Học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, TP.HCM) trong một buổi nghe nói chuyện về giáo dục giới tính - Ảnh: NHƯ HÙNG
Báo Tuổi Trẻ vừa nhận được một lá thư của em T.P.P., học sinh lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP.HCM, gửi đến hỏi về… chuyện giáo dục giới tính.
Đụng vào đồ con gái, con trai sẽ có thai?
Thư của em T.P.P. kể: "Bạn con tranh cãi với con rằng, nếu con trai đụng vào đồ của con gái thì con trai sẽ có thai. Con không đồng tình với ý kiến của bạn ấy.
Theo như những gì con học được từ Internet thì phụ nữ mới có khả năng tạo ra con người. Còn đàn ông tiếp chất để tạo ra con người qua đường tình dục.
Cho nên việc con trai chạm vào đồ của con gái là vô hại. Tuy nhiên, đây là quan điểm của con, không biết đúng hay sai. Cho nên hôm nay con nhờ báo Tuổi Trẻ giải đáp thắc mắc...".
Lá thư của em P. - Ảnh: T.T.
Trong khi đó một bé học lớp lá (5 tuổi) ở quận Bình Thạnh, TP.HCM liên tục thắc mắc về việc "con được sinh ra đời như thế nào".
"Khi tôi dạy bé không được cho người khác đụng vào vùng kín, kể cả bạn bè thì bé hỏi lại ngay, tại sao lại không cho bạn bè đụng vào, bạn thân của mình thì mình phải chia sẻ chứ... khiến tôi rất lúng túng", chị Hà Mai Anh, mẹ bé, kể.
"Giáo dục giới tính sớm làm hư con"!
Chúng tôi đã thử làm một cuộc thăm dò bỏ túi với sự tham gia của 30 phụ huynh ở huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và ở quận 1, quận Bình Thạnh với câu hỏi: "Theo anh/chị, có nên giáo dục giới tính cho trẻ từ khi bé học mầm non hay không? Vì sao?" thì có 19/30 phụ huynh trả lời là không nên vì "Các con tuổi mầm non còn nhỏ quá, biết gì đâu mà giáo dục giới tính!" và "Nói đến chuyện này sớm có khi còn làm hư trẻ".
Chỉ có 11 phụ huynh cho rằng cần thiết nhưng 8 phụ huynh trong số này thổ lộ rằng: "Không biết phải dạy con như thế nào cho đúng với lứa tuổi các con", "Giá mà nhà trường có dạy thì tốt quá"...
Như vậy, việc hiểu đầy đủ về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của công tác giáo dục giới tính cho trẻ vẫn là điều đáng suy ngẫm đối với phụ huynh ngày nay - nhất là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hường, đồng sáng lập dự án "Lớn lên an toàn", cho rằng: "Nhiều vị phụ huynh cũng như một số thầy cô giáo rất ngại khi nhắc đến các vùng riêng tư trên cơ thể con người. Nguyên nhân là vì các vấn đề về giới tính, tình dục luôn được coi là nhạy cảm, không nên bàn bạc, đặc biệt trong văn hóa Á Đông".
Trong khi đó, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: "Việc giáo dục giới tính phải được bắt đầu ngay từ khi trẻ hiểu được rằng mình là một thực thể riêng, độc lập - khi trẻ khoảng 2-3 tuổi.
Đây được xem như giai đoạn vàng của việc giáo dục giới tính. Các bậc cha mẹ cần chơi trò chơi với con để trẻ nhận biết, hiểu được cách giữ gìn và yêu quý các bộ phận trên cơ thể mình.
Khi bé lên bậc tiểu học, cấp độ giáo dục tăng lên theo hướng giáo dục cho trẻ biết về tuổi dậy thì; em bé được hình thành ra sao, cách chấp nhận và yêu thương cơ thể mình; cơ thể của con là của riêng con, không ai được đụng chạm vào nếu con không muốn...
Những nội dung trên cần được lặp lại thường xuyên theo từng cấp độ khác nhau và xuyên suốt từ khi trẻ 2-3 tuổi đến khi trưởng thành".
Đến lớp 5 học sinh mới được học giới tính
Ông Lê Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, cho biết: "Chương trình chính khóa có giáo dục về giới tính cho học sinh tiểu học nhưng đến lớp 5 các em mới được học. Học sinh lớp 5 sẽ học trong 4 tuần, 2 tiết/tuần về sự sinh sản, cơ thể của chúng ta hình thành như thế nào, từ tuổi vị thành niên đến già, vệ sinh tuổi dậy thì...".
Học sinh mầm non đã thắc mắc về những vấn đề có liên quan đến giới tính mà đến lớp 5 các em mới chính thức được học thì có trễ quá không? Cô Trần Thị Kim Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, thừa nhận: "Đúng là hơi trễ. Vì bây giờ trẻ dậy thì khá sớm, ở trường tôi có em mới học lớp 2 đã dậy thì rồi.
Thỉnh thoảng ban giám hiệu nhà trường cũng nhận được những lá thư của học sinh trong hộp thư "Điều em muốn nói" như "Bạn A đang yêu bạn B đó cô, coi chừng có bầu...".
Ở Trường Nguyễn Thiện Thuật, mỗi năm nhà trường sẽ tổ chức một buổi chuyên đề về cách phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh. Tuy nhiên, với lá thư của em P., nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp lồng kiến thức về giáo dục giới tính cho học sinh trong những tiết chủ nhiệm để giải đáp thắc mắc của các em".
Phụ huynh phải chủ động
Theo các chuyên gia về giáo dục giới tính, trong khi chương trình giảng dạy chính khóa chưa giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ nhỏ, chương trình ngoại khóa thì hiệu quả chưa thể đong đếm được, thì các phụ huynh phải tự trang bị kiến thức cho con em mình chứ đừng ngần ngại, lảng tránh khi trẻ tò mò, thắc mắc. Chính sự ngại ngùng đó rất có thể sẽ tạo nên những vùng hổng kiến thức tiềm ẩn đầy nguy cơ đối với trẻ. Bởi khi người lớn không nói thì trẻ sẽ tự tìm hiểu thông tin, có khi những thông tin lại không chính xác, gây ra những hiểu lầm và hậu quả đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận