25/03/2018 09:47 GMT+7

Hà Nội: tốc độ khắc phục vi phạm PCCC 'chóng mặt'

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Theo thống kê, hiện toàn Hà Nội có 1.075 công trình cao tầng, trong số đó riêng chung cư cao tầng có gần 800 công trình. Và theo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho đến ngày 5-2-2018, chỉ còn 17 công trình vi phạm về PCCC trên địa bàn.

Hà Nội: tốc độ khắc phục vi phạm PCCC chóng mặt - Ảnh 1.

Một chung cư trong 17 công trình vi phạm về PCCC tại Hà Nội đến nay chưa được khắc phục - Ảnh: L.HOÀI

Tại Hà Nội, mới đây một vụ cháy khá hi hữu xảy ra ở khu chung cư cao cấp Tràng An Complex (P.Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy) do Công ty TNHH Toàn Cầu Tràng An làm chủ đầu tư và GP Invest là đơn vị quản lý tòa nhà.

Khi xảy ra cháy, hệ thống chuông báo cháy không hề hoạt động. Các hệ thống cảnh báo cháy khác như còi báo động, loa phát thanh hay lực lượng tuần tra thông báo đều bị "tê liệt".

Khi đám cháy bùng phát dữ dội tại cửa căn hộ số 904, tầng 9 tòa nhà CT2B vào khoảng 20h30 ngày 20-3, không hề có lực lượng tại chỗ của đơn vị quản lý tòa nhà.

Cư dân hoảng hốt khi thấy khói dày đặc lan trong khu vực nói trên. Nhiều người tá hỏa tìm cách rời khỏi căn hộ của mình khi biết thông tin cháy tại tòa nhà… qua thông báo trên diễn đàn Facebook của tòa nhà.

Theo thống kê, hiện nay toàn Hà Nội có 1.075 công trình cao tầng, trong số đó riêng chung cư cao tầng có gần 800 công trình.

Từ giữa năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, rà soát, qua đó phát hiện hàng chục công trình nhà cao tầng vi phạm.

Theo kết quả rà soát của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, tính đến ngày 31-5-2017, toàn thành phố còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Trong số này có 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, 1 công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC.

5 tháng sau đó, ngày 16-10-2017, theo thông báo trên website của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, vẫn còn 58 công trình (cộng với 4 công trình mới phát sinh) vi phạm về PCCC.

Vậy nhưng chỉ 3 tháng sau, ngày 10-1-2018, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tiếp tục thông báo trên địa bàn toàn thành phố chỉ còn 42 công trình chung cư cao tầng chưa thực hiện xong khắc phục vi phạm về PCCC.

Chưa dừng lại ở đó, tốc độ "chóng mặt" hơn, chỉ sau 25 ngày, tức ngày 5-2-2018, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tiếp tục thông tin trong 42 công trình vi phạm chưa được khắc phục trên, đã có 25 công trình khắc phục xong.

Hiện chỉ còn 17 công trình vi phạm về PCCC trên địa bàn.

Chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ

KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu vấn đề rằng nếu chung cư có mua bảo hiểm cháy nổ sẽ có lợi hai mặt. Đó là khi xảy ra sự việc liên quan bảo hiểm cháy nổ thì đơn vị bảo hiểm sẽ bồi thường.

Tuy nhiên, trước khi bán bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải kiểm tra toàn bộ hệ thống PCCC của chung cư, có an toàn thì họ mới bán bảo hiểm. Nếu hệ thống an toàn mức độ thấp thì mức phí đóng bảo hiểm cao, nếu hệ thống an toàn mức độ cao thì mức phí đóng bảo hiểm giảm.

Hằng năm, khi gia hạn hợp đồng bảo hiểm, hệ thống PCCC cũng sẽ được tái kiểm tra. Đây cũng là một động lực để các chung cư trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy tốt, bảo đảm an toàn cho cư dân.

Ông Sơn cho rằng TP.HCM nên vận dụng quy chế đặc thù để ban hành quy định riêng về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, quy định rõ các nội dung về thiết kế phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong ban quản lý chung cư phải có người có bằng cấp chuyên môn về phòng cháy chữa cháy, người này sẽ làm việc với cơ quan kiểm tra về cháy nổ, làm việc với bên bán bảo hiểm cháy nổ.

Trong quy định này, buộc tất cả các cư dân chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ cá nhân hoặc theo tòa nhà.

"Luật phải quy định buộc chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ. Chính đơn vị bán bảo hiểm sẽ có những bộ phận chuyên nghiệp kiểm định chất lượng hệ thống phòng cháy chữa cháy chung cư, khi đảm bảo tiêu chuẩn mới bán bảo hiểm.

Nếu chủ đầu tư cố tình đầu tư hệ thống thiết bị không đúng quy chuẩn, đơn vị bán bảo hiểm sẽ không bán bảo hiểm và không được cho người dân vào ở.

Chung cư đã mua bảo hiểm nhưng để xảy ra cháy nổ, cơ quan chức năng điều tra phát hiện chủ đầu tư hoặc đơn vị bảo hiểm sai phạm cũng xử phạt nặng" - ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nói.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên