08/04/2020 10:20 GMT+7

Lại nghi bán tranh giả của họa sĩ Đông Dương

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Họa sĩ Đức Hòa khẳng định dứt khoát: "Đây là tranh giả. Bố tôi không vẽ kém như vậy. Nhiều lỗi quá".

Lại nghi bán tranh giả của họa sĩ Đông Dương - Ảnh 1.

Bức tranh được cho là tranh giả

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa - con trai của cố họa sĩ mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Trọng Hợp - lại vừa phải loan báo trên trang Facebook cá nhân về việc một người sưu tập ở Hà Nội đang rao bán "tranh giả" của cha mình.

Họa sĩ Đức Hòa khẳng định dứt khoát: "Đây là tranh giả. Bố tôi không vẽ kém như vậy. Nhiều lỗi quá".

Là học trò của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, họa sĩ Đỗ Đức hiểu rất rõ tranh của thầy mình, ông cho biết nhìn là ông biết ngay bức tranh đang được rao bán trên mạng "không phải tranh của cụ", bởi bức vẽ không có chất tạo hình, không có cốt.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ từ Canada, họa sĩ Đức Hòa cho biết bức tranh gốc từng tham gia triển lãm tranh của quân đội, được trao giải thưởng; được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mua từ lâu.

Liên hệ với nhà sưu tập đồ cổ và tranh Trường Giang (Hà Nội) - người đang sở hữu gần 20 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, anh Trường Giang cho biết bức tranh gốc của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp được in trong sách Mỹ thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ XX của NXB Mỹ Thuật năm 2000, với tên gọi Tuần tra bảo vệ làng.

Thông tin từ cuốn sách này cũng cho biết bức tranh đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Lại nghi bán tranh giả của họa sĩ Đông Dương - Ảnh 2.

...và bức tranh Tuần tra bảo vệ làng được in trong sách Mỹ thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ XX - Ảnh: PI/ TRƯỜNG GIANG

Trong khi đó, nhà sưu tập rao bán bức tranh được cho là của "họa sĩ Đông Dương Nguyễn Trọng Hợp" cho biết anh chỉ mới tham gia "chơi tranh".

Bức này được anh mua từ PI Gallery ở Hà Nội, có đầy đủ giấy chứng nhận và cam kết "tranh thật" từ gallery. Bức tranh này anh chỉ vừa mua ngày 27-3, được ghi tác giả là Nguyễn Trọng Hợp, sáng tác năm 1984, chất liệu tổng hợp trên giấy, không có tên gọi.

Ông Nguyễn Đô Sơn - giám đốc điều hành của PI Gallery, nơi bán ra bức tranh này - cũng xác nhận đây đúng là bức tranh do bên ông bán ra và "đã được êkip của PI Gallery xác nhận sau khi xem kỹ mọi chi tiết của tác phẩm, dựa trên các yếu tố khách quan và logic khoa học".

Ông Sơn xác nhận gallery tự thẩm định bức tranh chứ không có một hội đồng thẩm định tranh độc lập. Về cái tên hài hước của tranh mà khách hàng của ông đặt khi rao bán bức tranh này trên mạng, ông cho biết tranh không có tên. Ông cũng nói gallery không có hồ sơ lịch sử của bức tranh này.

Việc tranh của các họa sĩ Đông Dương bị làm giả là điều phổ biến từ nhiều năm nay, thậm chí vào sàn đấu giá trong nước và quốc tế.

Mới đây nhất, tháng 9-2019, sau khi bị giới họa sĩ Việt Nam nghi ngờ bán tranh giả của hai danh họa Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân, nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã phải rút hai bức Lá thư, Hai cô gái khỏi danh sách đấu giá.

'Thời kỳ tranh giả, tranh rởm Việt Nam bùng nổ'?

TTO - Hai bức tranh Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân và Hai cô gái của danh họa Trần Văn Cẩn vừa được Sotheby’s Hong Kong đấu giá bị nghi ngờ tranh giả vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới là nơi giữ hai tác phẩm này...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên