Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV khai mạc vào thứ hai tuần tới (23-10), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội) sửa đổi trong bối cảnh thời gian qua vì kinh tế khó khăn, mà nhiều người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết một số vấn đề trước mắt.
Đáng chú ý tại dự thảo trình Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp, Chính phủ tiếp tục đưa ra hai phương án liên quan vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên nhìn xa hơn, nhiều ý kiến cho rằng tốt nhất là đảm bảo đời sống người lao động để người lao động không phải đi đến quyết định cực chẳng đã phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Vì sao có 2 phương án?
Theo ông Nguyễn Duy Cường - vụ phó Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, qua thống kê, giai đoạn 2016 - 2022 có tới gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, số người tham gia trở lại chỉ là 1,3 triệu người. Trong đó, chủ yếu người rút bảo hiểm xã hội còn trong độ tuổi lao động (chiếm 99% trong số 5 triệu người nói trên).
Trước tình trạng đó, ông Cường cho rằng cần có giải pháp căn cơ để bảo đảm an sinh xã hội, cuộc sống về già cho người lao động. Do vậy, luật sửa đổi sẽ bổ sung nhiều quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng.
Như dự thảo giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả khi hưởng trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ tín dụng khi mất việc chưa tìm được việc mới...
Về phương án 2, ông Cường phân tích việc cho rút bảo hiểm xã hội một lần tối đa 50% giúp người lao động giải bài toán khó khăn kinh tế trước mắt song vẫn đảm bảo an sinh khi về già. Đồng thời, nếu số rút cao hơn mức trần 50% thì phần bảo lưu rất thấp, có thể dẫn tới lương hưu thấp.
Trong khi đó, số rút thấp hơn đề xuất thì gây phản ứng, không đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, quy định trên còn giải quyết thắc mắc phần trách nhiệm 14% mà doanh nghiệp đóng hằng tháng cho người lao động có phải tiền đóng của chủ sử dụng lao động hay không.
Tạo tâm lý an tâm suốt đời lao động
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho biết thực tế trên thế giới hiện nay không có quốc gia nào cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như ở Việt Nam.
Do đó qua lần sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội này, bà Thúy nêu rõ cần đưa ra giải pháp để khắc phục thực tế này nhằm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội về sau cho người lao động.
Về dự luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bà Thúy cho hay qua lấy ý kiến, hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở, công nhân, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội đều đề nghị phương án 1, tức người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được áp dụng theo luật hiện hành, tức là vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Còn những người tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực sẽ không được rút, trừ một số trường hợp cụ thể. Những người chưa đóng đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ được nhận mức trợ cấp hằng tháng.
"Phương án 1 sẽ đáp ứng được mục tiêu cho khoảng 20 - 30 năm tới sẽ không còn câu chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần để đảm bảo an sinh xã hội. Còn với phương án 2, việc cho rút bảo hiểm xã hội một lần tối đa 50% và giữ lại 50% vẫn chưa thực sự rõ ràng", bà Thúy nói.
Bà Thúy cũng cho rằng nên nghiên cứu để có thêm các điều khoản ưu đãi cho những người tham gia bảo hiểm xã hội suốt đời lao động. Trong đó có thể xem xét việc người lao động không rút bảo hiểm xã hội lần nào thì được hưởng mức lương hưu cao hơn mức tối đa 75%.
Đồng thời nên có khoản thưởng 5 - 7% mức hưởng lương hưu để tạo sức hấp dẫn, giúp người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội trong suốt đời lao động, an tâm khi về hưu.
"Các chính sách đi kèm cho người lao động phải cao hơn rất nhiều người đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần và phải làm cho họ về hưu là an tâm, không phải lo lắng gì", bà Thúy nhấn mạnh.
Cần lấy thêm ý kiến người lao động, công đoàn
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho hay hai phương án mà Chính phủ chính thức trình Quốc hội không có điểm gì mới hơn so với khi lấy ý kiến dự thảo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông tiếp tục cho rằng với phương án 1 cho thấy những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật sửa đổi có hiệu lực có thể sẽ được hưởng chính sách khác so với người lao động tham gia sau. Do đó cần đánh giá tác động rất kỹ càng, lấy ý kiến của những người lao động, tổ chức công đoàn để xem quan điểm của họ về phương án này như thế nào.
Điều này, theo ông Nghĩa, sẽ tránh cho việc quy định được đưa ra không nhận được sự đồng thuận của người lao động, thậm chí kéo theo việc suy giảm niềm tin, dẫn đến họ lại ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần. Với phương án 2, theo ông, đề xuất đưa ra chưa thực sự thuyết phục.
Vì thế cần tính đến phần tiền chủ sử dụng lao động, người lao động đóng vào quỹ hưu trí và tách thành hai phần, trong đó một phần cứng và một phần mềm.
Đối với phần cứng, người lao động sẽ không được rút, còn với phần mềm sẽ coi như một khoản tiết kiệm của người lao động và sẽ được rút bất cứ lúc nào.
Ông Nghĩa cũng tiếp tục nêu đề xuất nên tính toán quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần theo lứa tuổi. Trong đó với những người lao động trên 40 tuổi có thể tính xem xét lại điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần sau sáu tháng nghỉ việc, mất việc mà không tìm được việc làm lại.
Với những người dưới 40 tuổi cần kéo dài thời gian ra để khuyến khích họ quay trở lại thị trường lao động.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng thông tin việc mới đây Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có nghiên cứu về tính an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó có quỹ hưu trí. Qua nghiên cứu cho thấy với các quy định hiện hành quỹ vẫn đảm bảo. Vì vậy cần cân nhắc thêm việc hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ông cũng nhấn mạnh hiện nay do quá khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác nên người lao động mới phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, có thể nghiên cứu cho người lao động thế chấp thời gian đóng bảo hiểm xã hội để vay vốn tạo việc làm, làm ăn.
Hoặc có thể cộng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với đóng tự nguyện để hưởng hưu trí về sau.
Hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Phương án 1: dành cho hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Chỉ giải quyết trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.
Phương án 2: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà có nhu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Tích hợp cả 2 phương án?
Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng chính sách hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần chính là nhằm đảm bảo an sinh lâu dài của người lao động.
Hai phương án đưa ra đều có ưu và khuyết, đồng thời có thể nhận phản ứng của người lao động. Do đó cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được đây là chính sách nhằm đảm bảo cho cuộc sống về già của người lao động.
Với phương án 1, ông Huân cho rằng số người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể vẫn gia tăng, trong khi tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội lại tăng rất chậm, làm cho lưới an sinh rất mỏng.
Với phương án 2 cũng có điểm chưa thuyết phục nên có thể tích hợp cả hai phương án trên.
Với người tham gia trước thời điểm luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025) thì được rút 8% đã đóng, còn lại tích lũy để hưởng lương hưu. Người tham gia từ sau năm 2025 không được rút bảo hiểm xã hội nữa.
Chính sách điều chỉnh dần, từ cho rút có mức độ tới đóng lại, tránh gây cú sốc khiến người lao động phản ứng như trước đây.
Bên cạnh đó, trong lúc chờ sửa luật, để giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội, ngăn dần tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Huân cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng, đảm bảo bù đắp trượt giá, đầu tư sinh lời, làm cho mức lương hưu tăng dần lên.
Bên cạnh đó, với những người lao động gặp khó khăn nên xem xét có chính sách hỗ trợ, vay tín dụng ưu đãi, thậm chí trợ cấp.
Luật còn cho rút thì nhiều người vẫn rút
Ông Nguyễn Phước Đại, chủ tịch công đoàn một công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM), cho hay hiện nay nhiều công nhân công ty ông đang chờ chốt phương án về rút bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội) một lần để "chạy" trước.
"Công nhân phần lớn không phải là người ở TP.HCM. Họ luôn có suy nghĩ là sẽ không bám trụ lâu dài ở TP vì còn ruộng vườn, cha mẹ ở quê và sớm muộn cũng sẽ về quê. Vì vậy nhiều người sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần mỗi khi họ thay đổi công việc, chuyển sang công ty khác", ông Đại nói.
Theo ông Đại, thực tế là luật bảo hiểm xã hội còn cho rút thì nhiều người vẫn sẽ tiếp tục rút bởi vì lâu nay nhiều người có thói quen trông chờ vào khoản tiền này mỗi khi cần một khoản chi tiêu khá lớn như mua xe máy, cho con vào đại học... Giữa hai phương án đang được cân nhắc, ông Đại cho rằng phương án 1 sẽ tốt hơn.
"Nếu theo phương án 2 cho rút 50% thì sẽ dở dở ương ương. Vì nhiều người lao động có mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, rút ra 50% cũng không đủ giải quyết chuyện trước mắt. Để lại 50% thì lương hưu sau này cũng chẳng là bao.
Chọn phương án nào thì cũng sẽ có không ít lao động muốn nghỉ việc và rút trước khi quy định có hiệu lực. Nhưng thà đau một lần rồi thôi. Nếu chọn phương án 1, những người đã có kế hoạch rút khoản tiền này trước đó rồi thì để họ được rút, còn ai không muốn rút thì họ giữ lại hưởng lương hưu", ông Đại nói thêm.
Cũng đồng tình với phương án 1, ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức), cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội trong một thời gian dài không có sự ổn định mà thay đổi liên tục dẫn đến việc người dân lo ngại và muốn rút bảo hiểm xã hội một lần với cái lý "tiền mình mình giữ cho chắc ăn".
Do đó người lao động sẽ không đồng tình với quy định "rút 50%, để lại 50%". Không ít ý kiến cũng cho rằng trong tương lai nếu các chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục được cải thiện tốt hơn, người lao động được đóng bảo hiểm xã hội trên mức thu nhập cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn thì người dân sẽ trông chờ vào khoản lương hưu.
"Có thể lấy chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) là một ví dụ. Ban đầu nhiều người cũng không tự nguyện mua nhưng rồi quá trình khám chữa bệnh không có BHYT rất tốn kém, họ thấy mua BHYT có lợi nên họ tự giác mua.
Nhưng ốm đau, bệnh tật trước mắt, người dân có thể thấy được ngay. Còn lương hưu thì phải chờ già mới biết nên họ không thấy được cái lợi, cái hại", ông Đại chia sẻ.
Người lao động nói gì?
Chị Kim Trang (công nhân may tại quận 12, TP.HCM): Tôi ở quê lên làm việc ở công ty may hơn 10 năm rồi. Công việc ở công ty đều đều, đủ cho hai vợ chồng xoay xở ở trọ, nuôi con nên cũng chưa nghĩ tới việc rút bảo hiểm xã hội một lần bao giờ.
Tuy nhiên, nếu không được rút nữa hoặc chỉ cho rút 50% theo luật mới thì tôi sẽ nghỉ việc để rút khoản đó ra. Sau này đi làm lại, không được rút nữa thì để lại lãnh lương hưu.
Chị Thúy (quê Yên Bái): Tôi từng rút bảo hiểm xã hội một lần khi rời công ty FDI của Hàn Quốc cách đây bảy năm. Số tiền gần 60 triệu đồng khi đó chỉ đủ trả nợ xây nhà dưới quê. Sau đó, tôi đi làm công nhân tại một doanh nghiệp của Nhật Bản.
Nghĩ tới cảnh phải tự trả tiền túi vài triệu đồng mỗi lần đi viện bây giờ, tôi tiếc vì giá như trước đây chỉ rút 50%, còn 50% để lại để tham gia về sau. Nếu được chọn lại, tôi sẽ chỉ rút một phần.
Anh Trọng (công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội): Tôi mong có thêm chính sách vay lãi suất thấp, thậm chí không có lãi, trong 2-3 năm để ổn định cuộc sống.
Tuổi nghỉ hưu đã tăng, sức khỏe và năng suất làm việc giảm theo năm tháng nên mức lương có thể giảm, kéo theo mức đóng bảo hiểm xã hội giảm, lương hưu thấp khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
Vì vậy chắc phải rút một lần để dành một phần gửi ngân hàng, phần còn lại mở cửa hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận