"Hiện nay có những gói vay cho người trẻ mua nhà mà thời gian trả lãi, gốc lên đến 30 năm. Hoàn toàn có thể lựa chọn phù hợp với thu nhập của mình. Quan trọng là các bạn phải tương tác", ông Linh nói.
"Hồi trẻ tôi cũng vay tiền mua nhà"
Chia sẻ câu chuyện người trẻ tiếp cận vốn vay để mua nhà, ông Linh kể cách đây 15 năm, ông thấy căn nhà có giá tốt nên quyết định mua. Lúc đó trong tay ông chỉ có 30 triệu đồng và phải đi vay ngân hàng 400 triệu đồng còn lại. Căn nhà ấy, ông Linh ở đến giờ.
"Tôi cũng từ một nhân viên, cũng vay tiền mua nhà chứ lấy đâu ra. Nên giờ tôi đọc và rất thích câu chuyện người trẻ mua nhà, thấy giống mình ngày xưa. Đó là nhu cầu thật và các bạn phải tính toán càng sớm càng tốt. Giá bất động sản luôn tăng trưởng, mua muộn thì thêm áp lực", ông Linh nói.
Ông Linh bảo rằng nhiều bạn trẻ nghe người nọ, người kia mất nhà vì vay ngân hàng. Nhưng thực tế, nhiều năm làm ngành ngân hàng, ông Linh nói những người bị vướng nợ nần đến mức mất khả năng trả gốc, lãi buộc ngân hàng thanh lý tài sản rơi vào trường hợp làm ăn lớn, kinh doanh đa lĩnh vực.
Lời khuyên ông Linh dành cho người trẻ mua nhà sinh sống cần phải "đúng thời điểm, đúng vị trí, đúng giá và đúng khả năng của mình". Khi tính toán thu nhập, số tiền tích lũy và nhu cầu vay để mua nhà hãy liên hệ với nhân viên ngân hàng sớm, để được tư vấn phù hợp.
Hiện nay các ngân hàng đều có gói sản phẩm cho vay mua nhà để ở, mua đất. Thời hạn vay mua bất động sản cho người trẻ lên đến 30 năm.
"Nếu các bạn xác định thu nhập và thật sự có nhu cầu về nhà ở, có thể tính số tiền cần vay, chia cho 30 năm sẽ xác định số gốc phải trả mỗi năm bao nhiêu. Tiếp tục chia cho 12 tháng sẽ ra ngay bài toán thực tế phải trả mỗi tháng bao nhiêu tiền gốc và lãi vay", ông Linh nói.
Với kinh nghiệm của mình, ông Linh cho rằng ở mức an toàn để người trẻ vay mua nhà là tổng tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng chiếm khoảng 60% thu nhập. 40% thu nhập còn lại là chi phí sinh hoạt, dự phòng.
Khi các bạn trẻ có nhu cầu nhà ở, đừng ngại mở lòng để nhận được tư vấn dựa trên thực tế thu nhập và nhu cầu, đảm bảo mức an toàn.
Thêm một nỗi lo mà nhiều bạn trẻ đang gặp phải là dù dự lường thu nhập hiện tại ổn, nhưng tương lai có thể giảm, khiến việc trả lãi, gốc gặp vấn đề. Lo lắng này là dễ hiểu. Tuy nhiên, trước khi bán tài sản, ngân hàng cũng phải xem xét cơ cấu nợ, giãn lãi...
Trường hợp cuối cùng, buộc ngân hàng xử lý bán tài sản thì vẫn đảm bảo nguyên tắc công khai, trên cơ sở đồng thuận với khách hàng và mức giá theo giá thị trường. Lúc đó người vay có thể tự tìm khách hàng bán với mức giá cao nhất.
Ngân hàng chỉ thu gốc và lãi của mình. Còn lại vẫn của khách hàng. Vấn đề lớn nhất là ngay từ ban đầu được tư vấn, lựa chọn nhà với mức giá không bị thổi phồng và mua trong khả năng thực của mình.
"Tôi làm bao nhiêu năm, rất hiếm thấy người trẻ nào mua nhà dựa trên việc cân đối tài chính mà mất nhà vì vay. Mất hết tài sản đa phần rơi vào trường hợp các bạn đầu tư dàn trải, rồi mất cân đối, đuối sức", ông Linh nói.
Người trẻ sử dụng được một gói dữ liệu rất lớn mà không biết
Theo ông Linh, người trẻ mua nhà được nhân viên ngân hàng tư vấn còn một cái lợi là không bị "hớ giá". Bởi cán bộ bán hàng của các ngân hàng chẳng khác nào những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Họ sẽ biết sản phẩm nào cho ai và mức thu nhập nào.
Đồng thời, khi người trẻ gửi bất động sản mình mua, chỉ cần nhân viên ngân hàng xem qua sẽ biết khu vực đó, giá đó ổn không. Bởi hàng ngày họ tiếp xúc rất nhiều hồ sơ thẩm định giá, có một gói dữ liệu rất lớn về phổ giá ở từng khu vực, mức độ thanh khoản...
"Đừng ngại giao tiếp với ngân hàng, bởi đó như một giải pháp tài chính để giúp các bạn chọn mua một căn nhà phù hợp. Khi ngân hàng đồng ý mức định giá cho vay, đồng nghĩa giá đó không ảo mà dựa trên cơ sở dữ liệu", ông Linh cho biết.
Ông Linh bảo sợ nhất là người trẻ vung tay quá trán, mua nhà ở mức quá xa với thu nhập. Hãy mua bằng sự tỉnh táo. Chỉ cần tích lũy 30% là mạnh dạn vay 70% còn lại để mua và trả gốc, lãi trong an toàn.
Ngoài những lo lắng của người trẻ nêu trên, ông Linh bảo còn một trở ngại nữa là các bạn không có tài sản thế chấp để ngân hàng duyệt chi. Vấn đề này ngân hàng sẽ tư vấn cho các bạn. Nếu mua nhà ở các dự án thì thường có hợp tác với ngân hàng, rất dễ giải ngân, không phải lo nghĩ.
Còn mua nhà cá nhân, ngân hàng sẽ tiếp cận ba bên (ngân hàng, người vay, người bán). Ngân hàng sẽ giải ngân cho người bán khi có sự đồng thuận với người vay muốn mua, nhưng sẽ đóng băng số tiền đó. Khi sang tên, công chứng xong, lập tức tiền về tài khoản.
"Ai cũng mong các bạn có một tổ ấm ổn định. Đừng sợ ngân hàng, hãy chia sẻ thật để được tư vấn phù hợp. Và làm ơn nghe tôi, đừng vung tay quá trán. Hãy vay và mua dựa trên thực tế thu nhập và nhu cầu. Đó là cách an toàn nhất", ông Linh chia sẻ.
Thăm dò ý kiến
Bạn đang vay nợ bao nhiêu để mua nhà/ đất, đầu tư?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận