07/08/2023 13:00 GMT+7

Gian nan hành trình đi chữa bệnh - Kỳ 2: Đêm cấp cứu trên biển

Lúc chuyển cụ bà bị nhồi máu cơ tim vào đất liền cấp cứu, trời mưa to, gió rít liên hồi, biển tối như mực, bác sĩ Thành chột dạ 'có khi nào là lần cuối cùng của mình'...

Ca nô cấp cứu vận chuyển cụ N.T.T. (69 tuổi) không được che chắn kỹ hai bên, khi gặp sóng to mưa lớn nước dễ tạt ướt - Ảnh: Bác sĩ Thành cung cấp

Ca nô cấp cứu vận chuyển cụ N.T.T. (69 tuổi) không được che chắn kỹ hai bên, khi gặp sóng to mưa lớn nước dễ tạt ướt - Ảnh: Bác sĩ Thành cung cấp

Ngày đầu đặt chân ra đảo, bác sĩ trẻ Ngô Trí Thành nhận ngay nhiệm vụ đặc biệt: chuyển cụ bà bị nhồi máu cơ tim vào đất liền cấp cứu. Mưa to, gió rít liên hồi, ngồi trên ca nô lao ra vùng biển tối như mực, chàng trai trẻ chột dạ "có khi nào là lần cuối cùng của mình".

Những chuyến ‘bất đắc dĩ’ đưa người dân đi cấp cứu

Vậy mà cho đến hôm nay sau gần hai tháng từ đất liền ra Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM, bác sĩ Ngô Trí Thành (28 tuổi) cùng đồng nghiệp Mai Thị Ngọc Hà (30 tuổi), đến từ Bệnh viện Nhân dân 115, đã trực tiếp thăm khám và vận chuyển nhiều ca cấp cứu thót tim như thế...

Những chuyến cấp cứu nhớ đời

Vốn quen với công việc điều trị bệnh nhân trên đất liền, việc vận chuyển cấp cứu trên biển với Thành là một thách thức lớn. Chàng bác sĩ quê xứ Nghệ này cũng không thể ngờ ngay ngày đầu đặt chân ra đảo anh lại nhận được nhiệm vụ chuyển cấp cứu vào đất liền đầy sóng gió.

Thành còn nhớ đó là đêm 16-6, lúc ấy tầm 20h, bà N.T.T. (69 tuổi) được người nhà gấp gáp chở đến trạm y tế cấp cứu với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở. Thành giật mình trước các chỉ số đo nhịp tim và huyết áp. Với kinh nghiệm công tác tại bệnh viện tuyến cuối, anh thừa hiểu tuổi cao sức yếu và mang nhiều bệnh nền như bà cụ thì điều gì sẽ ập đến nếu chậm trễ cấp cứu.

"Bà cụ có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, xin hội chẩn chuyển cấp cứu ngay", Thành tức tốc báo cho bác sĩ Luân Thanh Trường - trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An. Ngay lập tức, một cuộc gọi từ xã đảo vào Bệnh viện huyện Cần Giờ yêu cầu "tiếp nhận cấp cứu". Lúc bấy giờ ngoài trời đang mưa to, Thành có phần lo sợ không biết phải vận chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng cách nào cho an toàn.

Giữa đêm khuya, Thành cùng bác sĩ Hà khoác vội áo mưa, cắt cử người xách dụng cụ y tế, người kia nhanh chóng hỗ trợ quấn tấm ni lông quanh người bà cụ để khỏi ướt rồi bế lên cáng chở ra bến đò, nơi tài công đã nổ máy đợi sẵn. Mưa ngày càng nặng hạt, gió thổi mỗi lúc một lớn, vùng biển mênh mông phía trước tối đen như mực. 

Chiếc ca nô chở năm người (gồm bệnh nhân, người nhà, hai bác sĩ và người lái ca nô) chẳng khác gì một chiếc lá nhỏ đang tròng trành theo con sóng. "Bà ơi, bà cố gắng lên chút nhé, ca nô sắp đến đất liền rồi ạ" - ngồi theo dõi sát diễn biến sức khỏe bà cụ, Thành cùng đồng nghiệp liên tục động viên.

"Tôi sợ có điều gì bất trắc xảy ra với bệnh nhân khi vận chuyển. Bởi ca nô chật chội rất khó xoay trở khi gặp sự cố cần xử trí, nhất là khi bệnh nhân ngưng tim ngưng thở dọc đường" - Thành kể và thở phào cho biết những lo lắng ấy may mắn đã không xảy ra, ca nô cuối cùng cũng đã cập bến Cần Thạnh an toàn sau gần một tiếng di chuyển thót tim trên biển.

Ngoài ca cấp cứu nhớ đời ấy, Thành bảo đã từng cùng đồng nghiệp đưa một bệnh nhân cao tuổi nhất vào đất liền cấp cứu. Đó là ông N.V.H., năm nay 74 tuổi. Với "bệnh lý đầy mình", chỉ cần một cơn khó thở lướt qua, ông H. sẽ rơi vào tình huống nguy hiểm.

Hôm đó cũng gặp lúc trời kéo mây đen xám xịt, xa xa cơn dông cũng đang kéo đến. Ông cụ được đặt trên cáng, cho thở oxy và cần phải giữ đúng tư thế nằm để ông không rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng. "Đi giữa đường, dông to kéo đến, biển động sóng lớn khiến chiếc ca nô chao đảo như muốn hất bổng người văng ra ngoài. Mọi người phải giữ ông lại, ráng đè cáng xuống nền ca nô để cố định vị trí" - Thành kể.

Cụ N.T.T. (69 tuổi) được các y bác sĩ cùng người nhà sơ cứu vào ban đêm trong tình trạng suy hô hấp trên chiếc xe ba gác

Cụ N.T.T. (69 tuổi) được các y bác sĩ cùng người nhà sơ cứu vào ban đêm trong tình trạng suy hô hấp trên chiếc xe ba gác

Nỗi mong ước của người dân

Sống cô lập trên biển Cần Giờ (TP.HCM), bao năm qua điều người dân xã đảo Thạnh An lo sợ nhất không phải thiếu ăn thiếu mặc mà là lúc trái gió trở trời đổ bệnh phải cấp cứu. Bác sĩ Luân Thanh Trường - người có gần 20 năm gắn bó với xã đảo tiền tiêu này - nói quá "thấm" với nỗi khổ ấy của bà con. 

Chính ông và các đồng nghiệp trên đảo đã không biết bao lần bất đắc dĩ phải đưa người bệnh lên ca nô vượt biển vào đất liền cấp cứu. Có ca may mắn thành công, nhưng có ca không kịp giành lại sự sống cho người bệnh, đó là điều khiến ông rất đau lòng.

"Trước đây để cấp cứu cho người dân xã đảo chỉ có một phương tiện duy nhất là chiếc ghe, muốn chạy qua bờ bên kia phải mất đến 45 phút. Bây giờ có thêm ca nô. Cả ghe và ca nô nếu chạy vào ban đêm có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào như vướng lưới ngư dân, dông, bão, hư hỏng..." - bác sĩ Trường chia sẻ.

Cũng từ thấu hiểu sự thiệt thòi của bà con trên đảo mà cuối năm 2022 TP.HCM đã chính thức đưa chương trình luân phiên bác sĩ từ các bệnh viện ra xã đảo tình nguyện. Đã và đang có 14 bác sĩ đến từ 7 bệnh viện xung phong ra đảo, mỗi đợt hai bác sĩ với thời gian dài hai tháng. Bác sĩ Trường nói nhờ đó mà xã đảo như được "tiếp sức" về mặt chuyên môn, người dân được thăm khám, tư vấn và chỉ định tốt hơn. Tuy vậy, ông vẫn trĩu nặng nỗi lo vận chuyển cấp cứu mỗi khi có các ca bệnh nặng.

Hoàng Thị Phượng (28 tuổi, Bệnh viện Nhân Ái) là một trong bốn bác sĩ đầu tiên xung phong đến với xã đảo. Phượng cũng là người trực tiếp vận chuyển 18 ca đi cấp cứu vào đất liền, và với cô bác sĩ trẻ này, mỗi lần cấp cứu là một lần rợn người. "Trong 18 ca, có rất nhiều ca cấp cứu nguy hiểm. Có trường hợp khi trời dông bão quá không thể sử dụng ca nô để đi được mà phải huy động ghe thường của người dân" - bác sĩ Phượng nói.

Không chỉ sơ cứu cho bệnh nhân, Phượng còn cùng đồng nghiệp khiêng bình oxy cho bệnh nhân thở. Ca nô quá nhỏ và thô sơ, lại không được trang bị đầy đủ thiết bị cứu người nên cô thường phải "cõng" theo hàng tá vật tư y tế phòng mỗi khi cần cấp cứu. Trở về đất liền, Phượng bảo ngoài các lần cấp cứu trên biển, cô rất trăn trở về câu chuyện nhiều bệnh nhân từ bỏ chạy thận chỉ vì khó khăn và đường xa xôi. 

"Tôi hiểu người dân trên đảo muốn có đủ thuốc men, trang thiết bị y tế hơn để đỡ phải lên thành phố vất vả. Họ cũng mong có phương tiện cấp cứu an toàn, đó là mong ước rất chính đáng" - bác sĩ Phượng bày tỏ.

Và nếu mong ước ấy trở thành sự thật, đó chắc chắn sẽ là "phao cứu sinh" cho bà còn xã đảo cũng như của cả ngư dân đang mưu sinh trên vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc.

Có bác sĩ về, người dân vui lắm!

Tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng rõ ràng từ ngày có bác sĩ trẻ tăng cường cho xã đảo, nỗi lo bệnh tật của bà con cũng vơi đi. Như câu chuyện của bà Trần Thị Bê (52 tuổi) mắc đủ thứ bệnh từ cao huyết áp, tim mạch nhiều năm nay, mỗi lần muốn thăm khám là một cực hình di chuyển. "Mấy lần trước tôi hay đi khám ở các bệnh viện lớn. Nhưng giờ tôi cứ đến trạm y tế là có nhiều bác sĩ thăm khám tận tình, có bác sĩ về mình yên tâm hơn. Người dân xã đảo vui lắm" - bà Bê vui mừng nói.

Xã đảo Thạnh An: Gian nan hành trình đi chữa bệnhXã đảo Thạnh An: Gian nan hành trình đi chữa bệnh

Người dân ở Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM - bao năm vẫn thường trực nỗi lo chuyện phải đi cấp cứu, chữa bệnh nặng. Hành trình đi bệnh viện quá nhiêu khê. Bác sĩ ra xã đảo khám chữa bệnh cho bà con cũng lắm khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên