31/07/2013 08:56 GMT+7

Hãy trong vai người nộp thuế

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ngân sách nhà nước chủ yếu được đóng góp từ tiền thuế và luôn eo hẹp, do vậy vấn đề tiết kiệm và chi xài chặt chẽ luôn được nhấn mạnh.

Cả nước đang gặp khó về thu ngân sách do kinh tế khó khăn thì vấn đề kỷ cương ngân sách vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cuối tháng 7-2013 về kết quả kiểm toán năm 2011 vẫn là bài học nóng hổi.

Đầu năm 2011, kinh tế khó khăn, Chính phủ có nghị quyết 11 trong đó có cắt giảm đầu tư công, bớt bội chi ngân sách... Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2011 số dự án đã có quyết định đầu tư của các địa phương vẫn lên tới hàng ngàn và phải mất nhiều năm mới có thể đầu tư xong các dự án này.

Như Hưng Yên cần 23,68 năm, Lâm Đồng 18,96 năm, Nghệ An 8,92 năm... Khi cần đầu tư thì công tác lựa chọn nhà thầu cũng có vấn đề, như tỉ lệ chỉ định thầu cao (Bộ VH-TT&DL chỉ định 245/280 gói thầu, Tổng cục Thuế 371/421 gói thầu...). Thậm chí còn tình trạng đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu không đúng quy định. Như KTNN nêu đích danh Bộ Nội vụ đã chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu không đúng quy định...

Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng có sai phạm, như mua sắm tài sản không đúng Luật đấu thầu. Có tới sáu bộ ngành như Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế... sử dụng nhà đất không đúng mục đích, cho thuê trái phép, cho mượn sai quy định, bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc để hoang...

Công tác thu ngân sách, theo KTNN, cũng còn “tồn tại”, có thể làm giảm nguồn thu như tại một số cục thuế và cục hải quan còn tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định, chưa xử phạt vi phạm hành chính đầy đủ đối với việc nộp tờ khai thuế chậm, cấp danh mục hàng miễn thuế chưa đúng quy định, chưa nộp kịp thời tiền thuế tạm thu vào ngân sách nhà nước...

Đặc biệt, theo KTNN, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại các bộ ngành lại... có chiều hướng gia tăng.

Kết quả, KTNN đã phải kiến nghị thu hồi tại 14 bộ ngành được kiểm toán 9,7 tỉ đồng (tăng hơn gấp đôi năm 2010 về giá trị). Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức còn xảy ra phổ biến, tại 28/28 địa phương được kiểm toán với số tiền lên đến 196 tỉ đồng.

Đã có chuyên gia nói các cơ quan nhà nước sử dụng ngân sách vi phạm, chi chưa đúng chế độ định mức... thì trong các báo cáo kiểm toán gần như năm nào cũng thấy. Nhưng những tổ chức, cá nhân bị xử lý thì cơ bản không thấy, nếu có cũng ít.

Nguyên tắc cần giữ vững là bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm cũng cần phải được xử lý, công khai, giải thích thỏa đáng cho dư luận. Nếu không, rất có thể năm sau báo cáo kiểm toán vẫn lại là câu chuyện cũ nhưng lại có thêm khoản tiền khác của dân bị xài không đúng chế độ.

Các cơ quan chức năng đang xài tiền ngân sách hãy đặt mình vào vị trí của các doanh nghiệp và cá nhân đang nộp thuế để hiểu rằng kinh tế càng khó khăn thì người nộp thuế càng có yêu cầu cao hơn trong việc sử dụng tiền thuế.

Bởi để có những khoản tiền tỉ để các cơ quan nhà nước chi xài, từng người dân đã phải chắt chiu, tằn tiện để làm nghĩa vụ thuế. Người dân không thể chấp nhận đồng tiền thuế do mình đóng góp tiếp tục bị tiêu xài lãng phí, không hiệu quả!

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên