16/03/2024 12:05 GMT+7

Báo chí cần tạo đột phá nguồn thu từ các nền tảng mạng xã hội

Nếu báo chí không làm tốt vai trò hiện diện trên mạng xã hội sẽ không tạo đột phá, sự cạnh tranh về mặt nguồn thu.

Báo chí cần tạo đột phá nguồn thu từ các nền tảng mạng xã hộiCác đại biểu thảo luận về đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Báo chí cần tạo đột phá nguồn thu từ các nền tảng mạng xã hộiCác đại biểu thảo luận về đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Sáng 16-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận về đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí.

Quảng cáo chuyển dịch sang không gian số

Phát biểu đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng hiện nay, nguồn thu của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường mới.

"Chưa bao giờ nguồn thu từ thị trường lại có tác động mạnh như bây giờ", ông Lâm nhận định và cho biết xu hướng quảng cáo đang chuyển dịch sang nhiều không gian khác, như không gian số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Theo ông Lâm, nhiều cách tìm khách hàng không còn phải đi qua các cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả hơn.

Do vậy, các cơ quan báo chí cũng cần tiếp cận nhiều con đường khác để tìm kiếm nguồn thu.

Phần trình bày tham luận của ông Nguyễn Quang Đồng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Phần trình bày tham luận của ông Nguyễn Quang Đồng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trình bày tham luận tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) - nhìn nhận sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí.

Trong đó sự thay đổi thể hiện rõ trên 3 khía cạnh là hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường (nguồn cung, kênh phân phối, bán hàng) và nguồn thu.

Ông Đồng gợi ý các cơ quan báo chí cần chú trọng tới nguồn thu mới từ độc giả nhiều hơn. Muốn vậy phải hiểu được hành vi xem tin tức của độc giả.

"Chúng ta không thể thu phí khi không hiểu hành vi độc giả. Chính vì không hiểu nên có độ vênh giữa số lượng nội dung xuất bản và nhu cầu của người đọc", ông Đồng chia sẻ và cho rằng những bài viết phân tích, chuyên sâu sẽ phù hợp với độc giả nhiều hơn.

Viện trưởng IPS nói các tòa soạn đa dạng hóa tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nhiều hơn. Trong đó, nỗ lực đa dạng các kênh tiếp cận độc giả, bởi có độc giả mới có nguồn thu.

Đồng tình nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi cho rằng không gian mạng là trận địa chính của báo chí, ông Đồng cho rằng: "Nếu báo chí không làm tốt vai trò hiện diện trên mạng xã hội sẽ không tạo đột phá, sự cạnh tranh về mặt nguồn thu".

Kiến nghị nắn dòng quảng cáo

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn trao đổi tại phiên thảo luận - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn trao đổi tại phiên thảo luận - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trong phần tọa đàm sau đó, các đại biểu tập trung vào phân tích nguyên nhân sụt giảm ghê gớm quảng cáo trên báo giấy truyền thống cũng như cách thức tạo ra các nguồn thu khác bù đắp cho sự sụt giảm đó.

Ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - chia sẻ thói quen người đọc thay đổi, làm cho cơ cấu nguồn thu của báo Tuổi Trẻ thay đổi. Trước đây 75% là nguồn thu từ bán báo và quảng cáo trên báo giấy, bây giờ đảo lại 75% nguồn thu đến từ các nền tảng số.

Sự đảo chiều buộc báo Tuổi Trẻ phải thay đổi đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên.

Cùng với đó, báo cũng phải xoay xở vừa đặt mục tiêu giảm thiểu đà sụt giảm trên báo giấy, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.

Theo đó, báo Tuổi Trẻ chia khách hàng làm ba nhóm: độc giả đọc báo hằng ngày, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Từ đó có bước chăm sóc, quan tâm thích đáng nhất đối với từng nhóm khách hàng. Trong đó, tập trung chăm sóc lớn nhất là nhóm khách hàng độc giả, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua online.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, báo cố gắng để họ thấy được sản phẩm dịch vụ của họ chia sẻ trên tờ báo sẽ tiếp cận được tệp khách hàng họ mong muốn.

Còn đối với nhóm cơ quan quản lý nhà nước, báo sẽ tạo ra cách chuyển tải để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận chính sách hơn.

Ông Toàn chia sẻ rất ủng hộ quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phải "nắn dòng quảng cáo". Theo ông Toàn, không thể để các quảng cáo chạy trên các nền tảng, các trang thông tin mất thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

Ông Toàn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước phải làm thật nghiêm việc này để đảm bảo công bằng giữa các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội trong việc tuân thủ quy định Luật Quảng cáo.

Liên quan đến vấn đề bản quyền, ông Toàn đề xuất nên có buổi đối thoại các nền tảng mạng xã hội với hội nhà báo và các cơ quan báo chí về việc tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo, cũng như chia sẻ nguồn thu cho các cơ quan báo chí khi khai thác dữ liệu, nội dung từ báo chí.

Kiến nghị giảm thuế cho các sản phẩm, cơ quan báo chí

Về ngắn hạn, ông Nguyễn Quang Đồng kiến nghị các bộ liên quan đề xuất cơ chế giảm thuế cho các sản phẩm báo chí và các cơ quan báo chí để báo chí có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung.

Mặt khác, các cơ quan cũng tạo cơ chế đơn giản hóa thủ tục, việc giải ngân đối với nguồn thu từ truyền thông chính sách. Cùng với đó, có cơ chế hậu kiểm bình luận, giảm bớt các nghĩa vụ về kiểm soát tương tác của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội. Có bình luận mới có tương tác, có tương tác mới có doanh thu.

Về dài hạn, cần có cơ chế thúc đẩy xã hội hóa để tăng nguồn đầu tư, nhất là đầu tư năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tạo các diễn đàn kết nối các nền tảng mạng xã hội với cơ quan báo chí để có sự hợp tác nguồn thu.

Mạng xã hội Mạng xã hội 'hút' hết 50% doanh thu báo chí

Doanh thu truyền thông khoảng 4 tỉ USD nhưng khoảng 50% 'chảy' vào nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội, khiến cơ quan truyền thông trong nước hụt nguồn thu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên