14/09/2017 10:50 GMT+7

Xem xe ôm là phương tiện giao thông công cộng, được không?

THU TRANG ghi
THU TRANG ghi

TTO - Tham gia diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân, TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng nên xem xe ôm là phương tiện giao thông công cộng.

Xem xe ôm là phương tiện giao thông công cộng, được không? - Ảnh 1.

Tài xế xe ôm Grab chờ đón khách ngoài cổng sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU THUẬN

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này:

"Xe ôm nói chung không khác gì taxi và xe buýt về chức năng chuyên chở hành khách, mặc nhiên đó cũng là phương tiện chuyên chở hành khách công cộng. Khái niệm "phương tiện chở khách công cộng" không phụ thuộc vào sức chở, ví dụ taxi cũng thường chở một khách, có khi xe buýt chỉ có một khách vẫn phải chạy theo chuyến.

Xe ôm - lựa chọn của người tiêu dùng

Đi xe ôm là sự lựa chọn tự nhiên theo lợi ích của người tiêu dùng và theo quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường.

Tại sao chỉ nghĩ đến loại bỏ xe máy - trong đó có cả xe ôm - mà không nghĩ đến xây dựng văn hóa giao thông xe máy, xe ôm và thiết kế hạ tầng kỹ thuật thích ứng với loại phương tiện này?"

Trích ý kiến TS Nguyễn Hữu Nguyên

Xe ôm có lẽ ra đời ở Sài Gòn từ sau năm 1965 khi xe máy Honda trở thành phổ biến, đã gắn bó với người dân TP.HCM đến ngày nay vì tính tiện ích: giá không cao, ở đâu cũng đón được xe, đi đến bất cứ đường phố hay ngõ hẻm nào - những nơi mà taxi và xe buýt không đến được. 

Xe ôm thích hợp nhất với nhóm dân chiếm đa số ở TP - những người có mức sống trung bình trở xuống và ở những khu vực đường hẹp, ngõ hẻm.

Gần đây xuất hiện "xe ôm công nghệ" (Grab và Uber) không những vẫn giữ được các tiện ích như xe ôm cũ, mà còn có ưu điểm hơn hẳn trên một số mặt như: giá rẻ hơn, công khai, minh bạch lộ trình nên không sợ bị lừa hoặc bị "chém giá", người lái xe được tuyển dụng theo trình độ tay nghề nên chạy xe an toàn hơn. 

Do áp dụng công nghệ thông minh để kiểm soát cả lái xe, hành khách và lộ trình nên tính an toàn của "xe ôm công nghệ" được bảo đảm hơn - hành khách không sợ bị trấn lột, lái xe không sợ bị cướp xe. Chính vì thế, "xe ôm công nghệ" thu hút được nhiều người có điện thoại thông minh. Những người không có điện thoại di động thì vẫn còn nhiều xe ôm truyền thống phục vụ.

Xem xe ôm là phương tiện giao thông công cộng, được không? - Ảnh 3.

Ảnh: THU TRANG

Loại bỏ hay xây dựng văn hóa xe máy?

Đã có nhiều ý kiến về việc loại bỏ dần xe máy ở TP.HCM, nhưng nếu việc loại bỏ dần xe máy nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe thì xe máy không phải là nguyên nhân, mà chỉ phản ánh nguyên nhân căn bản là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa dân số, mật độ với tỉ lệ diện tích dành cho giao thông. Nói cách khác, kẹt xe là do thiếu đường, còn nhiều xe là theo dân số.

Xu thế giao thông cá nhân

Trên thế giới, xu thế của đô thị hiện đại ngày nay là giao thông cá nhân. Các nước Bắc Âu phát triển loại hình xe đạp và xe máy chở 1 khách (như xe ôm ở TP.HCM, chỉ khác là chạy bằng điện). Ở Mỹ còn có dự án nghiên cứu hệ thống cáp treo thông minh vận hành trong đô thị, mỗi khoang chỉ chở 1 - 2 người.

Ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Asean, vẫn sử dụng rất nhiều xe cỡ nhỏ là tuk tuk - họ còn coi đó là "sắc thái Asean"... Như vậy, tiêu chí đô thị văn minh hiện đại không tùy thuộc kích cỡ phương tiện giao thông, mà là tính hiệu quả và thích ứng văn hóa.

Và nếu loại bỏ hoàn toàn xe máy, trong đó có xe ôm, đến năm 2030 TP.HCM cần bao nhiêu xe buýt và xe hơi tư nhân để thay thế 7 triệu xe máy và đáp ứng nhu cầu đi lại của 10 triệu dân? Nếu hệ thống đường sá trong nội thành không tăng đáng kể thì khó tránh kịch bản chuyển từ kẹt xe máy sang kẹt xe hơi - đó là vấn nạn lớn hơn.

Như vậy, không phải chỉ do trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế nên chưa thể loại bỏ xe máy, trong đó có xe ôm, mà quan trọng hơn là do những đặc điểm kinh tế - xã hội của TP.HCM: đường hẹp và ngõ hẻm chiếm 2/3 (hình thành văn hóa hẻm), hoạt động thương mại, dịch vụ vừa và nhỏ (hình thành kinh tế mặt tiền, kinh tế vỉa hè), lối sống của người Sài Gòn thích hoạt động ngoài trời... 

Xe máy - trong đó có xe ôm - như một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân lao động và như một sắc thái văn hóa của Sài Gòn - TP.HCM. Nếu cưỡng bức loại bỏ thì chắc là hệ quả tiêu cực về kinh tế - xã hội sẽ lớn hơn nhiều và chỉ là tránh kẹt xe máy để chịu kẹt xe hơi.

Diễn đàn Phát triển giao thông công cộng & kiểm soát xe cá nhân mong nhận thêm các ý kiến bàn giải pháp phát triển các loại hình giao thông công cộng khác, cũng như việc kiểm soát xe cá nhân thế nào cho hiệu quả. Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email nguyentran@tuoitre.com.vn.

THU TRANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên