06/03/2024 09:08 GMT+7

Gạo Việt và 4 điều nhà nông cần cân nhắc

Mấy ngày nay, tin vui từ thị trường nhập khẩu gạo của Indonesia làm người nông dân phấn khởi trở lại sau thời gian giá lúa, gạo trầm lắng.

Người dân thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Phước Long, Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Người dân thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Phước Long, Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tín hiệu vui này có thể gây ra tâm lý sản xuất "nóng vội" trong người nông dân, có thể giảm sản lượng trên ruộng lúa, gạo khó xuất khẩu vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Có mấy vấn đề được đặt ra mà người nông dân cần bình tĩnh để sản xuất có hiệu quả nhất. Indonesia sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo trong nay mai, nhưng có thể có các quốc gia xuất khẩu gạo khác sẽ cạnh tranh với ta.

Doanh nghiệp xuất khẩu với giá như thế nào để vừa có lãi mà nông dân được bán lúa với giá cao ổn định, đảm bảo lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha.

Đây còn là sự tính toán chi li, hợp lý và tương đối chính xác của doanh nghiệp nữa.

Người nông dân không thể chắc ăn "ba bó một giạ" khi mong muốn giá gạo xuất khẩu lúc nào cũng phải 1.000 USD/tấn để giá lúa từ 8.500 đồng/kg lên đến 10.000 đồng/kg.

Song song theo đó, doanh nghiệp không thể vì muốn trúng thầu mà để giá gạo xuất giá thấp. Nếu không tính toán kỹ thì thiệt hại của doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người nông dân là có thể.

Thứ hai, người nông dân không thể "nóng vội" nâng cao năng suất, sản lượng trên thửa ruộng của mình.

Nhà nông thích sạ dày, bón nhiều phân đạm để tăng năng suất, đây là cách làm "lợi bất cập hại". Sâu bệnh hại, rầy nâu sẽ sinh sôi theo cách sạ dày, lúa non, yếm khí mà sinh sôi, rất khó trị.

Khi đó, bắt buộc người nông dân phải phun xịt thuốc hóa học và phun xịt nhiều lần rất dễ gây ngộ độc cho cây lúa. Nông sản sau thu hoạch có thể tồn dư độc chất có thể không đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu trên thị trường gạo thế giới mà không xuất khẩu được.

Mới đây, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu vụ đông xuân 2023-2024 đến nay, diện tích nhiễm rầy phấn trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long gần 51.000ha, tăng khoảng 46.000ha so với vụ đông xuân năm trước.

Cập rập tổ chức sản xuất vụ tiếp theo khi đất, rơm rạ chưa giải phóng kịp các chất độc hại sau thu hoạch làm cho lúa gieo sạ bị ngộ độc, không phát triển hoặc phun xịt các loại chất kích thích tăng trưởng sẽ làm giảm chất lượng hạt gạo.

Thứ ba, giá gạo xuất khẩu còn phụ thuộc vào nước bạn, nhất là Ấn Độ, một quốc gia xuất khẩu chiếm thị phần khoảng 40%, lớn nhất thế giới. Mọi động thái xuất khẩu hay không của quốc gia này sẽ có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo Việt.

Thứ tư, El Nino, thiếu nước, hạn mặn bắt buộc người nông dân phải cân nhắc kỹ khi xuống giống để "né" hiện tượng thiên nhiên này. Do vậy, trước hết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quán triệt những bất cập trong sản xuất lúa chất lượng cao xuất khẩu cho địa phương. Các sở ngành cần tích cực tư vấn, hướng dẫn về giống cũng như diện tích canh tác một cách có lợi nhất cho nông dân.

Tin vui về xuất khẩu gạo có thể có thêm nữa từ các quốc gia cần nhập khẩu gạo. Người nông dân cần bình tĩnh sản xuất, không chạy theo sản lượng và giá cao hiện tại để sản xuất theo kiểu mì ăn liền, dục tốc bất đạt, tự làm hại chính mình.

Nghĩ về hạt gạo Việt Nam năm 2030Nghĩ về hạt gạo Việt Nam năm 2030

Nhiều năm trước, khi hạt gạo Việt còn lận đận về giá, khó về thị trường, èo uột về thương hiệu, chất lượng, nhưng lại thường nằm trong top đầu về sản lượng xuất khẩu, nhiều người trách, nhất làm gì...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên