17/07/2013 10:21 GMT+7

Hàng tỉ USD đổ vào ngành dệt may

NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI
NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI

TT - Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tăng vốn, mở rộng sản xuất vào các ngành công nghiệp phụ trợ tại VN như sợi dệt, linh kiện máy móc, điện tử để đón đầu cơ hội các hiệp định thương mại mà VN đang đàm phán.

97rd4WS4.jpgPhóng to
Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng chạy đua đầu tư vào dệt, may... để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại mà VN đang đàm phán - Ảnh: T.ĐẠM

Hàng tỉ USD đã được đổ vào ngành dệt may, công nghiệp phụ trợ thời gian qua cho thấy các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội xuất khẩu đầy tiềm năng từ thị trường VN.

Vốn ngoại đổ vào dệt may

Lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cũng nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tại VN là sản xuất linh kiện xe máy, xe hơi... Trong chuyến đến VN tìm cơ hội đầu tư cuối tháng 6-2013 vừa qua, giám đốc Công ty PT Pricol Surya (trụ sở tại Indonesia - là công ty con của Pricol Limited, Ấn Độ), ông Anil Kumar, cho biết Pricol Surya cung cấp nhiều thiết bị phụ tùng xe máy cho các hãng Honda, Yamaha, Suzuki tại VN. “Chúng tôi muốn tăng thị phần hơn nữa tại thị trường VN, đồng thời xúc tiến mở một nhà máy lắp ráp thiết bị, bộ đo xăng dầu cảm biến và bơm xăng dầu phục vụ ngành xe máy và ôtô tại VN” - đại diện Pricol nói.

Đầu tháng 7-2013, Tập đoàn Texhong (Hong Kong) đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy sợi tại Quảng Ninh với ba nhà xưởng và một số công trình phụ trợ phục vụ sản xuất sợi, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ước tính trên 200 triệu USD. Ngoài ra, Texhong cũng rót thêm gần 200 triệu USD để khởi công giai đoạn 2 dự án nhà máy sản xuất dệt sợi. Dự kiến khi hoàn thành trong năm tiếp theo 2014, công suất của nhà máy có thể đạt 110.000 tấn sợi mỗi năm, gấp đôi so với hiện nay.

TAL, một tập đoàn chuyên về sản xuất sợi và vải của Hong Kong, đã thông báo với Bộ Kế hoạch - đầu tư về kế hoạch tăng vốn 200 triệu USD để mở rộng nhà máy chuyên sản xuất vải, hàng dệt may và quần áo.

Những động thái này được cho là nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà VN đang tham gia đàm phán. Theo quy định của TPP, để được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ, nguyên liệu phải được sản xuất tại VN, hoặc sử dụng từ các nước là thành viên của TPP. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm các nước tham gia TPP sẽ được hưởng lợi từ các quy định này chứ không phải là những nước thứ ba.

Theo ông Trần Quang Nghị - tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện có sự chuẩn bị từ khá sớm. Mới nhất, Công ty KyungBang (100% vốn Hàn Quốc) vừa đưa vào hoạt động nhà máy sợi tại Bình Dương trị giá 40 triệu USD, công suất sản xuất 6.600 tấn sợi mỗi năm. Ông Lee Kap Soo, tổng giám đốc KyungBang VN, cho biết khi nhà máy mở rộng giai đoạn thứ 2 và 3, tổng số vốn đăng ký lên 160 triệu USD, và đây sẽ là nhà máy sợi lớn nhất ở châu Á.

Tương tự, Công ty CP đầu tư và phát triển Thiên Nam (VN) và Công ty TNHH dệt may Sunrise (Thặng Châu, Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Công ty CP dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, dự kiến dự án đi vào hoạt động vào cuối năm 2013 với quy mô sản xuất 1 triệu mét vải dệt thoi/tháng và 300 tấn vải dệt kim/tháng. Trước đó, vào tháng 5-2012, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã triển khai đầu tư một nhà máy sản xuất sợi 5 vạn cọc với tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Ông Mark Gillin, chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN, cho biết hiện có khá nhiều nhà đầu tư đang và sẽ đến VN để đón đầu cơ hội từ TPP, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Các nhà đầu tư muốn tận dụng VN làm bàn đạp tiến vào các nước khác. Dệt may là mặt hàng VN đang có tốc độ xuất khẩu sang Mỹ khá ấn tượng. Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ đạt 3,94 tỉ USD, chiếm 44,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,9 tỉ USD của ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp trong nước có hụt hơi?

Không riêng gì khối FDI, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang chạy đua nhằm tận dụng lợi thế từ TPP mang lại. Chẳng hạn, Vinatex đang triển khai một loạt dự án như dự án Nhà máy sợi Phú Hưng tại Thừa Thiên - Huế quy mô 21.600 cọc sợi, dự án Nhà máy sợi PVTex Nam Định, PVTex Phú Bài 3 quy mô 10.000 cọc, Nhà máy sợi Đông Phú quy mô 15.000 cọc sợi...

Tương tự, Vinatex vừa đưa vào hoạt động Nhà máy dệt Yên Mỹ với sản lượng tăng thêm 0,18 triệu mét vải, 63 tấn vải dệt thoi tại Tổng công ty cổ phần Phong Phú. Với ngành sợi, Nhà máy sợi Vinatex - Hồng Lĩnh bắt đầu hoạt động với quy mô 30.000 cọc sợi, dự án Sợi Phú Bài 2 quy mô 15.000 cọc sợi, nâng tổng sản lượng sợi tăng thêm của các dự án trong sáu tháng đầu năm 2013 lên 1.270 tấn sợi.

Theo Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), dù được đánh giá là ngành có tăng trưởng lớn về kim ngạch xuất khẩu, có cạnh tranh ổn định ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng ngành dệt may trong nước vẫn còn những hạn chế, đặc biệt với việc thực hiện chuỗi cung ứng cho mình vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu.

Thực trạng này dẫn đến những điểm yếu doanh nghiệp trong nước ở chỗ dù mạnh về khâu may (vốn đầu tư thấp, dễ dịch chuyển) nhưng lại rủi ro về phát triển bền vững, hạ tầng nguyên liệu còn thấp. Mà muốn tận dụng hiệu quả cao nhất của TPP thì phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối.

Ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Vinatex, cho rằng cơ quan hữu quan cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước và sau đầu tư của các dự án đầu tư vào dệt nhuộm. “Bất kể là của doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, với một hàng rào kỹ thuật chuẩn mực buộc các dự án này phải đảm bảo sử dụng công nghệ mới, có yếu tố bền vững, không gây tác hại môi trường là hết sức cần thiết” - ông Nghị nhấn mạnh. Nếu không, VN sẽ khó lòng tránh khỏi nguy cơ trở thành nơi chứa rác thải công nghiệp, môi trường ô nhiễm trước khi “tận hưởng” được những lợi ích từ TPP mang lại.

NHƯ BÌNH - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên