12/10/2023 09:31 GMT+7

Hành trình đổi phận buồn của chàng trai tên Hận

Đinh Hữu Hận chạy chiếc xe máy Cub 50 cà tàng từ làng quê nghèo ở Phước Chánh (xã Quế Mỹ, Quế Sơn, Quảng Nam) chở theo bao gạo cùng mấy bịch mắm cá mẹ làm vào Đà Nẵng, bắt đầu hành trình 4 năm đại học, để thay đổi phận buồn.

Hận ở tạm trong căn phòng trọ của bạn, chờ ổn định để đi làm thêm - Ảnh: B.D.

Hận ở tạm trong căn phòng trọ của bạn, chờ ổn định để đi làm thêm - Ảnh: B.D.

Phải qua nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới tìm được chỗ trọ của Đinh Hữu Hận - tân sinh viên ngành địa lý du lịch, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Học lớp 9 mới biết mặt ba

Đinh Hữu Hận kể từ nhỏ hai mẹ con sống đơn chiếc trong ngôi nhà cấp 4 ở thôn Phước Chánh. Mẹ Hận làm một sào lúa, cứ tới mùa gieo sạ xuống giống xong thì bà lại ngược lên rừng từ sáng tới tối để bóc vỏ keo, kiếm tiền nuôi đứa con trai cùng mẹ già.

Mẹ Hận không nói cho con trai biết về người ba của con. Có lần Hận lần hỏi ngoại thì được bà nói ba Hận đang ở bên kia cánh đồng, cách mấy bước chân.

Mãi sau này khi nhiều lần hỏi, Hận mới được mẹ kể gia đình của ba không thừa nhận hai mẹ con nên bà đã quay về nhà mẹ chờ ngày sinh nở, nuôi con một mình. Cái tên Hận có từ đó.

Một ngày cuối năm lớp 9, mẹ đi làm về, vẻ buồn bã và nói Hận tự tìm ngôi nhà cấp 4 nằm giữa đồng của một người bên kia cánh đồng. Đó chính là ngôi nhà của ba cậu.

"Do biết tin ba mình ung thư giai đoạn cuối, thời gian chỉ còn tính bằng ngày nên mẹ nói mình qua cho ba con gặp nhau. Gạt bỏ hết mọi giận hờn, mẹ muốn mình biết gốc gác, ông bà của mình như bao đứa trẻ khác" - Hận kể.

Cậu bé chăn bò và quyết tâm mãnh liệt thay đổi số phận buồn

Hận vào đại học với đôi tay trắng để nỗ lực thay đổi cuộc đời buồn của mình - Ảnh: B.D.

Hận vào đại học với đôi tay trắng để nỗ lực thay đổi cuộc đời buồn của mình - Ảnh: B.D.

Chàng tân sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng nói khi gặp ba thì thời gian của ông không còn nhiều.

Ông nghèo, đi làm công, sống với mẹ già và cũng không lập gia đình nhưng do ngăn trở trong lòng mà không thể tìm tới nhận con.

Đinh Hữu Hận nói gặp ba được vài tháng thì ông mất. Bà nội của Hận cũng không có người thân thích nên buộc phải vào trung tâm dưỡng lão ở Hội An để sống những ngày tháng cuối đời. Ngôi nhà khóa trái cửa, thỉnh thoảng Hận cùng mẹ về lo nhang đèn hương khói.

Trong cuộc đời buồn bã và thiếu thốn đủ bề, Đinh Hữu Hận vẫn được mẹ nuôi đi học đầy đủ. Điều làm nhiều bà con chòm xóm rất ngạc nhiên là cậu bé chăn bò nổi tiếng ở trong làng Phước Chánh này lại học rất giỏi.

Hận nói rằng do thấy mẹ lao lực, làm không đủ ăn nên cậu bảo với mẹ mua một con bò giống rồi về Hận chăm sóc, cho bò sinh sản để bán bê con lấy tiền trang trải. Hằng ngày sau giờ lên lớp, Hận lại về nhà thả cặp sách rồi đội chiếc nón cời dẫn bò ra đồng. Bò gặm cỏ và giờ học của Hận cũng diễn ra ở trên ruộng đồng, theo năm tháng đến trường.

Sau cuộc tình buồn với người đàn ông đầu tiên, lửa lòng tưởng như nguội lạnh với mẹ của Đinh Hữu Hận. Nhưng khi Hận bắt đầu lớn khôn, mẹ Hận lại chùng lòng rồi nhận lời thương yêu với một người đàn ông khác. Tuy nhiên, một lần nữa duyên tình lận đận lại tiếp tục đeo đẳng. Người đàn ông thứ hai đã bỏ mẹ Hận cùng một mầm sống đang lớn dần.

Thương mẹ, Hận càng cố gắng học thật tốt, vừa phụ mẹ nuôi bò, chăm em. Ước mơ thay đổi cuộc đời bằng con đường học hành trong Hận lại thêm mãnh liệt.

Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đủ bề nhưng Hận vẫn đạt học lực giỏi suốt 3 năm cấp 3. Khi đặt giấy bút chọn ngành địa lý du lịch tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Hận nói ước mơ cháy bỏng của mình là được trở thành thầy giáo.

Nhưng thay vì chọn thẳng vào sư phạm, Hận lại theo học cử nhân để sau này học thêm nghiệp vụ sư phạm và xin đi dạy, nếu không thực hiện được mong ước ấy thì với bằng cử nhân cũng dễ dàng chọn cơ hội việc làm trong ngành du lịch.

Chàng tân sinh viên này nói hôm nhập học, thấy hoàn cảnh mình khó khăn nên một người trong làng giới thiệu cho một nhà hảo tâm ở Đà Nẵng để Hận đến xin ở nhờ. Đó là nơi che chở cho những ngày đầu tiên cuộc đời sinh viên của Hận. "Mình sẽ tìm việc làm thêm để tự học, tự theo đủ 4 năm đại học" - Hận nói.

Mẹ Hận bật khóc khi thấy con trai bảo rằng đã để dành được hơn 1 triệu tiền hỗ trợ học tập năm học 12 dành cho học sinh nghèo để phụ mẹ đóng tiền học phí.

"Mẹ khóc, mình cũng khóc. Bà bảo rằng đời mẹ đã buồn thì con phải ráng thay đổi, phải đi theo một con đường khác. Khổ cực bao nhiêu mẹ còn sức thì cũng ráng theo con" - Hận nói.

Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Tiếp sức 105 tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng

Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường 2023 cho tân sinh viên khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày 15-10 tại TP Hội An. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam, Thành Đoàn Đà Nẵng, Palm Garden Resort và câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. Tại điểm trao này, sẽ có 105 suất học bổng dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của hai địa phương.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,5 tỉ đồng do câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ.

Đây là điểm trao thứ ba trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 569 của báo Tuổi Trẻ.

Theo đó, mỗi suất học học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt, trong đó có 4 suất đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suốt 4 năm. Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là nhà tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 3 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Cách đây 18 năm, từ 42 tân sinh viên của Quảng Nam - Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiếp sức cho 2.315 tân sinh viên khó khăn với tổng kinh phí hơn 22 tỉ đồng.

Sau điểm trao Quảng Nam - Đà Nẵng, học bổng Tiếp sức đến trường 2023 tiếp tục đến với tân sinh viên khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phía Bắc.

Trong năm 2023, học bổng Tiếp sức đến trường tiếp sức hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng.

Hành trình đổi phận buồn của chàng trai tên Hận - Ảnh 7.

Tiếp sức đến trường khu vực Bắc Trung bộ: Vững tin bước qua nghịch cảnhTiếp sức đến trường khu vực Bắc Trung bộ: Vững tin bước qua nghịch cảnh

86 tân sinh viên Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa được nhận học bổng Tiếp sức đến trường vào sáng 5-10 với tổng giá trị hơn 1,3 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên