06/10/2021 11:35 GMT+7

Nhiều lỗ hổng để tranh giả đội lốt tranh Đông Dương

MAI THỤY thực hiện
MAI THỤY thực hiện

TTO - Một loạt tranh giả, tranh kém chất lượng đội lốt tác phẩm của danh họa Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sắp đổ bộ lên các sàn đấu giá quốc tế trong tháng 10.

Nhiều lỗ hổng để tranh giả đội lốt tranh Đông Dương - Ảnh 1.

Bức Nhà tranh gốc mít Sotheby’s Hong Kong bán (trái) và tác phẩm gốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh tư liệu

Số lượng tranh Việt Nam xuất hiện đột biến trên các sàn danh tiếng Sotheby’s, Aguttes, Tajan, Lynda Trouvé… lẽ ra là một tin vui với người yêu nghệ thuật Việt Nam, nhất là trước tình trạng đóng băng của nghệ thuật trong nước do dịch bệnh.

Thế nhưng, chỉ tính riêng trong tuần trước, có ít nhất 10 tác phẩm đã bị cộng đồng nghệ thuật Việt Nam đặt nghi vấn tranh "rởm".

Cá biệt, bức sơn mài Nhà tranh gốc mít được đề là bản "tương đương" với tác phẩm cùng tên của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.

Hiện bản gốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Việc đưa ra một khái niệm kỳ quặc và công tác kiểm duyệt sơ sài đã khiến nhiều người nghi ngờ năng lực thật sự của các sàn quốc tế đối với tranh Đông Dương.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với giám tuyển Ace Lê về vấn đề trên.

Các sàn đấu giá quốc tế kiểm định sơ sài đối với tranh Đông Dương

* Dù tranh "rởm" thường xuyên bị phát hiện nhưng thời gian qua xuất hiện với số lượng lớn, lại xảy ra gần như đồng thời vào tháng 10. Liệu điều này chỉ là trùng hợp hay có nguyên cớ gì chăng?

- Thật ra hầu như mùa nào cũng có nghi án tranh giả, chỉ là ít hay nhiều.

Dạo gần đây do giá tranh tăng cao phi mã - bất chấp ảnh hưởng khủng hoảng đại dịch - khiến số lượng chủ sở hữu tranh muốn đưa tác phẩm ra bán chốt lời ngày một nhiều, bất kể chất lượng tốt xấu.

Hiệu ứng truyền thông khiến sự chú ý của dư luận tăng cao, cũng dẫn tới việc mỗi phiên đưa lên đều được cộng đồng cùng nghiên cứu, săm soi nhiều hơn và đây là một tín hiệu rất tốt. Tranh giả đã tồn tại và được chào bán nhiều thập niên rồi, chỉ là đến giờ bị đưa ra ánh sáng nhiều hơn và bị phản đối kịch liệt hơn, chứ không phải đến năm nay mới nở rộ.

* Tranh giả bị phát hiện thường có chất lượng rất kém, vậy nhưng vẫn có thể lọt qua "sự sàng lọc chặt chẽ" của sàn đấu giá danh tiếng. Anh đánh giá thế nào về công tác kiểm định của các nhà đấu giá về tranh Việt Nam, đặc biệt là tranh của các danh họa Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương?

- Công tác kiểm định của tuyệt đại đa số các sàn đấu giá hiện nay với tranh Đông Dương là tương đối sơ sài. Các sàn lớn như Christie’s, Sotheby’s và Bonhams có đủ kinh phí sẽ thuê một chuyên gia riêng về tranh Việt hoặc nhập vào phụ trách chung với mảng tranh Hiện đại của Đông Nam Á hoặc châu Á.

Các sàn nhỏ hơn thì một người phải phụ trách nhiều mảng hơn - bao gồm cả hội họa lẫn đồ cổ và các thứ đồ khác. Vấn đề là hầu hết các chuyên gia này đều không biết tiếng Việt và/hoặc không được đào tạo chính quy về nghiên cứu văn hóa Việt, dẫn tới nhiều lỗ hổng sai sót rất lớn khi đánh giá tác phẩm.

Về giám định lai lịch, rất nhiều sàn cũng không chịu (hoặc cố tình?) bỏ công liên lạc với gia đình của họa sĩ đã quá cố, ví dụ như trong sự cố về bức bình phong Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ gây ồn ào vừa qua. Như vậy, cụm từ "sàng lọc chặt chẽ" cần xét lại ngay từ đầu.

Nhiều lỗ hổng để tranh giả đội lốt tranh Đông Dương - Ảnh 2.

Cần củng cố khung Luật bản quyền và chế tài

* Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho rằng: "Nếu tình hình này cứ tiếp diễn, e rằng nhà sưu tập chỉ có thể chơi tranh của các họa sĩ đương đại, những người mà họ biết rõ và những tranh mà họ có cơ sở thông tin". Anh nghĩ thế nào về nhận định này?

- Chỉ sợ họ không mua nữa, chứ nếu họ chuyển sang mua đương đại thì cũng vẫn mừng.

Hiện tại lượng tài chính đổ vào phân khúc hiện đại vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, liên tục phá các kỷ lục giá nhiều triệu đô, trong khi mảng đương đại đang rất cần thêm một luồng gió những nhà sưu tập mới để có thêm tài nguyên thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, giám tuyển, triển lãm và trao đổi học thuật, tạo thêm kiến thức và trải nghiệm thẩm mỹ cho công chúng, thay vì phải dựa vào các nguồn quỹ ngoại như trong suốt ba thập niên qua.

Tôi so sánh đơn cử, thị trường Philippines đã có nghệ sĩ đương đại cán mốc đấu giá 3 triệu đô, còn ở ta, tác phẩm đương đại cán mốc trăm nghìn đô vẫn còn chưa có.

Tất nhiên đây không phải là một cuộc đua xem ai được giá cao hơn, nhưng nhiều khi con số cũng thể hiện phần nào mặt bằng chung sự quan tâm tới phân khúc nghệ thuật nào.

* Để xây dựng một thị trường khỏe mạnh và minh bạch, không thể chỉ đòi hỏi nhà đấu giá và người sưu tập. Theo anh, cộng đồng nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan hữu trách nên làm gì?

- Khung luật bản quyền và chế tài là nền móng căn bản, ta cần củng cố lại nó trước. Cần thêm sự tham vấn từ giới thực hành luật, nhất là về mảng mỹ thuật. Thiếu sót này là vấn nạn không chỉ ở nước ta, mà ở cả Đông Nam Á.

Ngay như ở Singapore, số lượng luật sư chuyên về luật nghệ thuật cũng đếm trên đầu ngón tay. Thứ hai là việc thành lập những hội đồng thẩm định nghệ thuật uy tín, trong đó việc đầu tư vào đào tạo một đội ngũ chuyên môn là cần thiết, về cả giám định pháp khoa lẫn lai lịch và thị giác.

Thứ ba, có lẽ đã đến lúc các nhà sưu tập ở Việt Nam phải hợp tác chặt chẽ với tinh thần cầu thị để thanh lọc các tác phẩm giả. Ở Trung Quốc đã có hiệp hội các nhà sưu tập nghệ thuật, tổ chức hội thảo thường niên và thẩm định tranh cũng là một trong những chủ đề thường xuyên được họ quan tâm.

Sotheby’s Hong Kong rút Nhà tranh gốc mít

Sau khi bị cộng đồng nghệ thuật phản đối dữ dội, Sotheby’s Hong Kong vừa có phản hồi với giám tuyển Ace Lê:

"Sotheby's đã nhận thức được về các nghi vấn xoay quanh tính xác thực của tấm bình phong Nhà tranh gốc mít của Nguyễn Văn Tỵ (lô 778, phiên Modern Art Day Sale, ngày 10-10-2021).

Sotheby's đề cao tính nghiêm trọng của những sự vụ về tính xác thực và xin rút tác phẩm này khỏi phiên đấu, đồng thời sẽ tiến hành xác minh sau đó". Chia sẻ thông tin này, giám tuyển Ace Lê nói: "Một niềm tin nho nhỏ đã được hồi phục".

Sotheby’s rút bình phong Sotheby’s rút bình phong 'Nhà tranh gốc mít' nghi giả tranh Nguyễn Văn Tỵ khỏi đấu giá

TTO - Trên trang web, nhà đấu giá Sotheby’s Hongkong đã thông báo rút bức bình phong mà trước đó họ cho là "tương đương" với bức sơn mài "Nhà tranh gốc mít" của họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Văn Tỵ ra khỏi phiên đấu giá ngày 10-10 tới.

MAI THỤY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên