10/05/2023 10:20 GMT+7

Hành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 3: ADN chịu thua, dấu vân tay lật mặt kẻ ác

Sau 9h tối ngày 18-7-2008 tại Duluth thuộc hạt Gwinnett (bang Georgia, Mỹ), cô giáo tiểu học Genai Coleman (40 tuổi) ngồi trong xe hơi đọc sách chờ đón con gái.

Hung thủ Ronald Smith (phải) - anh em song sinh cùng trứng với ông Donald Smith - Ảnh: oxygen.com

Hung thủ Ronald Smith (phải) - anh em song sinh cùng trứng với ông Donald Smith - Ảnh: oxygen.com

Từ bên kia đường, một người đàn ông bước ra khỏi trạm xăng tiến đến chĩa súng yêu cầu bà ra khỏi chiếc xe Dodge Stratus màu vàng. Có tiếng súng nổ. Nạn nhân đã không qua khỏi.

Đến nay không có hai dấu vân tay nào được tìm thấy giống hệt nhau.

GS.TS SIMONA FRANCESE

Khi người anh em song sinh cùng trứng gây án

Một nhân chứng đã nhanh chóng gọi số khẩn cấp 911. Người tài xế xe buýt khai nghe tiếng súng nổ rồi nhìn thấy một người đàn ông da đen "mặc áo sơ mi trắng khoác chiếc áo sơ mi màu xanh bên ngoài" kéo nạn nhân ra khỏi xe rồi lái xe bỏ chạy. Đêm hôm đó, xe hơi nạn nhân được tìm thấy tại Forest Park cách hiện trường 65km. Hung thủ đã để lại dấu vân tay trên khung cửa xe và một mẩu thuốc lá dưới sàn xe.

Hình ảnh camera tại hiện trường cho thấy khoảng một hoặc hai tiếng trước án mạng, một người đàn ông mặc áo sơ mi màu trắng - xanh đang nghe điện thoại di động đến mua một bao thuốc lá Bronson Light Longs từ trạm xăng. Đầu lọc thuốc lá này khớp với mẩu thuốc lá bỏ lại trên sàn xe nạn nhân. Camera một nhà hàng ở Forest Park cho thấy cũng chính người đàn ông đó đi bộ qua bãi đậu xe cách xe nạn nhân bị bỏ lại gần 5m.

Kết quả phân tích ADN trên mẩu thuốc lá khớp với ADN một nam giới tên Donald Eugene Smith có tiền án ma túy. Ngoài ra, điện thoại của Donald đã phát tín hiệu từ các trạm phát gần hiện trường và nơi xe nạn nhân bị bỏ lại. Donald Smith bị bắt giữ tại nhà dành cho người vô gia cư.

Các điều tra viên đinh ninh bắt đúng người, thế nhưng ông Donald khăng khăng chưa từng nhìn thấy cô giáo Coleman, chưa từng thấy xe nạn nhân và không biết vì sao ADN của ông lại có trên xe nạn nhân. Khi xem hình ảnh do camera trạm xăng ghi lại, ông khẳng định: "Đó chắc chắn không phải là tôi". 

Sau nhiều lần chần chừ, ông mới chịu khai người đàn ông trên camera chính là anh em song sinh cùng trứng Ronald Smith và số điện thoại mà cảnh sát theo dõi của Ronald. Cha mẹ của Donald và con gái họ xác nhận người trên camera chính là Ronald.

Ronald Smith bị bắt. Kết quả đối chiếu cho thấy dấu vân tay trên xe nạn nhân là của Ronald. Ông Donald được trả tự do. Báo Gwinnett Daily Post đưa tin trong phiên tòa xét xử vào tháng 10-2012, Ronald nhận tội và bị kết án tù chung thân cộng 25 năm tù giam. Báo bình luận trong vụ án này, dù có nhiều loại chứng cứ như lời khai nhân chứng, hình ảnh camera, hồ sơ điện thoại di động, ADN và dấu vân tay nhưng nếu không có dấu vân tay thì chưa chắc đã bắt được hung thủ.

GS.TS tội phạm học, luật và xã hội Simon A. Cole (Mỹ) - tác giả cuốn sách Nhân dạng nghi phạm: Lịch sử dấu vân tay và nhận dạng tội phạm - nhận xét các phương pháp nhận dạng như ảnh chụp, các phép đo nhân trắc học hay họ tên đều có thể sai sót và chỉ có dấu vân tay là phương pháp nhận dạng giá trị nhất. Bằng chứng là vụ án "Will West giống William West".

Ngày 1-5-1903, nhà tù Leavenworth ở bang Kansas tiếp nhận Will West người gốc Phi bị kết án về tội vô ý làm chết người. Nhà tù áp dụng phương pháp nhận dạng Bertillon để đối chiếu thì thấy hồ sơ của Will West khớp với phạm nhân William West đang thụ án tù chung thân từ ngày 9-9-1901 về tội giết người. West xem ảnh xong cười toe toét nói: "Đây đúng là ảnh của tôi nhưng tôi chưa từng đến đây lần nào".

Phạm nhân William West được triệu tập. Khuôn mặt người này giống Will West như đúc. Đến khi nhà tù so sánh dấu vân tay thì mới nhận ra hai dấu vân tay khác nhau. Theo hồ sơ nhà tù, phạm nhân George Bean báo cáo có quen biết Will West và William West vì cùng quê và hai người là anh em sinh đôi. Quan hệ chính xác thế nào đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Khuôn mặt của Will West (trên) giống William West như đúc nhưng dấu vân tay khác nhau - Ảnh: rarehistoricalphotos.com

Khuôn mặt của Will West (trên) giống William West như đúc nhưng dấu vân tay khác nhau - Ảnh: rarehistoricalphotos.com

Cặp song sinh cùng trứng không trùng dấu vân tay

Các nghiên cứu cho thấy xác suất để hai người có dấu vân tay trùng nhau là 1/64 tỉ người. Đối với các cặp song sinh cùng trứng, họ chào đời từ một phôi thai duy nhất chia đôi trong giai đoạn đầu phát triển nên có thể có số đo nhân trắc học và ADN giống nhau (chưa tới mức giống 100%) nhưng dấu vân tay không hề giống nhau. GS.TS Simona Francese tại Đại học Sheffield Hallam (Anh) - chuyên gia về khoa học pháp y và dấu vân tay - nhận xét: "Dấu vân tay của họ khác nhau đủ để có thể nhận dạng".

Tại Nigeria, hai chị em song sinh cùng trứng Hajia Ameena Hassana Sani và Hajia Hadiza Hussaina Sani có dấu vân tay không giống nhau 100% dù giữa hai chị em có mối liên kết vô hình rất kỳ lạ. Năm 1984, cả hai đến Bệnh viện Đa khoa Ilorin (thủ phủ bang Kwara) khám răng. Vợ chồng bà bác sĩ người Ấn đã nhổ hai răng đau của họ và vô cùng kinh ngạc khi thấy hai răng đau có hình dáng giống hệt nhau, ở cùng vị trí trên hàm, đường kính và độ sâu lỗ sâu răng y chang.

Đôi lúc họ ho hoặc hắt hơi cùng lúc. Khi một người mắc bệnh, gia đình rất lo cho người kia. Một lần nọ một người đau răng. Bà ngoại khuyên nên đưa cả hai đến nha sĩ nhưng bà mẹ nhất quyết chỉ đưa đứa đau răng đi. Hôm sau đến lượt đứa không đau bị đau răng. Có lúc bệnh được chữa khỏi ở người này thì lại xuất hiện nơi người kia.

Bà Hadiza kể: "Chúng tôi đã từng được tách ra đến sống với bà con. Cả hai cùng bị nóng và nằm liệt giường. Nhưng khi họ đưa chúng tôi trở về sống với nhau, chỉ sau 10 phút thân nhiệt trở lại bình thường". Kịch bản này tái diễn khi họ đăng ký nghĩa vụ quân sự bắt buộc một năm. Họ ở hai nơi và cả hai cùng mắc bệnh phải nhập viện. Một người cậu biết chuyện đã chạy chọt để họ được đoàn tụ.

Trong cuộc sống, hai chị em phải nghĩ cách để mọi người khỏi nhầm lẫn. Sau khi vào Đại học Ilorin theo đuổi nghệ thuật biểu diễn, cả hai về cơ quan truyền hình Nigeria làm một năm, sau đó cùng xin vào Đài Tiếng nói Nigeria. Sau một năm rưỡi, do tình trạng nhầm lẫn liên tục xảy ra nên Ameena chuyển sang làm ngân hàng. Song nhầm lẫn lại xuất hiện khi họ cùng theo học thạc sĩ tại Đại học Ilorin. Sau đó, Ameena vào làm việc cho Thông tấn xã Nigeria còn Hadiza vẫn ở Đài Tiếng nói Nigeria.

Trường hợp rất đặc biệt của hai chị em này đã được đăng tải trên nhiều báo ở Nigeria.

Cặp song sinh cùng trứng Ameena Hassana và Hadiza Hussaina ở Nigeria - Ảnh: Daily Trust

Cặp song sinh cùng trứng Ameena Hassana và Hadiza Hussaina ở Nigeria - Ảnh: Daily Trust

Ameena và Hadiza cuối cùng đã chia tay với chồng để sống bên nhau bởi họ sớm nhận ra hai ông chồng cùng có tính thích điều khiển vợ. Hai ông chồng lần lượt qua đời không lâu sau khi cặp song sinh rời bỏ họ. Ameena có ba con trong khi Hadiza được hai con. Họ có sáu người cháu, trong đó có một cặp song sinh.

Hai chị em có kiểu gene khác nhau nhưng cả hai đều cùng nhóm máu. Hadiza cho biết: "Một số ngón tay của chúng tôi có đường vân giống nhau và các ngón khác thì đường vân lại khác. Chúng tôi phát hiện chuyện này vào năm 2011 khi lấy dấu vân tay đăng ký cử tri".

********************

Không phải người nào cũng có dấu vân tay. Có những người từ lúc chào đời đã không có dấu vân tay. Đối với một số bệnh nhân dùng thuốc điều trị ung thư, dấu vân tay tự dưng lặn mất.

>> Kỳ tới: Những người không có dấu vân tay

Hành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 1: Người mẹ trẻ sát hại hai con vì tìnhHành trình dấu vân tay lật mặt tội ác - Kỳ 1: Người mẹ trẻ sát hại hai con vì tình

Năm 1823, TS Jan Evangelista Purkinje là người đầu tiên lập hệ thống phân loại dấu vân tay mở đầu cho ngành sinh trắc dấu vân tay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên