06/04/2024 09:20 GMT+7

Để dân tôn trọng, cán bộ phải làm gì?

Không ít công chức đã được dân tôn trọng. Sự tôn trọng và hài lòng của người dân đối với nền công vụ chính là cách mỗi cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc với tinh thần trách nhiệm công vụ cao nhất.

Người dân đánh giá mức độ hài lòng khi làm thủ tục hành chính tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân đánh giá mức độ hài lòng khi làm thủ tục hành chính tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội thảo về đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030, có ý kiến nêu thực trạng cán bộ, công chức đang gặp áp lực do không được người dân tôn trọng.

Vậy cán bộ cần phải làm gì để dân tôn trọng?

* Bà Trương Minh Kiều (chủ tịch UBND quận 5):

Cán bộ, công chức phải ý thức được trách nhiệm

Để dân tôn trọng, cán bộ phải làm gì?- Ảnh 2.

Tôi muốn nói nhiều hơn về trách nhiệm của cán bộ, công chức. Muốn người dân tôn trọng, trước hết mỗi cán bộ, công chức phải biết ý thức và trách nhiệm công vụ. Trách nhiệm đó gồm thực thi công vụ đúng quy định, trách nhiệm với nhân dân.

Thời điểm này, khi TP trong giai đoạn thay đổi, xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài công việc hằng ngày, cán bộ, công chức còn tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ nhân dân, khối lượng công việc tăng nhiều lần.

TP thực hiện chủ trương tinh giản biên chế trong khi công cụ hỗ trợ cho công chức, viên chức chưa đảm bảo nên tác động tâm lý, áp lực cho cán bộ, công chức cơ sở.

Vì vậy, bên cạnh mỗi cán bộ, công chức nâng cao ý thức, trách nhiệm, để tạo động lực cho cán bộ, công chức cần đảm bảo tránh rủi ro pháp lý, đảm bảo sự tôn trọng trong thực thi công vụ. Có chính sách lương đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của công dân tại đô thị.

* TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Lòng tin bị xói mòn thì mất đi sự tôn trọng

Để dân tôn trọng, cán bộ phải làm gì?- Ảnh 3.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một bộ phận người dân có tâm lý không còn tôn trọng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực tế hiện nay nhiều cán bộ đang có biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, nhiều vụ việc cán bộ giữ chức vụ cao vi phạm pháp luật bị xử lý ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

Và một khi lòng tin của người dân với cán bộ bị xói mòn thì mất luôn sự tôn trọng.

Một nguyên nhân khác do hiệu ứng truyền thông thông qua mạng xã hội. Bên cạnh những thông tin tích cực, mạng xã hội còn lan truyền nhiều thông tin tiêu cực về hình ảnh của cán bộ, công chức.

Đáng chú ý là những thông tin dạng này thường được chia sẻ rất nhanh chóng, tạo hiệu ứng xã hội, tác động rất lớn đến nhận thức của người dân lâu dần tạo thành định kiến.

Ở khía cạnh khác, rõ ràng hiện nay đội ngũ cán bộ đang gặp áp lực lớn về đời sống kinh tế, mức thu nhập không đủ để họ yên tâm công tác. Đây là nguyên nhân dẫn đến các hành vi nhũng nhiễu.

Bên cạnh đó, văn hóa công vụ tại một số cơ quan, đơn vị hiện nay vẫn còn yếu. Các giá trị, chuẩn mực đạo đức, các quy tắc giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức với người dân còn chưa tốt khiến người dân bức xúc.

"Con sâu làm rầu nồi canh" nhưng không phải cán bộ, công chức nào cũng xấu. Cả hệ thống đều xấu thì đất nước không thể nào phát triển như thời gian qua. Cần truyền thông các giá trị tích cực, tốt đẹp của đội ngũ cán bộ, công chức đến người dân.

* TS NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):

Không ít cán bộ còn gây khó dễ với dân

Để dân tôn trọng, cán bộ phải làm gì?- Ảnh 4.

Ở một số địa phương, cơ quan vẫn có cán bộ chưa thực sự làm việc vì dân. Một số cán bộ khi giải quyết công việc không coi trọng người dân, hạch sách, gây khó dễ, thậm chí có cả hành vi tiêu cực, vòi vĩnh.

Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong thời gian qua cũng dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Điều này dẫn tới việc giải quyết các thủ tục hành chính của người dân bị chậm trễ hay ngại, lừng khừng không muốn làm, đùn đẩy việc giải quyết...

Từ những điều này dẫn đến cái nhìn của người dân với một bộ phận cán bộ, công chức thiếu thiện cảm. Trong mắt người dân, những cán bộ "hành dân" này cũng không khác gì các cán bộ vi phạm bị xử lý trong thời gian qua. Họ cho rằng sớm muộn gì những người cán bộ đó sẽ bị xử lý nên không cần có sự tôn trọng.

Để giải quyết vấn đề này cần quán triệt đến từng cán bộ, công chức trong tác phong, thái độ làm việc phải đúng, làm vì cái chung, không được lấy việc công để có tiêu cực. Đồng thời không nên có thái độ làm việc theo kiểu sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Rà soát lại các văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, thống nhất giúp cán bộ yên tâm làm việc, giải quyết cho người dân.

* Chị Thúy Hạnh (người dân sinh sống ở TP.HCM):

Muốn dân tôn trọng thì phải tôn trọng dân

Cán bộ muốn được người dân tôn trọng trước hết cán bộ phải tôn trọng người dân. Vừa qua, tôi có đến một phường tại quận tôi đang ở để xin giấy giới thiệu đến Công an TP.HCM thay đổi con dấu nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Cán bộ này liên tục lớn tiếng rằng "ai kêu chị phải đi làm giấy giới thiệu? Tại sao chị phải thay đổi, liên quan gì đâu mà chị phải thay đổi?". Tôi phải giải thích đây là hướng dẫn của Công an TP.HCM, không phải tôi tự nghĩ ra để làm thủ tục thay đổi con dấu.

Tuy nhiên, cán bộ này chỉ nghe được một nửa là bắt máy gọi điện thoại cho một cán bộ của UBND quận hỏi trường hợp của tôi có phải thay đổi hay không.

Sau cuộc gọi đó, cán bộ này quay qua lớn tiếng là không cần thay đổi, "chị đi về đi". Do đã nắm rõ nội dung vì sao phải thay đổi con dấu nên tôi tiếp tục giải thích, cán bộ mới hiểu ra, yêu cầu tôi về và bảo phường sẽ nghiên cứu báo lại sớm.

Nói ra câu chuyện này để nói khi người dân cần mới tìm tới cán bộ. Nếu người dân chưa hiểu quy định thì cán bộ giải thích, chứ không nên vặn vẹo thiếu tôn trọng người dân như thế.

Chỉ cần cán bộ chịu lắng nghe, hướng dẫn tận tình thì cả đôi bên đều nhẹ nhàng, cán bộ không phải mất nhiều thời gian để tiếp công dân.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị các cấp cần quán triệt quy tắc ứng xử với công dân đến cán bộ. Người dân đến làm thủ tục hành chính nếu có thắc mắc nên giải thích chi tiết, đầy đủ, tránh trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần.

Để nền công vụ TP.HCM hiệu quả: Để nền công vụ TP.HCM hiệu quả: 'Cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm'

PGS Trần Ngọc Anh cho rằng muốn nền công vụ của TP.HCM hoạt động hiệu quả thì thu nhập cán bộ phải đủ sống, tạo môi trường pháp lý để cán bộ sáng tạo. Cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên