18/08/2023 15:27 GMT+7

Mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện ở TP.HCM: Đa dạng thêm đường bộ, đường thủy, đường không

Đa dạng hóa loại hình cấp cứu đường bộ, đường thủy, đường không sẽ là giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và độ bao phủ cấp cứu ngoài bệnh viện.

TP.HCM sẽ đa dạng hóa loại hình cấp cứu đường bộ, đường thủy, đường không theo hướng hiện đại - Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM sẽ đa dạng hóa loại hình cấp cứu đường bộ, đường thủy, đường không theo hướng hiện đại - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện đa dạng hóa từ đường bộ, đường thủy, đường không, theo hướng chuyên nghiệp hiện đại là nhiệm vụ không thể thiếu của ngành y tế vừa được ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định với Tuổi Trẻ Online ngày 18-8.

Đây cũng chính là các mục tiêu khi ngành y tế xây dựng đề án "Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đang trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Theo đó, ngành y tế TP chủ động đặt ra 5 mục tiêu xây dựng mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện. Bao gồm, hình thành hệ thống các Trung tâm cấp cứu 115 và xây dựng cổng tiếp nhận, điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp.

Triển khai chương trình đào tạo các loại hình cấp cứu; song song việc xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực. 

Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ cấp cứu ngoài bệnh viện của các trạm cấp cứu vệ tinh, các cơ sở vận chuyển cấp cứu tư nhân; đồng thời phổ cập kiến thức, năng lực thực hành sơ cứu cho người dân đối với những tình huống cấp cứu thường gặp.

Đặc biệt, đề án lần này đề ra mục tiêu đa dạng hóa các loại hình vận chuyển cấp cứu người bệnh (đường bộ, đường thủy, đường không), đảm bảo nhu cầu và phù hợp đặc điểm địa lý của TP.HCM.

Trong đó, đường bộ ngoài xe cứu thương hiện có, nhiều năm qua ngành y tế đã chủ động thí điểm nhân rộng mô hình xe cứu thương hai bánh. Sắp tới đây, tính toán thêm xe chuyển bệnh và xe cứu thương chuyên dụng.

Về đường thủy, dự kiến giai đoạn từ năm 2023 - 2025 sẽ đầu tư một tàu cứu thương được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng cấp cứu cho người dân ở huyện Cần Giờ và các vùng lân cận.

Về đường không, TP.HCM hiện có 5 bệnh viện có bãi đáp trực thăng gồm Bệnh viện Quân y 175, Nhi đồng TP, Ung bướu cơ sở 2, Nhân dân 115, Đa khoa khu vực Hóc Môn. Trước mắt, trên cơ sở hạ tầng vốn có của Bệnh viện Quân y 175, ngành y tế sẽ xây dựng ban hành các tiêu chí, điều kiện được cấp cứu bằng đường không. 

Từ đó, tính toán thành lập tổ chuyên gia cấp cứu bằng đường hàng không có sự tham gia của Công ty Trực thăng miền Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bên cạnh đó một số kế hoạch cụ thể khác phát triển cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng hiện đại như ưu tiên xây dựng mới Trung tâm cấp cứu 115 tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) với vốn đầu tư trung hạn 300 tỉ đồng, cũng như hình thành các Trung tâm cấp cứu 115 khu vực quận 1, Gò Vấp, TP Thủ Đức và Cần Giờ.

Mô hình cấp cứu ngoài bệnh viện "load & go" phù hợp với TP.HCM

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện có hai mô hình cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp bao gồm "load & go" (tải và chuyển) và "stay & stabilise" (lưu lại và ổn định).

Trong đó, mô hình "load & go" tập trung vào việc đưa người bệnh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt, thường là đến khoa cấp cứu của các bệnh viện.

Với đặc điểm kinh tế, xã hội và dân số của TP.HCM, Sở Y tế cho rằng việc chọn mô hình "load & go" là phù hợp nhằm nâng cao năng lực hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Bị tố chuyển cấp cứu "chặt chém", Công ty vận chuyển 115 Xuyên Việt nói gì?Bị tố chuyển cấp cứu 'chặt chém', Công ty vận chuyển 115 Xuyên Việt nói gì?

Giám đốc Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt nói giá chuyển cấp cứu 16 triệu đồng là phù hợp, không thể gọi là “chặt chém”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên