28/03/2014 07:51 GMT+7

Không bán được lúa dù có hợp đồng

Ông Nguyễn Kim Sa (phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp)
Ông Nguyễn Kim Sa (phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp)

TT - Nhiều nông dân tại Đồng Tháp và Tiền Giang hiện đang điêu đứng do lúa thu hoạch không bán được hoặc chấp nhận bán giá rẻ cho thương lái, trong khi các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân lại “lặn” mất tăm.

Nông dân chờ, doanh nghiệp chưa vộiLái lúa “biến mất”, nông dân điêu đứng

geMRkxU7.jpgPhóng to
Ông Huỳnh Văn Bò ở xã Điềm Hi, huyện Châu Thành, Tiền Giang “ôm” 4 tấn lúa chưa bán được do doanh nghiệp “xé” hợp đồng - Ảnh: Vân Trường

Một số doanh nghiệp đổ lỗi cho lúa không đạt chuẩn theo hợp đồng để từ chối mua, hoặc thiếu vốn, không có hợp đồng xuất khẩu…Tuy nhiên, chính quyền tại các địa phương này khẳng định doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”, “xù” hợp đồng vì sợ lỗ do giá lúa thấp.

Cam kết rồi… không mua

"Hiện tượng doanh nghiệp “xé” hợp đồng, không mua lúa của nông dân thực chất là do giá lúa liên tục giảm, doanh nghiệp sợ mua vào sẽ bị lỗ, chưa kể một số doanh nghiệp không tìm được thị trường xuất khẩu"

Cầm trên tay bản hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty CP Docimexco, ông Lê Văn Hồng (xã An Bình, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết lúa thu hoạch còn đang chất đầy đồng, nhưng công ty này đã “biến mất”. Theo ông Hồng, do mấy năm trước giá lúa bấp bênh, thương lái muốn mua bao nhiêu thì mua nên năm nay ông tham gia cùng HTX nông nghiệp số 2 (xã An Bình) ký hợp đồng tiêu thụ lúa với Docimexco để tránh bị ép giá.

Nhưng khi lúa thu hoạch xong, lấy lý do tỉ lệ lúa lẫn (độ thuần không cao), công ty này không mua theo đúng hợp đồng. Ông Hồng phải bán cho thương lái với giá (lúa IR50404) tại ruộng chỉ 4.200 đồng/kg. Tương tự, anh Nguyễn Thanh Long (xã An Bình) cho biết sau khi ký hợp đồng tiêu thụ với Docimexco, anh đã mua lúa giống xác nhận với giá cao nhưng đến kỳ thu hoạch công ty chỉ chịu mua có 4.600 đồng/kg, trong khi ngoài thị trường lúc đó là 4.800 đồng/kg. Sau mấy ngày khiếu nại, giá lúa xuống còn 4.200 đồng/kg, anh Long đành bấm bụng bán lúa để trả tiền nợ vật tư nông nghiệp, mất đứt 600 đồng/kg.

Ông Lê Văn Thanh, giám đốc HTX nông nghiệp An Lộc (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), cho biết cuối tháng 10-2013, Docimexco ký hợp đồng bao tiêu 200ha lúa của HTX này với giá thỏa thuận theo giá thị trường trước thời điểm thu hoạch năm ngày. Nếu doanh nghiệp không đến nhận hàng đúng lịch đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí bảo quản nông sản 300.000 đồng/ngày. Khi đến gần ngày thu hoạch lúa, Docimexco đến khảo sát, định giá đối với lúa IR50404 và OM4218 thấp hơn thị trường 200 đồng/kg, gây bức xúc cho nông dân trong HTX. Còn với lúa thơm jasmine, công ty đem lúa về kiểm tra rồi bảo tỉ lệ lúa khác lẫn vào tới 80-90%, trong khi theo hợp đồng chỉ mua lúa nếu đảm bảo độ thuần trên 90%. Tương tự, sau khi đến kiểm tra lúa jasmine (thu hoạch đợt 1) của HTX nông nghiệp Phát Tài (huyện Tân Hồng), Docimexco thông báo tỉ lệ thuần có mẫu chỉ 10% nên không mua, nông dân phải bán cho thương lái.

Tại Tiền Giang, Công ty Phương Quân ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 280ha thuộc cánh đồng mẫu lớn xã Điềm Hi và Nhị Bình, huyện Châu Thành. Đầu tháng 3-2014, trước khi thu hoạch, công ty này đưa ra giá mua là 4.580 đồng/kg (lúa IR50404 mới thu hoạch xong). Theo ông Mai Tấn Sang, chủ tịch UBND xã Điềm Hi, thời điểm công ty đưa ra giá mua lúa thì giá thị trường là 5.250 đồng/kg nên nông dân không đồng ý bán. Thương lượng bất thành nên công ty thống nhất để dân bán ra ngoài. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch giá lúa giảm sâu nên nông dân phải đem lúa về nhà trữ vì không có người mua.

Ông Huỳnh Hữu Hòa, phó Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), cho biết vụ đông xuân vừa qua Công ty Phương Quân và Phước Đạt ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 480ha ở hai xã Điềm Hi và Nhị Bình, cả hai không thực hiện hợp đồng vì đưa ra giá mua thấp hơn giá thị trường khá xa. “Doanh nghiệp không mua lúa cho dân nhưng chúng tôi lại khổ sở vì vận động dân vô cánh đồng mẫu lớn rất khó. Chúng tôi phải hứa hẹn với dân đủ điều, đưa kỹ thuật xuống hỗ trợ dân, giờ doanh nghiệp không mua. Dân chửi, chúng tôi phải nghe. Rồi không biết mai mốt xuống nói với dân thế nào nữa” - ông Hòa bức xúc.

W4WEhaWm.jpgPhóng to
Ông Phạm Văn Siêm (thứ hai từ trái qua) trình bày bức xúc của xã viên với giám đốc HTX nông nghiệp số 2 (Đồng Tháp) Đặng Quang Ngân (bìa phải) để thống nhất phương án khiếu nại - Ảnh: thanh tú

“Xù” hợp đồng vì sợ lỗ?

Giải thích về việc không mua lúa cho dân theo hợp đồng đã ký kết, ông Phạm Văn Dũng, phó tổng giám đốc Docimexco, cho rằng do hai bên không gặp nhau ở tỉ lệ lúa lẫn (độ thuần) nên hợp đồng không thể thực hiện được chứ không phải công ty “bẻ kèo”. Theo ông Dũng, vụ đông xuân 2014, công ty có ký hợp đồng tiêu thụ lúa jasmine với bảy HTX (746ha) ở huyện Tân Hồng và khoảng 600ha ở thị xã Hồng Ngự. Do hợp đồng chỉ ghi là tiêu thụ sản phẩm chứ công ty không đầu tư kỹ thuật nên khi thu hoạch, để xác định chất lượng lúa, công ty đã đem lúa đi kiểm định. Kết quả kiểm định cho thấy phần lớn mẫu lúa đều có tạp chất vượt mức 10% nên công ty tạm dừng mua lúa của nông dân.

Tuy nhiên, ông Đặng Quang Ngân, giám đốc HTX nông nghiệp số 2, cho rằng trước khi gieo sạ, xã viên đã ký hợp đồng mua lúa giống xác nhận với một công ty do chính Docimexco giới thiệu. Do đó, việc kết luận lúa có tỉ lệ lẫn cao hơn mức quy định là không có cơ sở. Ông Phùng Thanh Hải, chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cũng cho rằng: “Nếu nói lúa lẫn tạp chất nhiều ở một, hai hộ hoặc cánh đồng nào sẽ hợp lý. Đằng này cả bảy HTX đều có tỉ lệ lúa lẫn cao hơn 10% là rất khó thuyết phục”.

Ông Phạm Văn Vàng, Công ty Phương Quân, cho biết sẽ cố gắng mua lúa của dân theo giá thành sản xuất vụ đông xuân được Bộ Tài chính công bố cộng với 30% lợi nhuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chứ không thể chạy theo thương lái mua giá thị trường, do không có hợp đồng xuất khẩu.

“Không có hợp đồng xuất khẩu, nếu mua theo giá thị trường tại thời điểm giá lúa đang cao sẽ bị lỗ nặng. Tình hình thị trường khó khăn là ngoài mong muốn của doanh nghiệp chứ chúng tôi không cố ý. Mười ngày qua chúng tôi chưa xay một hạt lúa nào vì không có đầu ra” - ông Vàng nói. Trong khi đó bà Nguyễn Thị Bích Khiêm, giám đốc Công ty TNHH-DVTM Thiên Nhiên, cho biết không mua được nhiều như hợp đồng đã ký là do phần lớn ngân hàng không chịu cho vay. “Họ yêu cầu doanh nghiệp phải mở L/C trước rồi mới giải ngân, trong khi doanh nghiệp muốn mở L/C phải có hàng hóa, có hợp đồng” - bà Khiêm nói.

Bà Khiêm cho biết bản thân doanh nghiệp cũng đang rơi vào vòng luẩn quẩn, muốn xuất khẩu gạo thì phải có hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân (theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp), tức là phải có tiền mua lúa, trong khi ngân hàng không cho vay. “Chúng tôi đã đầu tư kho chứa, nhà máy chế biến, ngốn hết vốn rồi bây giờ nếu ngân hàng không cho vay để mua lúa thì chịu trận chứ biết làm sao” - bà Khiêm nói.

Mới mua một nửa

Theo báo cáo của Sở Công thương Đồng Tháp, vụ đông xuân 2014 toàn tỉnh có 39 doanh nghiệp đăng ký tiêu thụ lúa cho nông dân với tổng diện tích đã ký hợp đồng kinh tế là 15.670ha. Thế nhưng đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 200.000ha nhưng các doanh nghiệp chỉ mới mua được (theo hợp đồng) khoảng 8.000ha.

Một số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với khối lượng lớn nhưng mua vào rất ít. Chẳng hạn, Công ty TNHH-DVTM Thiên Nhiên (Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) ký hợp đồng tiêu thụ đến 1.080ha nhưng chỉ thực mua 20ha, Công ty Cẩm Nguyên (huyện Tam Nông) ký hợp đồng bao tiêu 984ha, chỉ mua được 166ha; Docimexco (huyện Châu Thành) ký hơn 1.300ha nhưng chưa mua được hecta nào.

Ông Nguyễn Kim Sa (phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên