28/02/2024 13:13 GMT+7

Vì sao giá lúa đông xuân giảm mạnh hơn 2.000 đồng/kg?

Dù giá lúa đông xuân đã giảm hơn 2.000 đồng/kg so với trước Tết với nhiều nguyên nhân, nhưng chính quyền và nông dân vẫn kỳ vọng lúa sẽ 'quay đầu' tăng giá khi nhiều nước có nhu cầu mua lương thực rất lớn.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân và bán cho thương lái cặp kênh Vĩnh Tế, thị xã Tịnh Biên - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân và bán cho thương lái cặp kênh Vĩnh Tế, thị xã Tịnh Biên - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 28-2, ông Võ Văn Út - ngụ xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng - cho biết ông sản xuất 10 công ruộng giống Đài thơm 8. 

Nếu như trước Tết khoảng 20 ngày, giá lúa lập đỉnh có lúc lên tới trên 12.000 đồng/kg nên khi lúa mới làm đòng, thương lái đã đến nhà đặt tiền cọc. Tuy nhiên qua Tết, giá lúa các loại bất ngờ giảm mạnh, hiện chỉ còn trên 7.000 đồng/kg.

Giảm hơn 2.000 đồng/kg

"Thương lái mua bán với nông dân bằng chữ tín, đặt cọc bằng miệng. Do vậy, khi giá lúa xuống thấp, nhắm thấy mua vào sẽ lỗ nặng nên họ bỏ cọc. Chỉ tính riêng phần chênh lệch giá lúa chỉ trong khoảng 20 ngày, nông dân mất tiền lời 2-3 triệu đồng/công, tiếc thiệt", ông Út nói.

Còn ông Nguyễn Thành Nhơn, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang, lo lắng bà con nông dân trồng lúa bị thiệt hại rất lớn do các loại dịch bệnh rầy phấn trắng, rầy nâu, vàng lá lúa… nhưng giá lúa hiện nay đang giảm khiến nông dân rất lo lắng. 

Cụ thể, lúa OM18 hay OM5451 đều được thương lái thu mua với giá 5.200 - 5.500 đồng/kg, giảm hơn 2.000 đồng/kg so với trước Tết.

"Năm nay người trồng lúa tốn chi phí rất cao do dịch bệnh các loại gây ra. Bà con rất lo lắng vì không nhận cọc, nếu giá lúa giảm dưới 7.000 đồng/kg có thể nông dân thua lỗ. Vừa qua, tôi thấy một số nông dân đã tranh cãi với thương lái vì thỏa thuận với thương lái bất thành, do họ bẻ cọc", ông Nhơn kể.

Ông Hồng Minh Nhật - trưởng Phòng kinh tế thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng - cho hay sau thời gian lập đỉnh, giá lúa trong một tháng qua giảm sâu, giống như xe xuống dốc không phanh. Có hôm giá lúa biến động chẳng khác giá vàng, buổi sáng vậy, đến chiều đã khác, không trở tay kịp, khiến nông dân như ngồi trên lửa.

"Hầu hết người trồng lúa thu hoạch thời điểm này điều tiếc nuối, kêu ca mất quá nhiều tiền lời. Mình chia sẻ với bà con, nhưng lý giải đừng lấy thời điểm giá lúa lập đỉnh để so sánh. So với cùng kỳ năm rồi, giá lúa đông xuân hiện nay vẫn còn cao hơn từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. Với năng suất 1 tấn/công, người trồng lúa vẫn còn khoảng 4 triệu đồng, khá hấp dẫn", ông Nhật khẳng định.

Nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thu hoạch lúa đông xuân sớm bán cho thương lái sau Tết nên có giá cao hơn hiện nay - Ảnh: MINH KHANG

Nông dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thu hoạch lúa đông xuân sớm bán cho thương lái sau Tết nên có giá cao hơn hiện nay - Ảnh: MINH KHANG

Giá gạo sẽ quay đầu tăng?

Một lãnh đạo công ty xuất khẩu gạo lớn tại Kiên Giang (xin không nêu tên) thừa nhận giá lúa gạo tại ĐBSCL hiện nay giảm do 3 nguyên nhân: giá lúa vụ đông xuân đang thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào; giá gạo xuất khẩu đã giảm, chỉ còn khoảng 600 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. 

Nguyên nhân thứ 3 là tâm lý doanh nghiệp Việt Nam trông chờ giá lúa giảm nữa mới mua để có lời.

"Hiện nay giá lúa giảm là do "doanh nghiệp tính toán, còn nông dân thì nóng ruột". Tôi thấy năm nào mà "cò" mua lúa non là xem như thị trường loạn hết. Họ muốn hớt tay trên của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lớn thì họ sẵn sàng chờ 1 tuần lễ mới mua lúa để giá lúa hạ xuống ngay. 

Trước Tết, nhiều cò lái đặt cọc 9.000 - 10.000 đồng/kg là giá không thật, đây là giá lúa non. Còn giá lúa như hiện nay nông dân cũng có lời rồi", vị này chia sẻ.

Vụ lúa đông xuân là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm của người dân trồng lúa ở ĐBSCL - Ảnh: MINH KHANG

Vụ lúa đông xuân là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm của người dân trồng lúa ở ĐBSCL - Ảnh: MINH KHANG

Ông Trương Văn Chính - giám đốc Công ty TNHH Chơn Chính (Đồng Tháp) - cho hay giá gạo xuất khẩu trước Tết trên 650 USD/tấn, sau Tết chỉ còn 600 USD/tấn. Giá lúa giảm hơn 1.500 đồng/kg tùy loại. 

Trong quý 1 này, đơn vị xuất khẩu khoảng 50.000 tấn gạo đi các nước. "Lúa này có ảnh hưởng của cung cầu, nếu hết đợt này thì giá lúa có thể lên lại. Tình hình giá lúa biến động quá nên các doanh nghiệp không dám mua trước mà phải đợi ký hợp đồng trước mới mua", ông Chính nói.

Ông Trần Vĩnh Nghi - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cho biết vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, Sóc Trăng xuống giống gần 181.000ha. 

Hiện nông dân đang thu hoạch được khoảng 67.000ha, năng suất ước đạt trên 6,6 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước.

Nói về việc Chính phủ Indonesia mới quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phấn khởi nói: "Tôi thấy nhu cầu lương thực của các nước đang có, đặc biệt là Indonesia đang có nhu cầu rất lớn về gạo. Vì vậy, tôi nghĩ giá gạo sắp tới sẽ tăng. Thời gian qua giảm có thể do doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng".

Sau Tết, giá lúa đông xuân biến động ra sao?Sau Tết, giá lúa đông xuân biến động ra sao?

Nếu như trước Tết giá lúa dao động 9.400-9.500 đồng/kg thì sau Tết, giá lúa đông xuân chỉ còn khoảng 8.600-8.900 đồng/kg tùy loại. Doanh nghiệp, chính quyền nói gì về giá lúa đông xuân khi vào thu hoạch đồng loạt?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên