15/11/2014 09:03 GMT+7

​Máy bay tàng hình Trung Quốc bị chê kém

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Những “món đồ chơi quân sự” của Trung Quốc vẫn thường là bí ẩn với các nước phương Tây. Lần này họ đã phô diễn với mục đích gì?

Chiếc J-31 của Trung Quốc bị xem là nhái mẫu mã chiếc F-35 của Mỹ - Ảnh: Reuters

Triển lãm hàng không Châu Hải ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vừa qua mang đến cho các quan khách một bất ngờ lớn khi Bắc Kinh trình diễn máy bay chiến đấu tàng hình Thẩm Dương FC-31 (hay J-31).

Cuối cùng các chuyên gia có thể đưa ra những đánh giá cụ thể về “con chim sắt” vốn được so sánh với máy bay F-35 của Mỹ.

Sự kiện Châu Hải luôn được giới công nghiệp quốc phòng mong đợi, vì đây có lẽ là dịp duy nhất Trung Quốc chịu “khoe” những thành tựu vũ khí mới nhất vốn thường xếp vào dạng tuyệt mật.

Tên lửa chống hạm, tên lửa không đối đất... trước đó được nhiều chuyên gia nhận xét có thể giúp Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) tạo được đối trọng với hải quân Mỹ.

Riêng máy bay tàng hình J-31 là một huyền thoại. Sự tồn tại của nó là tâm điểm của đồn đoán trong nhiều năm qua.

Sau lần xuất hiện công khai này có không ít nghi ngờ đã được cởi bỏ và một số sự thật được phơi bày. Phân tích của chuyên gia Reuben F. Johnson của trang phân tích quốc phòng IHS Jane’s Defence.

Thiết kế lỗi?

Thẩm Dương J-31 là mẫu máy bay tàng hình thứ hai được cho là do các kỹ sư Trung Quốc phát triển. “Ông anh cả” của J-31 là chiếc Thành Đô J-20, bay thử lần đầu tiên hồi tháng 1-2011 nhưng không còn thấy xuất hiện cho đến nay.

Chi tiết bên ngoài cho thấy chiến đấu cơ J-31 mô phỏng hình dáng chiếc F-35 của Hãng Lockheed Martin (Mỹ) ở nhiều khía cạnh.

Tuy nhiên, khó nói được đội ngũ thiết kế Thẩm Dương thành công đến mức nào trong việc thiết kế tính năng tránh được radar ở tầm thấp. Công việc này đòi hỏi họ phải sở hữu những bí mật về loại vật liệu chế tạo, cách bố trí động cơ bên trong và thiết kế ống xả để giấu lượng nhiệt phát ra.

Giống như các mẫu máy bay khác của không quân PLA, J-31 sử dụng động cơ do Nga sản xuất, trong trường hợp này là hai mẫu Klimov RD-93, một phiên bản khác của động cơ dùng cho máy bay MiG-29 chế tác bởi Hãng Mikoyan danh tiếng (nay gọi là Tập đoàn chế tạo máy bay Nga MiG).

Qua quan sát chu trình bay của J-31, các chuyên gia nhận thấy máy bay này tiêu tốn quá nhiều năng lượng, mỗi khi đổi hướng lại mất dần độ cao.

Thậm chí kể cả khi bay thẳng ở độ cao ổn định, phi công phải liên tục bơm nhiên liệu phụ vào động cơ nhằm giữ máy bay khỏi “chìm”. Đây là những khiếm khuyết trong thiết kế khí động học của máy bay mà một đội ngũ của Nga hay Mỹ sẽ không bao giờ mắc phải.

Các nhà phân tích hàng không phương Tây chỉ ra rằng mẫu J-31 trình diễn tại triển lãm Châu Hải chỉ là một chiếc máy bay “trơn”, tức không hề trang bị vũ khí. Nếu đó là một nhiệm vụ tác chiến thật sự phải mang một lượng lớn bom đạn, tên lửa thì chiến đấu cơ này có thể còn bay tệ hơn nữa.

Ăn cắp công nghệ

Màn trình diễn của J-31 tại triển lãm hàng không Châu Hải có lẽ đã được lên kế hoạch trùng với chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh APEC 22.

Thông điệp rõ ràng nhất cho ông Obama là một tấm băngrôn của nước chủ nhà: “Không quân PLA nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa giấc mơ một Trung Quốc có lực lượng vũ trang hùng mạnh”.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên Bắc Kinh áp dụng chiến thuật “ngoại giao vũ khí”. Tháng 1-2011, thời điểm chiếc máy bay tàng hình J-20 bay lần đầu tiên cũng trùng với chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Bắc Kinh.

Theo kênh Fox News, điều trớ trêu là trong khi tại hội đàm, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngưng ngay các cuộc tấn công mạng và ăn cắp thông tin mật trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ của Mỹ thì chiếc J-31 mới trình làng lại được cho là sản phẩm của việc ăn cắp công nghệ.

Bí mật thiết kế của máy bay tàng hình F-35 được cho là lọt vào tay Trung Quốc sau khi các tin tặc nước này tấn công vào một nhà thầu phụ của Hãng Lockheed Martin.

Các chuyên gia đánh giá kỹ thuật, thiết kế và trang bị của F-35 đều xuất hiện ở cả chiếc J-20 và J-31, nhưng có lẽ phía Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ vốn thuộc về người khác.

Nga từng bán công nghệ cho Trung Quốc?

Theo CNN, trước đây từng có tin đồn rằng một nhóm thiết kế người Nga đã mang những bí mật của Tập đoàn Mikoyan đến Trung Quốc để giúp chế tạo chiếc Thẩm Dương J-31, nhưng một quan chức cao cấp của MiG đã phủ nhận điều này.

“Theo những gì tôi biết thì người Trung Quốc chế ra mẫu này, và họ dường như đã hoàn thành công việc chỉ với sức mình”, chuyên gia giấu tên này nhận định.

Qua màn trình diễn vừa rồi của J-31 thì có lẽ vị quan chức MiG nói sự thật. Vì nếu có người Nga giúp đỡ, chiếc máy bay tàng hình của Trung Quốc đã hoạt động tốt hơn thế.

 

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên