21/10/2023 18:26 GMT+7

Đi đẩy đất nuôi ước mơ trở thành kỹ sư

Mẹ mất gần ba năm, cha đang mang bệnh, Lê Khả Minh nhiều năm đã quen với việc lao động nặng nhọc, như đẩy đất, bốc vác để kiếm tiền lo cho việc học.

Hằng ngày Lê Khả Minh phải đạp xe hàng chục km để đến được nơi làm - Ảnh: THANH HUYỀN

Hằng ngày Lê Khả Minh phải đạp xe hàng chục km để đến được nơi làm - Ảnh: THANH HUYỀN

Những bữa ăn chỉ có cá muối

Con đường nhỏ ven bờ sông dẫn vào nhà cậu học trò nhỏ ở ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau ngoằn ngoèo. Ba năm học trung học phổ thông đều là học sinh giỏi nên Khả Minh được xét tuyển đậu vào Trường đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long).

Học trò nghèo đẩy đất, bốc vác nuôi ước mơ trở thành kỹ sư

Khi các bạn cùng trang lứa của Minh đã được cha mẹ sắm sửa tươm tất để chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, thì với Minh cánh cổng trường còn quá xa vời.

Gia đình thuộc hộ cận nghèo, mẹ mất gần ba năm, anh trai nhập ngũ, chị gái làm công nhân nên Khả Minh trong bộ quần áo sờn vai cùng cha (đang mang bệnh viêm gan B), đi đẩy đất kiếm tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống.

Nhà chỉ còn hai cha con nên tờ mờ sáng Minh phải dậy lo cơm nước chuẩn bị cho buổi trưa. "Sau buổi làm, em thường xin cô dì, chú bác bên nội và bên ngoại để vào các vuông nuôi tôm giăng lưới cá phi để dành ăn. Có khi giăng lưới dính nhiều, em làm thêm cá muối hoặc làm khô để ăn dần. Nhà em ít ăn thịt lắm, gần Tết chị đi làm ở Bình Dương về thì được ăn thịt kho trứng.

Em sao cũng được, chỉ thương cha lao động vất vả, bệnh tật mà ăn uống kham khổ quá. Phải chi còn có mẹ…", Khả Minh nghẹn ngào.

Bữa trưa vội của hai cha con với cá phi Minh giăng lưới được từ hôm trước - Ảnh: THANH HUYỀN

Bữa trưa vội của hai cha con với cá phi Minh giăng lưới được từ hôm trước - Ảnh: THANH HUYỀN

"Vài năm trước mẹ lâm bệnh nặng, phải chạy chữa tốn nhiều tiền nhưng mẹ không qua khỏi. Giờ, cha bệnh gan nên sức khỏe cũng yếu, ít người thuê đẩy đất", Khả Minh trải lòng.

Ông Lê Lạc Trung, cha của Khả Minh, nói ông không sợ chết, chỉ sợ không có việc làm, sợ trong nhà không có tiền để cho con được tiếp bước đến trường.

"Minh là niềm hy vọng của cả gia đình, mấy anh chị của nó đã nghỉ học giữa chừng, nên cũng không muốn cho Minh nghỉ học. Đành phải ráng mà không biết ráng được tới đâu", ông Trung gạt mồ hôi trên trán nói.

Nuôi ước mơ kỹ sư

Với khoản học phí 8 triệu đồng phải đóng cho Trường đại học Cửu Long, Khả Minh không biết phải xoay xở ra sao. Mỗi ngày hai cha con Minh đẩy đất thuê cũng được vài trăm ngàn.

Minh muốn nhận nhiều việc hơn, nhưng do mùa mưa nên năm bảy bữa mới có người thuê làm. Sắp tới không còn được ở nhà và phụ giúp cha nữa nên mỗi khi có người thuê, Minh luôn cố gắng làm nhiều nhất có thể.

Minh cùng cha đi đẩy đất kiếm tiền đóng học phí - Ảnh: THANH HUYỀN

Minh cùng cha đi đẩy đất kiếm tiền đóng học phí - Ảnh: THANH HUYỀN

"Em đã quen làm việc nặng nhọc từ năm lớp 7. Mỗi khi nghỉ hè em ra thành phố Cà Mau làm bốc vác cho nhà xưởng. Cuối ba tháng hè, em cũng được vài triệu đồng để về đóng học phí, sách vở và chi phí ăn uống cho toàn năm học.

Năm nay cuối cấp nên em không đi làm được. Khoản học phí ban đầu phải đóng cho nhà trường là quá sức đối với em", Khả Minh cho biết.

Đã có lúc Minh tưởng chừng như gục ngã, buông xuôi. Tuy nhiên, khi nghĩ tới gia đình, nghĩ tới cha mình vất vả nên Minh cố gắng. Minh chọn ngành công nghệ ô tô vì vừa yêu thích công nghệ, vừa nghĩ ra trường sẽ tìm được việc làm, trang trải cuộc sống, giúp gia đình vượt qua khó khăn.

"Sau khi lên trường em tìm quán cà phê hoặc quán ăn để xin đi làm thêm, vừa tự trang trải cuộc sống, vừa theo đuổi được việc học", cậu học trò nghèo dự tính.

Hy vọng và niềm tin là động lực duy nhất lúc này giúp Khả Minh vượt lên những khó khăn - dẫu có lúc chiếc xe đất của Minh đã rất đầy rất nặng.

Thầy Hồ Chí Tâm - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D9 Trường THPT Thái Thanh Hòa, huyện Đầm Dơi - cho biết: "Minh là một học trò hiếm thấy trong sự nghiệp giáo dục của tôi. Em sẵn lòng giúp các bạn và xông xáo trong các sự kiện của lớp, của trường tổ chức. Vừa rồi, khai giảng năm học mới Minh có quay lại trường thăm và từ giã thầy cô cũ, rất xúc động.

Mong cho một học trò tử tế như Minh được tiếp bước trên con đường học tập để giúp đỡ cho gia đình, đóng góp cho xã hội".

Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 110 sinh viên 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long

Tối nay 21-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ, VTV Cần Thơ, Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 110 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,6 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (10 học bổng, 150 triệu đồng cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long) tài trợ.

Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên đang học tại TP Cần Thơ.

Đây là điểm trao thứ sáu trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 572 của báo Tuổi Trẻ.

Đi đẩy đất nuôi ước mơ trở thành kỹ sư - Ảnh 7.

"Học để tương lai có tiền lo cho mẹ chạy thận"'Học để tương lai có tiền lo cho mẹ chạy thận'

Căn bệnh suy thận mãn tính đã bào mòn sức khỏe khiến mẹ của Hoàng Duy mất khả năng lao động. Thấy mẹ than đau, Duy cũng đau theo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên