05/09/2017 14:26 GMT+7

Giao thông TP.HCM, nhìn từ nước Đức

VÕ XUÂN TIẾN (NCS TS  Đại học Kỹ thuật Chemnitz, CHLB Đức)
VÕ XUÂN TIẾN (NCS TS Đại học Kỹ thuật Chemnitz, CHLB Đức)

TTO - Tham gia diễn đàn phát triển giao thông cộng cộng và kiểm soát xe cá nhân, bạn đọc Võ Xuân Tiến (NCS TS Đại học Kỹ thuật Chemnitz, CHLB Đức) đã có bài phân tích gởi đến mục Bạn đọc làm báo.

Giao thông TP.HCM, nhìn từ nước Đức - Ảnh 1.

Kẹt xe kinh hoàng ở khu vực giao lộ, dân TP.HCM dường như chịu đựng hàng ngày - Ảnh: HỮU KHOA

Nhằm góp thêm góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài phân tích này.

* Kỳ 1: Đi xe máy bởi không có sự lựa chọn khác


Hiện tại, tôi được may mắn có dịp được học tập và nghiên cứu tại CHLB Đức nên tôi viết bài này mong muốn chia sẻ với quý đọc giả những trải nghiệm ở nước Đức như mong muốn góp phần đa dạng góc nhìn về phát triển giao thông trên thế giới.

Xe máy: một nửa sự thật về nạn kẹt xe ở TP.HCM

Bản thân tôi được sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nên tôi thấu hiểu hơn bao giờ hết tình trạng giao thông ở thành phố này.


Nếu năm 2017, một chuyên gia về giao thông phát biểu rằng "Xe máy là thủ phạm" gây ùn tắc giao thông thì chắc chắn một điều rằng: 15-20 năm vị chuyên gia đó hoặc một ai khác cũng sẽ có thể phát biểu rằng "Xe hơi là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông".

Vì sao Bangkok cứ mãi kẹt xe? Vì sao Bangkok cứ mãi kẹt xe?

TTO - Những ngày ở Bangkok (Thái Lan), điện thoại tôi liên tục nhận được tin nhắn cảnh báo kẹt xe. Một người bạn Thái nói vui với tôi rằng mỗi ngày Bangkok chỉ kẹt xe đúng một lần thôi và mỗi lần kéo dài cả ngày(!?).


Bởi vì, nếu chúng ta nhìn sang các nước xung quanh ta như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan chằng hạn, trong giờ cao điểm chúng ta sẽ thấy hàng đoàn xe hơi nối dài rồng rắn.

Ở đâu cũng thế, ngay cả ở Đức, nơi hạ tầng giao thông phát triển rất tốt thì hiện tượng ùn tắc giao thông kéo dài 5-10 cây số đến thậm chí 20 cây số là chuyện "thường ngày ở huyện" bởi vì tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2017 ở Đức có đến 46 triệu xe được đăng ký và lưu thông trên đường (so với dân số 80 triệu người thì tính ra trung bình cứ 2 người thì sở hữu 1 chiếc xe).

Do vậy, trong báo cáo môi trường năm 2017, đến 91% số người được hỏi cho rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn nếu không sử dụng xe hơi và cũng con số 91% này cho rằng họ không muốn sử dụng xe hơi để di chuyển hàng ngày nữa.

Ngoài ra, 79% số người được hỏi mong muốn chính quyền phát triển các phương tiên giao thông khác nhằm thay thế cho xe hơi.

Hiện tại, có đến 70% người Đức sử dụng xe hơi làm phương tiện di chuyển hàng ngày nhưng 3/4 trong số đó cho rằng họ sẽ sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng hoặc 2/3 trong số đó lựa chọn sẽ sử dụng xe đạp kết hợp với phương tiện công cộng để di chuyển.

Mặt khác, chuyên gia giao thông của tổ chức Hòa Bình Xanh Tobias Austrup cũng cho rằng: "tương lai của phương tiện giao thông không phải là xe điện hay ôtô tự lái mà là càng ngày sẽ càng ít ôtô hơn".

Bởi vì người dân đô thị đã quá ngán ngẩm với khói bụi, tiếng ồn từ xe hơi rồi. Nếu có một cuộc thăm dò ý kiến của người dân tại TP.HCM về chuyện giao thông thì tôi tin chắc rằng mọi người cũng đều ngán ngẩm với kẹt xe lắm rồi nhưng có sự lựa chọn nào khác cho họ đâu.

Chuyện ùn tắc giao thông thật ra chỉ căng thẳng ở 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác, vấn nạn kẹt xe hầu như không nghiêm trọng hoặc thậm chí không có.

Kẹt xe ở TP.HCM: nguyên nhân do đâu?

Hiển nhiên là do số lượng người tập trung đông về 2 nơi này để làm việc và tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho họ.

Đó là một nhu cầu vô cùng chính đáng và đây cũng chính là nguyên nhân gây ra kẹt xe, chứ không phải cái xe máy bởi vì xe máy hay ôtô chỉ nên được xem như là một phương tiện di chuyển mà thôi.

Một sự thật không thể chối bỏ được đó là sự chênh lệnh về mặt thu nhập cũng như sự phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng cho các nhu cầu như học hành, vui chơi giải trí, cơ hội việc làm…giữa các địa phương còn lại so với 2 trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP.HCM là quá lớn.

Tôi đã từng khuyên một người bạn trở về quê hương để lập nghiệp. Ban đầu, bạn tôi vui mừng vì quyết định đó vì bạn tôi không phải ở trọ chật chội, tìm được việc làm đủ sống và thậm chí là lập gia đình nữa.

Nhưng sau đó 3-4 năm, bạn tôi lại cùng gia đình nhỏ khăn gói trở lại thành phố để tìm kiếm một công việc có thu nhập tốt hơn so với ở quê hương bạn cũng như để con cái của bạn có điều kiện được học hành tốt hơn. Minh họa này đã nói lên tất cả.

Như vậy, việc nhiều người tập trung vào thành phố để tìm kiếm việc làm với thu nhập tốt là một thực tế phải chấp nhận. Việc phát triển hạ tầng giao thông trong nội đô như mở rộng đường, xây đường trên cao chỉ là giải pháp tạm thời và thậm chí còn kéo theo những hệ quả sau:

- Tập trung dân quá đông trong nội thành qua đó làm tăng mật độ dân cư, cũng như gây áp lực lớn lên việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ cho cộng đồng dân cư đó như trường học, bệnh viện

- Giá nhà đất tăng quá cao

- Tình trạng ô nhiễm môi trường do giao thông gây ra

* Kỳ 2: Mass Transit: giải pháp thích hợp cho giao thông TP.HCM

Mời góp ý phát triển giao thông công cộng

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phát triển vận tải hành khách công cộng là vấn đề quan trọng nhằm tiến tới việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân, góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe.

Làm sao để thu hút người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn bằng những câu chuyện cụ thể, những giải pháp khả thi... Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: tto@tuoitre.com.vn, nguyentran@tuoitre.com.vn.

VÕ XUÂN TIẾN (NCS TS Đại học Kỹ thuật Chemnitz, CHLB Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên