04/10/2023 09:37 GMT+7

Đường vào đại học của cậu học trò từng qua cơn đau tưởng như chết đi sống lại

Một ngày cuối tháng 8, Đỗ Xuân Thành rưng rưng cầm trên tay giấy báo nhập học của Trường ĐH Thủy lợi. Hành trình mới vừa mở ra với cậu học trò nghèo Thanh Hóa bị mắc bệnh Hemophilia.

Dù trong người mang bệnh hiếm gặp nhưng ba năm phổ thông, Đỗ Xuân Thành đều học giỏi - Ảnh: LƯƠNG HUYỀN

Dù trong người mang bệnh hiếm gặp nhưng ba năm phổ thông, Đỗ Xuân Thành đều học giỏi - Ảnh: LƯƠNG HUYỀN

Là một bệnh chảy máu di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính X gây ra, tuổi thơ của Đỗ Xuân Thành là chuỗi ngày quằn quại trong những cơn đau tưởng như chết đi sống lại. Dù chưa một lần có ý định từ bỏ song quãng đường đại học phía trước sẽ là thử thách không nhỏ với cậu bạn này.

Nhiều lúc mình cũng phải cố nén cơn đau vì không muốn bố mẹ lo nghĩ nhiều. Hành trình phía trước chắc chắn không dễ dàng với bản thân nhưng mình sẽ không bỏ cuộc.

ĐỖ XUÂN THÀNH

Dân làng góp tiền lo viện phí

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình Thành nằm gần cuối thôn Hàm Ninh, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Trong cái nắng héo hắt của tiết trời miền Trung, Thành tập tễnh từng bước từ khu bếp lên nhà, gắng gượng cười.

Cậu học trò dáng người cao ráo, khuôn mặt sáng nhưng đôi mắt thoáng buồn sau lớp kính cận khá dày. Tự nhận là chàng trai khá sôi nổi nhưng cũng nhạy cảm và dễ rơi nước mắt. "Mỗi lần bệnh tái phát, đau đến chết đi sống lại, mình không thể nào quên được", Thành bật khóc.

Lên 3 tuổi, Thành được chẩn đoán mắc bệnh Hemophilia. Đó là lần té ngã chảy máu lưỡi. Dù đã nhập viện khâu lại vết thương song máu vẫn đầm đìa, không thể cầm. Tình thế nguy cấp, bệnh viện phải chuyển tuyến ra Hà Nội.

"Hôm đưa con đi, vợ chồng tôi vay mượn được 10 triệu đồng nhưng chừng ấy làm sao đủ. Bà con chòm xóm hay tin đã gom góp mỗi người một ít phụ cho cháu tiền viện phí", bà Đỗ Thị Phương - mẹ Thành, người phụ nữ lam lũ, trông khắc khổ hơn cái tuổi chưa đến 50 - nghẹn ngào.

Mất hai tháng điều trị, vết thương nơi đầu lưỡi mới lành lại song bệnh tình không thuyên giảm. Cứ khi nào con trai kêu đau hay tay chân sưng phù lên, gia đình lại tức tốc theo con nhập viện. Có những thời điểm hai mẹ con ăn cơm nhà còn ít hơn ăn cơm ở bệnh viện.

Tuổi thơ của cậu không được sôi nổi như đám bạn trong xóm. Nhiều khi ngồi nhìn lũ con trai chơi bóng mà thèm. "Mình không được chơi mà thực ra cũng chẳng ai dám chơi bóng cùng nên đành tìm niềm vui qua trang sách", Thành kể.

Sẽ không bỏ cuộc

Thuộc diện đặc cách thi tốt nghiệp, Thành xét tuyển học bạ vào ngành kỹ thuật điện tử viễn thông Trường ĐH Thủy lợi. Thành đam mê công nghệ, từng bật tung vài chiếc điện thoại cũ để tìm hiểu linh kiện bên trong. Thành khoe vì không thể chơi thể thao nên dành thời gian tìm hiểu về công nghệ. Và hiện có thể viết lập trình cơ bản.

Cậu bạn đang rất háo hức nghĩ về bốn năm đại học phía trước. Nhưng nỗi lo bệnh tình chuyển biến xấu, có thể dẫn tới teo cơ hoặc cứng khớp cứ mãi đeo đẳng trong đầu Thành. Tranh thủ những ngày thảnh thơi chưa nhập học, Thành phụ giúp bố mẹ việc nhà.

Đang chuẩn bị đến giờ cơm trưa, bỗng nhiên cơn đau ập đến. Chẳng kịp gói ghém áo quần, bố tức tốc chở Thành lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cách nhà gần 20km, nhập viện.

Thành bảo mười mấy năm qua cũng chẳng đếm nổi số lần ra vào bệnh viện nữa. Được bác sĩ tiêm gấp bốn lọ thuốc và điều trị như bao lần khác, thấy dịu cơn đau, cậu tức tốc xin về để kịp hoàn thiện giấy tờ nhập học.

Cô Ngô Thị Hoài - giáo viên chủ nhiệm - nói gia đình Thành thuộc diện hộ nghèo, Thành lại mắc bệnh về máu phải vào viện điều trị lâu dài nhưng bạn ấy luôn rất nỗ lực, có ý chí vươn lên và chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc học.

"Biết rõ hoàn cảnh của em và gia đình, nhà trường tạo mọi điều kiện, miễn giảm các khoản đóng góp, lớp cũng hỗ trợ Thành nhiều. Điều đáng quý là mỗi lần trò chuyện, em đều tâm sự sẽ nỗ lực cố gắng, quyết tâm không từ bỏ việc học", cô Hoài chia sẻ.

Với Thành, bố vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là trụ cột trong nhà với công việc bốc gạch thuê cho một công ty cách nhà chừng 15 cây số. Tuy nhiên, khoảng ba năm nay, sức khỏe của bố Thành sụt giảm, ông lại mắc thêm bệnh tắc nghẽn mạch phổi nên bữa làm, bữa nghỉ. Mọi chi tiêu sinh hoạt của cả nhà đều oằn lên đôi vai của người mẹ.

Vừa làm công nhân cách nhà gần chục cây số, bà Phương vừa tranh thủ cày cấy thêm mấy sào ruộng lấy lúa ăn, tiết kiệm được đồng nào lại dành dụm thuốc thang cho hai cha con. "Hơn nửa năm nay, công ty ít việc nên đã không có tiền tăng ca lại còn phải nghỉ thêm cả thứ bảy", bà Phương bùi ngùi.

Hơn 1,3 tỉ đồng học bổng cho tân sinh viên Bắc Trung Bộ

Sáng 5-10, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Đây là điểm trao thứ hai trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 568 của báo Tuổi Trẻ.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ đi lại, ăn ở và quà tặng từ chương trình), mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt và suất đặc biệt 50 triệu đồng suốt 4 năm học do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 4 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.

Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Ngoài 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong đợt trao ngày 5-10, chương trình Tiếp sức đến trường còn được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Học bổng Tiếp sức đến trường đã tiếp sức Hạnh "osin", chàng trai cửu vạn và cậu bé chăn trâuHọc bổng Tiếp sức đến trường đã tiếp sức Hạnh 'osin', chàng trai cửu vạn và cậu bé chăn trâu

Học bổng Tiếp sức đến trường là bước đệm giúp các bạn tân sinh viên nghèo có thêm động lực bước vào giảng đường và kiếm việc làm ổn định sau khi ra trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên