20/10/2023 09:51 GMT+7

Đường cứu nạn tắc vì... rừng đặc dụng

Dự án giao thông nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông với nhánh tây tại Quảng Trị bị tắc 6km cuối tuyến vì vướng rừng đặc dụng, cần đến 1.100 tỉ đồng nếu muốn thông tuyến.

Đường cứu nạn nối đông tây Quảng Trị bị tắc cuối tuyến do vướng rừng đặc dụng, hiện chỉ mới thi công 15km đầu tuyến - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đường cứu nạn nối đông tây Quảng Trị bị tắc cuối tuyến do vướng rừng đặc dụng, hiện chỉ mới thi công 15km đầu tuyến - Ảnh: HOÀNG TÁO

Dự án giao thông này nhằm nối thông 2 xã miền núi Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) với xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) nhằm cứu hộ, cứu nạn mỗi khi mưa lũ.

Muốn cứu nạn dân phải mượn đường của Quảng Bình

Phía tây Quảng Trị có 2 tuyến đường chạy dọc theo chiều bắc - nam của tỉnh, gồm đường Hồ Chí Minh nhánh đông và đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Hai con đường chạy gần như song song, cách nhau khoảng 50km và nối với nhau bởi quốc lộ 9.

Tháng 10-2020, mưa lũ khiến đất đá sạt lở ở đường Hồ Chí Minh nhánh tây với khối lượng hàng triệu mét khối. Ngành giao thông tỉnh Quảng Trị mất gần một tháng mới khắc phục xong các điểm sạt lở để thông tuyến.

Sạt lở khiến 2 xã miền núi Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) bị cô lập hoàn toàn với tỉnh Quảng Trị trong một tháng. 

Để cứu hộ cứu nạn, tiếp ứng lương thực cho người dân ở đây, trực thăng quân sự từng được huy động khẩn cấp. Sau đó, chính quyền, các tổ chức muốn cứu trợ người dân 2 xã này phải chạy ngược ra tỉnh Quảng Bình, theo quốc lộ 9C nối với đường Hồ Chí Minh nhánh tây để đi ngược vào.

Sau mưa lũ, tháng 12-2020, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hỗ trợ 100 tỉ đồng để cùng với ngân sách địa phương xây dựng đường từ Vĩnh Ô lên Hướng Lập, nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông với tây, phá thế độc đạo của quốc lộ 9.

Tuyến đường này được đánh giá là hết sức cần thiết, tạo trục giao thông huyết mạch nối đông sang tây Quảng Trị, phục vụ cứu hộ, cứu nạn; phát triển kinh tế - xã hội các huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa; đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực phía bắc Quảng Trị, tỉnh Quảng Bình và bắc miền Trung...

Vướng phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng

Dự án dài 21,63km, chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 dài 15km đầu tuyến (Km0 - Km15) tại xã Vĩnh Ô; đoạn 2 dài 2km (Km15 - Km17) đi theo lối mòn qua rừng đặc dụng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, và đoạn 3 từ Km17 đến cuối tuyến tại Km21+630 (dài 4,63km) đi qua khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và rừng sản xuất.

Theo nghị định số 83 của Chính phủ, các dự án phải đảm bảo không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Do đó, đoạn dài 2km không thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện dự án.

Một cây cầu đã hoàn thành trên tuyến - Ảnh: HOÀNG TÁO

Một cây cầu đã hoàn thành trên tuyến - Ảnh: HOÀNG TÁO

Để tháo gỡ, ngành giao thông đưa ra 2 phương án: Thiết kế tuyến đi vòng để tránh khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, phạm vi rừng thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt trải dài theo hướng bắc - nam từ ranh giới với Quảng Bình xuống đến xã Hướng Sơn, trong khi đó tuyến đi theo hướng đông - tây nên phương án này không khả thi. 

Phương án 2 thiết kế hầm đường bộ chui qua khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng nhưng kinh phí thi công 2km hầm tương đối lớn, khoảng 1.100 tỉ đồng, ngân sách địa phương không thể cân đối được.

Do đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi các bộ, ngành xem xét điều chỉnh các quy định liên quan về thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để nối thông dự án.

Đường ven sông Sài Gòn: Giao thông thủy, bộ cùng phát triểnĐường ven sông Sài Gòn: Giao thông thủy, bộ cùng phát triển

Thông tin TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất phương án bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn đã nhận được nhiều sự đồng tình. Hy vọng tuyến đường này hình thành sẽ giúp giao thông đường thủy, đường bộ cùng phát triển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên