12/10/2017 17:24 GMT+7

Hà Nội: Đê lở, nước 'hồi hương' ngập trắng

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Người dân xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) nói từ trận lũ dữ năm 2008 đến nay gần chục năm, nước lũ lại "hồi hương" về nơi đây, khiến dân cư phải khổ sở chạy lũ trong đêm.

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 1.

Một đoạn đê sông Bùi 2 nối xã Tân Tiến và xã Hoàng Văn Thụ bị nước lũ phá vỡ. Đáng chú ý là tuyến đê này vừa mới khánh thành được vài tháng nay - Ảnh: HÀ THANH

Đê Bùi 2 gặp sự cố, nhấn chìm nhiều hoa màu và nhà dân ở Chương Mỹ Đê Bùi 2 gặp sự cố, nhấn chìm nhiều hoa màu và nhà dân ở Chương Mỹ

TTO - Khoảng 6h sáng 12-10, đê Bùi 2 dài gần 10km (thuộc địa phận 2 xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bất ngờ gặp sự cố khiến hàng trăm nghìn m3 nước tràn qua, nhấn chìm nhiều hoa màu và nhà dân.

Chiều 12-10, từ đầu địa phận xã Tân Tiến đến xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một khung cảnh nước ngập mênh mông. Người dân hai xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ đang rất vất vả, khẩn trương di dời tài sản chưa bị ngập nước. Lợn gà, hoa màu bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Từ đêm qua, bà Ngô Thị Lan (85 tuổi, xóm Vạn Tiên, xã Tân Tiến) khổ sở chạy lũ. Bà Lan ở một mình, bà không thể ngờ nước lũ lại tràn về bất ngờ đến vậy. "Tôi đưa mấy bao thóc, hai con lợn lên cao. Tối qua nước dâng cao đến tận giường, tôi vất vả kê giường lên để ngủ, khổ quá", bà Lan nói.

Nhìn ngôi nhà bị ngập nước mênh mông, ông Trịnh Văn Huy (62 tuổi) ngậm ngùi: "Ngót chục năm nay lũ mới ‘hồi hương’ về nơi đây. Từ tối giờ nước ngập trắng làng, người dân kéo nhau chạy lũ. Mấy trăm con gà ở nhà tôi chỉ cứu được vài chục con, còn lại mất hết".

Vợ chồng chị Lê Thị Hiền (35 tuổi) đang vất vả chèo thuyền từ ngôi nhà bị ngập đến lán trại dựng tạm bên đường. Chị Hiền mang theo sách vở của con trai và một ít gạo để cả nhà ăn tạm.

"Từ đêm qua chạy lũ còn chưa ăn uống gì. Nước về, kêu gọi anh em đến di dời khẩn cấp nhưng không kịp rồi. Giờ chỉ ở tạm lán này, cất sách vở cho thằng con còn đi học", chị Hiền tâm sự.

Đi dọc con đường liên thôn xã Tân Tiến có thể bắt gặp hình ảnh nhiều đàn lợn đang hấp hối trên bờ đê sau đêm chạy lũ.

Nước ngập do vỡ đê khiến cuộc sống người dân lao đao ở Chương Mỹ, Hà Nội - Clip: DƯƠNG LIỄU

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nước về là do một đoạn đê Bùi 2 (thuộc xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến) bị vỡ khoảng 15m. Ông Lê Hoài Thi, phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, xác nhận tuyến đê Bùi 2 dài khoảng 3km nối liền xã Hoàng Văn Thụ lên xã Tân Tiến mới khánh thành được vài tháng nay.

Trước mắt, chính quyền TP cùng UBND xã cho dùng máy xúc để xử lý chỗ vỡ, đảm bảo an toàn cho người dân, khắc phục hộ dân ở dưới thấp, nắm toàn bộ hộ dân bị cô lập, hỗ trợ theo điều kiện của địa phương. Hiện các lực lượng đang mang đá tảng về gia cố lại đê.

"Tuy nhiên không còn biện pháp gì để đưa nước ra ngoài, phải chờ khi sông cạn, nước ở trong đồng mới cạn được", ông Thi nói.

Lo sợ trước tình trạng dịch bệnh vì lợn gà chết nhiều, chính quyền xã đã phát thuốc khử trùng cho bà con, đồng thời yêu cầu bà con di chuyển lợn gà từ hộ thấp lên hộ cao, chỉ đạo cán bộ thú y nắm tình hình để phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Thống kê sơ bộ ban đầu, mưa lớn đã làm ngập khoảng 92ha lúa chưa kịp thu hoạch, khoảng 840ha cây vụ đông hư hỏng; 63,8ha diện tích cây ăn quả; 125ha thủy sản bị ngập. Tính đến sáng 12-10, mưa lũ đã làm chết 178 gia súc, 9.700 gia cầm.

Chính quyền đã phối hợp với các đơn vị di dời 618 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, dân từ vùng thấp đến nơi vùng cao. Đặc biệt những gia đình neo đơn, trẻ em dưới 15 tuổi phải nhanh chóng di dời.

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 4.

Nhà cửa, chuồng trại bị ngập trắng xóa, người dân đã phải bỏ của chạy lấy người từ đêm 11-10 - Ảnh: HÀ THANH

Nước tràn qua đê theo… kế hoạch

Trong khi ông Lê Hoài Thi thông tin đê này vừa mới khánh thành vài tháng thì ông Đinh Mạnh Hùng - chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - thông tin qua điện thoại cho Tuổi Trẻ rằng đây là tuyến đê bao, không phải mới khánh thành.

Theo vị này, bên hữu đê thiết kế độ cao 6,5m, bên tả có độ cao là 7m. Cụ thể, do lượng mưa xảy ra trên địa bàn là khoảng 350mm, cộng với nước từ hồ thủy điện Hòa Bình tràn về khiến nước dâng lên cao, tràn qua độ cao 6,5m của đê này.

Đê Bùi 2 được thiết kế theo kế hoạch là cho tràn, chủ động cho tràn thì bảo vệ được toàn bộ dân cư thủ đô. Còn khu vực cho phép tràn thì vài trăm ha, bảo vệ an toàn đê. Tuy nhiên, do nước tràn về lớn, chảy xối xả, xoáy vào chân đê khiến lở dần.

Chính quyền huyện cho biết, phải đợi nước rút mới xử lý đê lại, giờ gia cố tạm thời thì không giải quyết được gì, vì tràn theo kế hoạch. Phóng viên hỏi về tên đơn vị thi công tuyến đê này, ông Hùng từ chối trả lời và nói phải lục lại hồ sơ mới biết được.

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 6.

Bà Ngô Thị Lan (85 tuổi, xã Tân Tiến) vất vả chống chọi với cơn lũ từ đêm 11-10 - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 7.

Đi khắp xã Tân Tiến, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) không khó để bắt gặp tình cảnh nước ngập mênh mông như thế này - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 8.

Nhà cửa, chuồng trại bị ngập trắng xóa, người dân đã phải bỏ của chạy lấy người từ đêm 11-10 - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 9.

Vợ chồng chị Lê Thị Hiền không chạy kịp, lợn gà, ao cá không còn gì. Vợ chồng phải chèo thuyền về lại nhà để lấy ít gạo, sách vở cho con trai - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 10.

Nước lũ ngập mênh mông như trận lũ dữ năm 2008. Người dân than thở, lũ "hồi hương" về đây - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 11.

Số gia súc, gia cầm chạy lũ kịp, người dân dựng tạm lán bên đường cho chúng trú ngụ - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 12.

Tuy nhiên những chú lợn này không gặp may mắn, chúng hấp hối sau đêm chạy bão mệt nhọc - Ảnh: HÀ THANH

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 13.

Người dân cho biết ở địa bàn này có một hố tập trung rác thải, nay bị ngập ngụa trong nước lũ - Ảnh: HÀ THANH

Rác thải ngập ngụa trong dòng nước lũ

Có mặt tại thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), PV ghi nhận một lượng lớn rác thải nổi lềnh bềnh, trôi vào cả nhà dân.

Theo người dân, khu vực này trước kia là bãi rác. Nước lũ tràn về, lượng rác này chưa được xử lý đang gây ô nhiễm trên địa bàn.

Người dân lo sợ, với tình trạng này rất dễ xảy ra dịch bệnh sau lũ. Tuy nhiên, họ vẫn bất chấp lội qua dòng nước bẩn này để vào nhà để di dời các đồ đạc trong nhà lên cao. Nhiều người sau khi lội nước bị ngứa chân, nước ăn chân.

Ông Nguyễn Văn Đô (57 tuổi, xã Nam Phương Tiến) cho biết, từ năm 2008 cũng bị lũ một lần rồi, sau trận lũ đó dịch bệnh cũng nhiều. Trận lũ năm nay, rác thải lại trôi về, gia cầm gia súc cũng chết nhiều. Chỉ mong sau lũ, chính quyền có biện pháp để hỗ trợ người dân tránh dịch bệnh.

Còn ông Phùng Văn Ba chia sẻ: "Khi nhận được thông báo phải di dời, chúng tôi đã chuyển hết gia cầm, gia súc đến nhà người thân. Nhà tôi bị ngập một tầng, phải ở tầng hai. Trước đó bơm đủ nước để dùng, nhưng như bây giờ thì không còn bơm tiếp được nữa vì rác về, nước ô nhiễm".

Hà Nội: Đê lở, nước hồi hương ngập trắng - Ảnh 14.

Dù biết nước bẩn, nhưng người dân phải lội qua để vào được nhà - Ảnh: HÀ THANH

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên