Vị hiệu trưởng đã quyết định lập một lớp học đặc biệt, "chiêu mộ" những bạn học sinh có "nguy cơ" thi rớt tốt nghiệp để tập trung ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi tới.
Lớp học này do chính thầy hiệu trưởng làm chủ nhiệm và do những giáo viên kỳ cựu, tận tâm nhất của nhà trường đứng lớp. Đặc biệt, lớp học này là miễn phí với những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
"Mời con về với đội thầy Sơn"
7h sáng nắng mùa hè xứ Huế nóng như đổ lửa. Trước cổng Trường THPT Gia Hội, một người đàn ông có dáng người cao lớn, ăn mặc chỉnh tề đứng dưới tán cây xanh ngóng nhìn ra cổng tỏ vẻ như đợi ai đó. Người đó là thầy Lê Triều Sơn, hiệu trưởng nhà trường.
Một cậu nam sinh mặc quần xanh áo trắng bước qua cổng trường. Thấy bóng dáng quen thuộc, thầy Sơn liền chạy đến gần, đặt tay lên vai cậu học trò rồi niềm nở gọi tên một cách thân mật: "Nghĩa! Hôm nay học môn toán hả? Mau mau vào lớp đi con".
Thái Mạnh Nghĩa là thành viên tuyển U19 của đội bóng đá tỉnh Thừa Thiên Huế. Hằng ngày cậu đều đặn một buổi học văn hóa ở Trường Gia Hội, một buổi học đá bóng chuyên nghiệp. Mải chạy theo quả bóng tròn nên lắm khi việc học ở trường của cậu bạn có sự chểnh mảng.
Điểm thi các môn tốt nghiệp cuối học kỳ 1 ở trường của Nghĩa và nhiều bạn học cuối cấp khác đã phản ánh điều đó.
"Cầm bảng điểm môn thi cuối kỳ 1 của các bạn học sinh lớp 12 trên tay mà tôi không khỏi lo lắng. Mấy chục em không đủ điểm đậu tốt nghiệp. Tôi sợ với tình hình như vậy thì trong số này sẽ rất nhiều bạn rớt kỳ thi cuối cấp quan trọng nhất của đời học sinh. Tôi phải làm điều gì đó" - thầy Sơn nói.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thầy Sơn mời các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp 12 toàn trường lại rồi đề xuất mở một lớp học bồi dưỡng "đặc biệt" cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hạnh kiểm và học lực chưa tốt.
Lớp học này gồm sáu môn học mà các bạn lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp, học sáu buổi mỗi tuần và do các thầy cô tổ trưởng chuyên môn đứng lớp.
Xong việc, thầy Sơn đi đến từng lớp học, gọi riêng các bạn có tên trong danh sách cần bồi dưỡng ra một chiếc ghế ở sân trường động viên, thủ thỉ và cả... năn nỉ các bạn ấy đến lớp học.
"Phải thật khéo léo hết sức, tôi không muốn các bạn ấy tự ti vì học lực của mình mà không tham gia lớp học này. Sau khi tâm tình, chia sẻ mong muốn của thầy cô và được sự đồng ý của các bạn, tôi đều vỗ vai động viên và nói "chào mừng con đến với đội thầy Sơn"" - thầy Sơn kể.
"Khó khăn cứ nhắn riêng cho tôi"
Trước khi mở lớp, nhà trường tổ chức một cuộc họp phụ huynh đặc biệt để nói về ý tưởng này. Không ít vị phụ huynh đã đặt cho ban giám hiệu nhà trường những ánh mắt ngờ vực về độ hiệu quả của lớp học. Một câu hỏi mà cũng nhiều vị phụ huynh quan tâm đó là học phí sẽ là bao nhiêu một tháng?
"Tôi biết các anh chị, có người đang cho con mình đi học thêm bên ngoài mỗi môn 500.000 đồng, mỗi tháng tốn cả vài triệu đồng chứ không ít. Với lớp "đội thầy Sơn" do tôi làm chủ nhiệm chỉ thu 450.000 đồng mỗi tháng cho sáu môn học cả tuần.
Với tư cách là hiệu trưởng, tôi cam kết với các anh chị các cháu sẽ tiến bộ. Phụ huynh nào có hoàn cảnh khó khăn, cứ nhắn tin riêng cho tôi, tôi sẽ miễn học phí" - thầy Sơn nói tại cuộc họp.
"Đội thầy Sơn" chính thức mở lớp vào đầu tháng 3-2023. Ban đầu lớp có khoảng 40 học sinh. Sau đó số lượng tăng dần lên 55 bạn.
Cứ đều đặn mỗi ngày, vị chủ nhiệm kiêm hiệu trưởng nhà trường đều đứng ở cổng trường để đón các bạn học sinh của lớp vào học. Đến cuối buổi, dù bận việc gì thầy Sơn cũng sẽ bỏ ngang để đến lớp bồi dưỡng động viên từng bạn.
Điều quan trọng để lớp học này được duy trì thường xuyên, theo thầy Sơn, đó là phải nhớ tên từng bạn học sinh. Từ đó hiểu được gia cảnh của các bạn ấy thế nào, nguyên nhân vì sao các bạn không tập trung được vào việc học để có sự điều chỉnh.
Sau hàng tháng trời dày công ôn luyện, lớp thầy Sơn cũng đã cho lại quả ngọt. Điểm thi thử tốt nghiệp cuối tháng 5 vừa qua của các học sinh trong lớp đều rất tốt.
Xin cảm ơn thầy cô ở "lớp thầy Sơn"
Giữa trưa nắng gắt, sân trường vắng hẳn tiếng ve. Trước cửa phòng bảo vệ ở ngay cạnh sân Trường Gia Hội, một người phụ nữ trùm kín mặt mày, tay xách một túi nilông nhỏ đứng thập thò trước cổng.
"Anh bảo vệ cho tui gửi túi quà này đến thầy Sơn hiệu trưởng cùng mấy thầy cô. Trong này là mấy con mực khô của dân làng quê tui đánh bắt ở biển Thuận An, gửi tặng mấy thầy cô" - người phụ nữ giọng nhỏ nhẹ nói.
Chị tên là Thanh Lan, phụ huynh của một em học sinh đang ôn luyện tại "đội thầy Sơn". "Con tui ngày xưa mê chơi game lắm nên học hành sa sút. Ba mẹ nói hoài mà cháu không chịu nghe. Từ ngày vào học "lớp thầy Sơn" cháu tiến bộ hẳn. Tui mừng lắm nên có ít quà quê gửi tặng quý thầy cô để cảm ơn ân tình này" - chị Lan tâm tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận