 để huy động nguồn lực, tìm kiếm cách thức triển khai hệ thống đường sắt đô thị có hệ thống metro của thành phố.

"Hiện nay thành phố chỉ có một tuyến metro và dự kiến tháng 7-2024 sẽ vận hành thương mại. Nhưng chúng tôi đang hướng cơ chế huy động nguồn vốn mới để có thêm 200km đường sắt nữa. 

Trong những kế hoạch này, thành phố muốn tiếp nhận ý kiến của bà con kiều bào, các chuyên gia quốc tế để nhận thêm ý kiến, góp ý đầu tư và kết nối các nguồn lực cho TP, đất nước để làm sao TP phát triển hơn.

Tôi mong kiều bào không chỉ hướng về quê hương bằng kiều hối, vốn đầu tư mà còn bằng nhiều ý hay, giải pháp hiệu quả", chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Kiều bào khắp nơi về sum họp cùng gia đình, người thân, chung vui, đón Tết là nét đẹp truyền thống - Ảnh: HỮU HẠNH

Kiều bào khắp nơi về sum họp cùng gia đình, người thân, chung vui, đón Tết là nét đẹp truyền thống - Ảnh: HỮU HẠNH

Nếu TP.HCM phát hành trái phiếu, kiều bào sẽ mua ủng hộ để thành phố có vốn đầu tưNếu TP.HCM phát hành trái phiếu, kiều bào sẽ mua ủng hộ để thành phố có vốn đầu tư

Sáng 2-2, khoảng 180 kiều bào đã có dịp tham quan tòa nhà UBND TP.HCM. Đây là tour tham quan khá đặc biệt khi lần đầu tiên thành phố mở cửa đón khách ghé thăm vào ngày trong tuần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên