21/10/2023 11:57 GMT+7

'Học để tương lai có tiền lo cho mẹ chạy thận'

Căn bệnh suy thận mãn tính đã bào mòn sức khỏe khiến mẹ của Hoàng Duy mất khả năng lao động. Thấy mẹ than đau, Duy cũng đau theo.

Suốt 12 năm qua Lâm Hoàng Duy luôn ân cần chăm sóc mẹ bệnh - Ảnh: LAN NGỌC

Suốt 12 năm qua Lâm Hoàng Duy luôn ân cần chăm sóc mẹ bệnh - Ảnh: LAN NGỌC

Nhà của Lâm Hoàng Duy (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nằm gần cuối một con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe qua lại. Đường hẻm lởm chởm đá, mùa mưa nước "bò" lên ngập qua mắt cá chân.

Mẹ đau con cũng đau

Hôm chúng tôi ghé cũng vừa lúc bà Nguyễn Thị Kim Dung (46 tuổi, mẹ Hoàng Duy) vừa đi chạy thận về. Người bà nhỏ thó gầy nhom, gương mặt nhợt nhạt vì 12 năm qua phải chống chọi với căn bệnh suy thận mãn tính.

Bà Dung kể trước đây làm công nhân may thu nhập cũng được 3-4 triệu đồng/tháng. Ba Hoàng Duy bấp bênh hơn, ai thuê gì làm đó, có khi người ta thuê sửa nhà, chạy xe ôm… kiếm được 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng ráng ăn uống tiết kiệm, gói ghém để dành tiền lo cho con.

"Tôi vẫn nhớ như in ngày thằng bé Hoàng Duy vào lớp 1 cũng là lúc tôi biết mình mắc bệnh suy thận. Mỗi ngày tôi một yếu hơn, không đủ sức khỏe nên buộc phải nghỉ làm công nhân may. Lúc này, mọi chi phí trong nhà cũng như chi phí chạy chữa thuốc thang đều đổ dồn lên đôi vai của cha Hoàng Duy", bà Dung kể.

Nghĩ đến con, bà cố giấu nỗi đau đớn do bệnh tật, cả những lo lắng cho cuộc sống ngày mai của gia đình.

Cứ đều đặn 3 ngày/tuần bà Dung đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ điều trị. Ngoài ra, mỗi ngày bà cũng phải uống thuốc trị suy tim, cao huyết áp. Cứ thế chi phí chữa bệnh cứ đội lên từng ngày.

Vừa xoa bóp tay cho mẹ, Hoàng Duy giọng trầm buồn: "Em thương mẹ lắm! Hồi em còn đi học cấp 1, mẹ bệnh nhưng vẫn ráng chở em đi học bằng xe đạp. Tới giờ em vẫn không quên hình ảnh đó. Thấy mẹ than đau, em cũng đau theo. Mỗi ngày chỉ biết tự dặn lòng cố gắng phấn đấu học thành tài để sau này ra trường có việc làm ổn định để lo cho cha mẹ".

Không muốn mình phải chạy xe ôm, bốc vác bấp bênh

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển của Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Hoàng Duy vui sướng chạy nhanh về khoe với mẹ.

"Em rất thích vẽ, thích tìm tòi khám phá những gì liên quan đến xây dựng và công trình nên quyết định thi vào ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng của Trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Em cũng đang tìm việc làm bán thời gian như phụ quán nước, quán ăn để có tiền trang trải học phí.

Em mong muốn học để có nghề nghiệp ổn định, theo đuổi đam mê, cũng như muốn thay đổi cuộc đời bằng con đường học tập. Không muốn mình phải đi chạy xe ôm, bốc vác rất bấp bênh, làm sao có tiền để chăm sóc cho cha mẹ khi về già", ánh mắt Hoàng Duy ánh lên nét kiên định.

Khó khăn bao nhiêu, Hoàng Duy cố gắng bấy nhiêu, mong một ngày mai cuộc sống đủ đầy hơn, chạy chữa bệnh cho mẹ được chu toàn hơn.

Vì thế không cần ai nhắc nhở, hễ cứ đi học về là em tự nấu cơm, giặt đồ, rửa chén, quét nhà.

Ông Lâm Hoàng Dũng (52 tuổi, cha Hoàng Duy) tâm sự từ ngày vợ đổ bệnh, gia đình thiếu thốn lắm, có lúc muốn cho con nghỉ học luôn, nhưng Hoàng Duy năn nỉ xin đi học tiếp.

"Thấy con ham học như vậy tôi cũng không nỡ để con nghỉ. Tôi làm thuê rồi chiều chiều về tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm. Đa phần tôi chở khách quen đi vòng vòng trong nội ô TP Cần Thơ, thù lao được 20.000 đồng/lượt chở khách", cha Hoàng Duy nói.

Thầy Lê Khắc Lập - giáo viên chủ nhiệm của Hoàng Duy năm lớp 11 và 12, cho biết Hoàng Duy là một học sinh ngoan, chịu khó, tham gia tích cực các phong trào do Trường THPT Phan Ngọc Hiển (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phát động. Duy cũng lễ phép với thầy cô, hòa nhã, thân thiện với bạn bè.

Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 110 sinh viên 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 21-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ, VTV Cần Thơ, Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 110 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,6 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (10 học bổng, 150 triệu đồng cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long) tài trợ.

Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên đang học tại TP Cần Thơ.

Đây là điểm trao thứ sáu trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 572 của báo Tuổi Trẻ.

'Học để tương lai có tiền lo cho mẹ chạy thận' - Ảnh 5.

35 năm "Vì ngày mai phát triển" - Kỳ 1: Thầy Tống và Vì ngày mai phát triển35 năm 'Vì ngày mai phát triển' - Kỳ 1: Thầy Tống và Vì ngày mai phát triển

Niên học 2023 đánh dấu hai cột mốc quan trọng của Tuổi Trẻ: 35 năm chương trình Vì ngày mai phát triển, và Tiếp sức đến trường - lớn lên từ Vì ngày mai phát triển lần thứ 165 - đã tròn 20 năm. Bao ước mơ học hành của bạn trẻ đã được chắp cánh...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên