Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền video dài gần 5 phút của một cô gái "bóc phốt" công ty cũ vì "ép" nhân viên phải chạy bộ, đọc sách hằng ngày.
Cô thừa nhận việc đọc sách, chạy bộ là rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề là sếp không chỉ khuyến khích mà yêu cầu nhân viên phải tham gia, đồng thời liên tục kiểm tra thành tích.
Chỉ tiêu đặt ra yêu cầu nữ phải chạy 7km/tuần, còn nam là 12km/tuần. Không chỉ áp KPI (chỉ tiêu đánh giá công việc) chạy bộ cho nhân viên, người sếp theo lời kể của cô gái còn kiểm tra thông tin chạy, nếu chạy quá chậm cũng bị nhắc nhở. Ám ảnh với "văn hóa" này, cô gái quyết định nghỉ việc.
Muốn khuyến khích vì nhân viên lười vận động
Ủng hộ với cách làm của công ty này, bạn đọc Trần Đăng Hiến cho rằng giám đốc công ty này chăm lo sức khỏe cho nhân viên. "Nhiều người không biết lợi ích to lớn của việc chạy bộ đem lại cho sức khỏe bản thân nên mới phê phán" - bạn đọc Hiến bình luận.
Cũng là chủ một doanh nghiệp, bạn đọc Lâm bày tỏ: "Nhiều khi tôi cũng muốn mấy bạn nhân viên tập thể dục thể thao. Họ lười vận động kinh khủng. Tôi 35 tuổi mới bắt đầu tập luyện 5 năm nay, và chỉ ước rằng mình nhận ra tầm quan trọng của việc tập luyện sớm hơn".
Còn bạn đọc Nam Anh cũng bình luận: "Tôi ủng hộ công ty này. Ban giám đốc công ty rõ ràng là có kinh nghiệm về lợi ích của chạy bộ với sức khỏe và kỷ luật. Ai không phù hợp thì tự "out". Như vậy sẽ tốt cho doanh nghiệp, và cũng tốt cho người lao động".
Cùng quan điểm này, bạn đọc Loan cho rằng: "Đó không phải là ép. Mỗi công ty đều có những quy định riêng, tiêu chí riêng. Nếu chúng ta chấp nhận được thì hợp tác với nhau, cùng làm việc trong môi trường đó. Còn không chấp nhận được thì thôi, tìm nơi khác làm việc, không ai ép mình".
Loan giải thích thêm, thời đại ngày nay con người sống và làm việc trong môi trường ít vận động nên lâu ngày cũng sinh ra lười vận động, đó là sự thật. Nhưng nếu nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của vận động và cái hại của việc ít vận động.
Khi thấy được hiệu quả của việc làm này, các thành viên công ty có sự kết nối thân thiện, giao tiếp và hiểu nhau nhiều hơn qua các chương trình nhóm, tập thể thì các anh chị sẽ không còn phàn nàn, than phiền công ty nữa.
"Tuy nhiên các công ty nên có chương trình phù hợp cho các thành viên, và miễn cho những nhân viên có bệnh lý không phù hợp với bộ môn chạy bộ theo tư vấn của bác sĩ", bạn đọc Loan bình luận.
Bạn đọc Tnt bày tỏ đồng tình: "Tôi thấy tốt mà. Nếu bị bệnh không đủ sức khỏe tập thể thao có nghĩa là không đáp ứng được công việc rồi. 12km/tuần cho nam và 7km/tuần với pace =>10p/km không phải là cao, chỉ như đi bộ".
Chạy bộ là tốt, nhưng trên tinh thần tự nguyện
Khẳng định việc đọc sách, hay chạy bộ là tốt, nhưng bạn đọc Cát Dương cho rằng tốt nhất những hoạt động này nên dựa trên tinh thần tự nguyên.
Cát Dương chia sẻ: "Công ty là nơi để làm việc. Nhân viên phải được đánh giá trên hiệu quả công việc. Tại sao trong hàng trăm môn thể thao lại chỉ chọn chạy bộ để bắt nhân viên thực hiện? Yoga, gym, bơi lội, đạp xe hoàn toàn tốt và thậm chí lành mạnh, an toàn hơn cả chạy bộ (với người có nền tảng sức khỏe không phù hợp).
Rõ ràng người sếp ở đây đã áp đặt sở thích cá nhân của mình cho nhân viên. Việc này vô tình lại làm người ta ác cảm hơn với môn chạy bộ.
Đã mất 8 tiếng ở công ty, về nhà ngoài chuyện gia đình, cá nhân còn phải chạy bộ, đọc sách thì thật khủng khiếp".
Cũng cho rằng việc chạy bộ cần tôn trọng quyền của mỗi nhân viên, bạn đọc Anp8 bày tỏ: "Chạy hay không là quyền của người ta, miễn sao trong công việc người ta hoàn thành. Mỗi nhà mỗi cảnh, người có gia đình con cái khác mấy anh chị độc thân.
Người đưa đón con đi học, cơm nước gia đình nữa lấy đâu thời gian ra mà tranh thủ chạy bộ? Nói thì dễ, chứ có gia đình con cái mà không có người làm thì thời gian nghỉ ngơi còn không có nữa".
Còn bạn đọc Lý Trọng Phúc lại bày tỏ băn khoăn về việc áp "KPI chạy bộ" như vậy có vi phạm luật lao động không?
"Một số người cho rằng nên vì đây là văn hóa doanh nghiệp và có lợi cho sức khỏe người lao động. Nhưng cá nhân tôi cho rằng chỉ nên khuyến khích hoặc áp KPI phong trào để thưởng thêm cho người lao động mà không nên gắn với việc đánh giá hiệu quả công việc.
Vì rõ ràng hai khía cạnh này không liên quan đến nhau. Trong một số trường hợp, chủ sử dụng người lao động không thể áp ý chí, sở thích cá nhân của mình vào việc đánh giá người lao động" - độc giả này viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận