Chiều 16-3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức phiên bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự.
Phát biểu bế mạc, ông Lê Quốc Minh - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tổng biên tập báo Nhân Dân - nhận định sau 10 phiên thảo luận chuyên sâu, diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã thành công tốt đẹp.
Các tham luận, ý kiến từ diễn đàn đã góp phần làm sáng tỏ, gợi mở cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí nhiều vấn đề.
Cụ thể như: hướng ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược, tính thực tế cho các cơ quan báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; bảo vệ bản quyền báo chí…
Đồng thời, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt cơ hội vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.
Một trong những phiên thảo luận được đông người làm báo quan tâm là “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có thể”. Tại phiên này, các nhà báo đã đúc kết được 4 giải pháp, kiến nghị.
Cụ thể, có phương hướng đào tạo phóng viên điều tra ngay từ khi học đại học; có chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập để khuyến khích cây bút điều tra yên tâm công tác; đưa ra cơ chế chính sách để coi người làm báo điều tra là những người thi hành công vụ.
“Đây là lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn với quy mô lớn như vậy. Trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức thường xuyên hơn, đều đặn hơn. Hy vọng các phiên thảo luận sẽ giúp những người làm báo đào xới được nhiều vấn đề cấp bách và hoạt động ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn”, ông Minh nói.
Cần ứng dụng công nghệ trong bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc, phiên thảo luận về bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số là phiên cuối cùng được các đại biểu tham dự và trao đổi kinh nghiệm.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, tổng biên tập báo Thanh Niên, cho rằng tình trạng đánh cắp bản quyền là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí. Trong khi đó, việc chế tài nạn vi phạm bản quyền còn yếu, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Việc chấn chỉnh, dẹp bỏ nạn vi phạm bản quyền báo chí cần được đặt trong tổng thể một chiến lược hỗ trợ giúp các cơ quan báo chí chính thống phục hồi và phát triển trong những điều kiện hoàn toàn mới.
Đó là trong những không gian số, nơi mọi tài nguyên đều là tiền bạc, là tài sản, là nguồn lực, cao hơn nữa là sự biểu hiện của chủ quyền quốc gia về tư tưởng và văn hóa.
Theo ông Hoàng Đình Chung - giám đốc Trung tâm bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam, cần ứng dụng công nghệ trong bảo vệ và khai thác bản quyền báo chí trên môi trường số.
Công nghệ có thể tham gia vào hoạt động hỗ trợ đăng ký bản quyền, kiểm duyệt bản quyền, phân phối bản quyền, hỗ trợ về pháp lý, phát hiện và cảnh báo vi phạm.
"Khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích tác phẩm đăng ký bản quyền, thay vì kiểm soát 1 tiếng thì chỉ cần kiểm soát ở vị trí mà AI cảnh báo. Công nghệ có thể phân tích được video, hình ảnh, báo giấy, báo điện tử, livestream…", ông Chung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận