29/06/2023 18:36 GMT+7

Fed: Các ngân hàng lớn của Mỹ mất 541 tỉ USD ở kịch bản 'ngày tận thế'

Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ mất 541 tỉ USD trong kịch bản "ngày tận thế" của nền kinh tế Mỹ nhưng vẫn đứng vững, theo cuộc kiểm tra căng thẳng hằng năm do Fed thực hiện.

Fed: Các ngân hàng lớn của Mỹ mất 541 tỉ USD ở kịch bản ngày tận thế - Ảnh 1.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ kiểm tra 23 ngân hàng lớn nhất của Mỹ - Ảnh FREEPICK

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố vào ngày 28-6, có 23 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã tham gia cuộc kiểm tra gắt gao, bao gồm cả JPMorgan Chase và Goldman Sachs, đều có thể vượt qua và chịu được tổn thất nặng nề khi một kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng được đưa ra.

Theo tờ Financial Times, trong cuộc kiểm tra năm nay các ngân hàng cần chứng tỏ rằng họ có thể "sống sót" sau một kịch bản giả định như "ngày tận thế" của nền kinh tế Mỹ do Fed đưa ra. 

Đó là khi tỉ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất là 10%, giá bất động sản thương mại giảm 40%, giá nhà giảm 38% và lãi suất ngắn hạn giảm xuống gần như bằng không.

Qua bài kiểm tra cho thấy tất cả 23 ngân hàng đều đáp ứng được các yêu cầu về vốn tối thiểu, mặc dù khoản lỗ dự kiến là 541 tỉ USD. 

Trong số các khoản lỗ, có 424 tỉ USD đến từ các khoản lỗ cho vay và 94 tỉ USD từ các khoản lỗ đối tác và giao dịch.

Đây là lần đầu tiên Fed đưa ra một kịch bản "tận thế" của nền kinh tế Mỹ để đánh giá tiềm năng chống chịu của hệ thống ngân hàng Mỹ trong nhiều tình huống trong tương lai.

“Kết quả ngày hôm nay xác nhận rằng hệ thống ngân hàng lớn của Mỹ vẫn mạnh mẽ và kiên cường”, Phó chủ tịch giám sát của Fed Michael Barr cho biết trong một tuyên bố.

Ông Barr cảnh báo các bài kiểm tra căng thẳng là “một cách duy nhất để đo lường sức mạnh của hệ thống ngân hàng Mỹ”. 

Ông cũng nhấn mạnh các cơ quan quản lý “nên khiêm tốn trong việc đánh giá mức độ rủi ro có thể phát sinh. Và tiếp tục công việc đảm bảo cho các ngân hàng có khả năng phục hồi trước một loạt kịch bản kinh tế, cú sốc thị trường và các căng thẳng khác".

Trong số 23 ngân hàng lớn nhất được kiểm tra, Deutsche Bank chịu ảnh hưởng lớn nhất về vốn, tiếp theo là UBS Americas.

Trong số các ngân hàng có trụ sở chính tại Mỹ, mức vốn của Goldman Sachs giảm nhiều nhất, tiếp theo là Morgan Stanley. Các hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng trên đều thiên về giao dịch hơn các ngân hàng khác, vốn được Fed xếp vào loại rủi ro hơn.

Cuối mùa hè này, Fed và các cơ quan quản lý ngân hàng khác của Mỹ sẽ công bố các tiêu chuẩn quốc tế mới để tính toán tài sản có rủi ro.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Cần xem lại quy định về ngân hàngBộ trưởng Tài chính Mỹ: Cần xem lại quy định về ngân hàng

Sau vụ hai ngân hàng Mỹ sụp đổ gần đây, ngày 30-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng cần xem lại các quy định về ngân hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên