02/12/2023 09:27 GMT+7

Gạo Việt giờ có tiếng lẫn có miếng

Không chỉ tăng giá bán mà mới đây gạo Việt Nam đã khẳng định được đẳng cấp về chất lượng khi một lần nữa được vinh danh 'Gạo ngon nhất thế giới' tại cuộc thi The Rice Trader 2023.

Gạo Việt đang ngày càng nâng tầm giá trị cao và tạo nên thương hiệu uy tín trên thế giới - Ảnh: CHÍ QUỐC

Gạo Việt đang ngày càng nâng tầm giá trị cao và tạo nên thương hiệu uy tín trên thế giới - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cuộc thi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế lần thứ 15 vừa diễn ra ở Philippines.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-12, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết đây là lần thứ hai gạo của Việt Nam thắng giải Gạo ngon nhất thế giới. Tại cuộc thi năm 2019, danh hiệu này cũng đã được trao cho gạo của Việt Nam là gạo ST25.

Khẳng định chất lượng gạo Việt

Hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế 2023, diễn ra tại Philippines từ ngày 27-11 đến 1-12, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi giá trị gạo.

Năm nay Việt Nam có ba doanh nghiệp dự hội nghị và đưa sáu mẫu gạo dự thi gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với gạo ST24 và ST25, Tập đoàn Lộc Trời với gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed với gạo TBR39-1 và nếp A Sào.

Theo ông Cường, theo điều lệ của cuộc thi thì từ năm 2022 đến nay, ban tổ chức không trao giải cụ thể cho một giống nào cụ thể mà trao giải cho quốc gia. Như năm 2022, gạo Campuchia đoạt giải nhất; năm 2023 gạo Việt Nam được trao giải thưởng gạo ngon nhất, Campuchia xếp thứ hai và Ấn Độ xếp thứ ba.

"Điều này có nghĩa là ban tổ chức trao giải thưởng cho gạo Việt Nam, giải chung cho Việt Nam, chứ không trao giải thưởng cho một giống gạo cụ thể", ông Cường nói.

Việc gạo Việt Nam được tôn vinh ngon nhất thế giới sẽ tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Đồng thời minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.

Ông Cường cho biết Cục Trồng trọt sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT có phần thưởng tôn vinh các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi, góp phần giúp Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất.

Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, nói hiện nay hạt gạo Việt Nam không ngừng được nâng lên về giá trị và Việt Nam đang là nước đứng đầu thế giới về thương hiệu lẫn giá trị. Vị thế hạt gạo Việt Nam hiện nay đã tăng lên rõ rệt nhờ sự đổi mới tư duy mạnh mẽ.

Từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu, tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và phát triển bền vững với những chính sách mới nhằm tái cơ cấu ngành lúa gạo, để hạt gạo Việt Nam không ngừng vươn xa vươn cao.

Việt Nam hiện có bộ giống lúa ngắn ngày rất phong phú, dễ canh tác, năng suất cao. Điều này đã được chứng minh bằng giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới 2023 mà các đại diện của Việt Nam vừa được trao.

Ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng gạo Việt Nam đã khẳng định được uy tín, vị trí trên thế giới.

"Rõ ràng 5 năm trở lại đây, Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp thay đổi ngành hàng lúa gạo. Cụ thể là việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, đa dạng hóa giống lúa...

Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới nhưng các nước vẫn mua vì gạo của chúng ta thơm nhất, ngon nhất, tươi mới nhất so với gạo của những nước khác. Với tình hình này, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và người nông dân sẽ có hưởng lợi", ông Bình nói thêm.

Ước cả năm 2023,  xuất khẩu gạo cả năm đạt trên 4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ước cả năm 2023, xuất khẩu gạo cả năm đạt trên 4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tăng cường quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Hoàng Trung, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết bộ đánh giá rất cao các doanh nghiệp đoạt giải thưởng về gạo và sẽ có khen thưởng để tôn vinh. Theo ông Trung, ngành nông nghiệp sẽ tăng mạnh hoạt động xúc tiến với các kế hoạch, giải pháp cụ thể.

Bộ đã giao Trung tâm xúc tiến thương mại phối hợp doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng thông qua hoạt động triển lãm, giới thiệu, nhất là với các sản phẩm gạo đoạt giải, các giống lúa mới cho hiệu quả cao.

Tuy vậy, ông Trung cho rằng cần sự chung tay của nhiều ban ngành khác, đặc biệt là Bộ Công Thương.

"Ngành nông nghiệp sẽ đề nghị Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp có giống lúa chất lượng, thậm chí có thể tính toán hỗ trợ kinh phí cho hệ thống tham tán nước ngoài để họ cùng với doanh nghiệp xúc tiến, xây dựng thương hiệu", ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trung, hiện pháp luật chưa có quy định về nguồn quỹ để hỗ trợ cho đơn vị đoạt giải về giống. Tuy nhiên, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tính toán để kêu gọi xã hội hóa, xúc tiến thành lập quỹ chuyên hỗ trợ phần nào kinh phí, hoạt động xúc tiến cho doanh nghiệp đoạt giải trong lĩnh vực giống và có thể giao cho Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam quản lý.

Theo ông Trung, cần hơn 600 triệu USD để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hiện Ngân hàng Thế giới cam kết cho vay 350 - 400 triệu USD, các nguồn vốn không hoàn lại khoảng 35 - 40 triệu USD và ngân sách cung ứng khoảng 100 triệu USD.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang vận động các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia bằng cách liên kết với nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu lúa chất lượng cao. "Hiện Chính phủ và ngành nông nghiệp của các nước rất quan tâm đến đề án này của Việt Nam. Do đó đề án không chỉ gói gọn ở 12 tỉnh thành mà sẽ xem xét lan tỏa ra các tỉnh thành khác", ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường cho biết ngành sẽ phối hợp với các địa phương để có những chính sách về đất đai, khoa học kỹ thuật... nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu giống.

Ông Cường nói: "Sẽ kết hợp các địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu giống, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, chẳng hạn ST25 hiện không chỉ dừng lại ở Sóc Trăng mà đã mở rộng gieo trồng ở nhiều địa phương và thu nhiều kết quả tốt".

Nói về tình trạng hàng giả gạo thương hiệu tràn lan, ông Cường cho rằng để đảm bảo được tính pháp lý cho thương hiệu của giống lúa và cơ quan nhà nước có thêm cơ sở thực hiện biện pháp bảo hộ, các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ giống cây trồng hoặc nhãn hiệu sở hữu trí tuệ.

Nhiều thương hiệu gạo Việt lên kệ siêu thị - Ảnh: T.T.D.

Nhiều thương hiệu gạo Việt lên kệ siêu thị - Ảnh: T.T.D.

PGS.TS Võ Công Thành (Trường đại học Cần Thơ):

Cần đầu tư cải thiện giống lúa để thành "hoa hậu"

Tôi cho rằng gạo Việt thành công thời gian qua là do hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, chúng ta tự lực trong chọn tạo giống mới, trong đó chúng ta có Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, có Trường đại học Cần Thơ.

Thứ hai là chúng ta sẵn sàng lai tạo giống lúa theo yêu cầu của thị trường, thị trường yêu cầu lúa chất lượng cao thì chúng ta theo hướng đó của thị trường, muốn gạo mềm cơm chúng ta chọn lai tạo giống mềm cơm, muốn gạo thơm chọn lai tạo giống thơm.

Khi chúng ta đã có thành công bước đầu, điều "chí tử" của lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới là phải lập giấy chứng nhận tín chỉ carbon. Đây là xu hướng của thế giới và càng ngày nhà nhập khẩu càng đòi hỏi khắt khe về vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, cần tiếp tục chọn tạo giống mới cho năng suất cao hơn và phải cải thiện việc bố trí thời vụ, cơ cấu giống, hai vụ ra hai vụ, ba vụ ra ba vụ, mỗi vụ phải nâng cao năng suất hơn nữa. Muốn vậy phải phát triển công nghệ, thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất.

Tôi đề xuất phải cải thiện hệ thống giống lúa hiện nay vì giống là khâu quyết định nhưng hiện bị suy thoái nhiều do ít được đầu tư. Doanh nghiệp cũng cần chung tay cùng Nhà nước, nhà khoa học trong vấn đề này để phát triển hệ thống giống lúa đúng tầm, có chất lượng và bền vững.

Cuối cùng, tôi cho rằng cần phát triển giống lúa thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) để nơi nào phát triển được thì nhập vào hệ thống của quốc gia, sản phẩm đó mới nổi bật thành "hoa hậu" được.

Festival lúa gạo Việt Nam được nâng tầm quốc tế

Ngày 1-12 tại TP.HCM, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức họp báo giới thiệu về Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 với chủ đề "Green Rice for Life - Gạo Xanh, Sống Lành". Festival sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14-12, với sự tham gia của hơn 39 quốc gia và đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực tham dự và ký kết hợp tác, thương mại.

Festival sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững, hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới, triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam, các chuyến đi thực địa giới thiệu đến bạn bè quốc tế những mô hình sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long...

Đặc biệt, tại festival lần này, Thủ tướng sẽ chính thức công bố phê duyệt đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Dự kiến tại festival sẽ mời Tổ chức Guinness Việt Nam xác lập ba kỷ lục Việt Nam: sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; con đường lúa gạo Việt Nam và bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt con số kỷ lục với giá trị là 4,4 tỉ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022; về lượng đạt 7,75 triệu tấn.

Liên kết để duy trì đẳng cấp gạo Việt

Tự hào về vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện nay, tuy nhiên đại diện các doanh nghiệp và các nhà quản lý cùng cho rằng cần thiết phải hình thành chuỗi liên kết mới bảo đảm giữ vững đẳng cấp của hạt gạo Việt trước những cạnh tranh không ngừng của các nước.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho hay sẽ tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất, tham gia tích cực vào đề án này để cung ứng nguồn giống xác nhận.

"Đặc biệt cho hai giống lúa vừa đoạt giải, Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9, khuyến khích bà con thực hiện quy trình canh tác khoa học cùng sử dụng bộ giải pháp chăm sóc, tiết kiệm tài nguyên đất và nước, giảm lượng hóa chất rải xuống đồng ruộng... theo đúng các tiêu chí về sản xuất lúa gạo bền vững, phát huy năng lực sản xuất và chế biến lúa gạo để luôn có thể cung cấp gạo ngon, gạo mới, chất lượng cao", ông Thòn nói.

Theo ông Thòn, việc liên kết sản xuất hiện tại có sự kết nối khá chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp, thương lái, nông dân.

"Để cho liên kết này thêm bền vững và hiệu quả, chúng tôi đề nghị tổ chức liên kết sản xuất nghiêm túc theo như nghị định 107/2018 của Chính phủ về liên kết sản xuất trong xuất khẩu gạo; tổ chức cho nông dân vay vốn sản xuất theo mùa vụ và tổ chức cho các công ty đủ điều kiện xuất khẩu gạo vay tiền thu mua và lưu kho lúa gạo", ông Thòn nói thêm.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Đồng Tháp  - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An, nhận định ngành lúa gạo Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Chính phủ.

"Hiện nay từ trung ương đến các tỉnh thành đã có nhiều quan tâm đặc biệt đối với ngành hàng lúa gạo. Đề án 1 triệu ha lúa vừa qua được Chính phủ phê duyệt đã khẳng định giải pháp doanh nghiệp liên kết với nông dân là chủ đạo để thay đổi ngành hàng lúa gạo một cách bền vững. Việc liên kết này không chỉ nâng cao giá trị mà phải đồng hành với việc tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính", ông Bình nói.

Theo ông Bình, giai đoạn này vẫn còn một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn là do thiếu liên kết sản xuất hoặc liên kết không bền vững. "Tôi tin tưởng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Thủ tướng vừa phê duyệt sẽ khắc phục các nhược điểm, thiếu đồng bộ của việc liên kết sản xuất", ông Bình hy vọng.

Ông Lê Hữu Toàn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết Kiên Giang có diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 700.000ha, sản lượng từ 4,3 - 4,5 triệu tấn/năm, được xem là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước. Trong đó, diện tích gieo trồng các giống lúa có chất lượng gạo cao (thơm, dẻo...) chiếm trên 90%.

"Ngoài việc mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các địa phương, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, sản xuất theo quy trình an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất đạt các chuẩn chứng nhận theo yêu cầu thị trường nhập khẩu. Đặc biệt nên hình thành vùng nguyên liệu lúa gạo theo "chuỗi giá trị" với phương châm "bền vững".

Cần có sự chia sẻ bản quyền tác giả đối với các giống lúa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới vừa qua để đảm bảo đủ lượng hạt giống chất lượng phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích sản xuất để đảm bảo và giữ đúng chất lượng gạo", ông Toàn đề nghị.

Gạo Việt Nam được vinh danh ngon nhất thế giới: Tiếp tục khẳng định chất lượng, uy tínGạo Việt Nam được vinh danh ngon nhất thế giới: Tiếp tục khẳng định chất lượng, uy tín

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên