04/04/2024 10:51 GMT+7

Để nền công vụ TP.HCM hiệu quả: 'Cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm'

PGS Trần Ngọc Anh cho rằng muốn nền công vụ của TP.HCM hoạt động hiệu quả thì thu nhập cán bộ phải đủ sống, tạo môi trường pháp lý để cán bộ sáng tạo. Cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo khoa học - Ảnh: T.T.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo khoa học - Ảnh: T.T.

Sáng 4-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo khoa học về đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030.

Sở Nội vụ thành phố đã phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển tổ chức nghiên cứu, xây dựng các nội dung cơ bản, trọng tâm của dự thảo đề án. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; giải pháp về xây dựng đội ngũ công chức, viên chức của thành phố ngang tầm nhiệm vụ; giải pháp xây dựng môi trường, không gian của nền công vụ, tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo.

Góp ý dự thảo đề án, PGS Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Hoa Kỳ) - cho rằng TP.HCM xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước, để đầu máy mạnh thì nền công vụ có vai trò rất quan trọng, không chỉ với TP.HCM mà cho cả nước.

Theo chuyên gia này, hiện cơ chế trao cho TP.HCM dù có đặc thù nhưng chưa đủ để thành phố làm được. Trung ương cần coi việc cải cách nền công vụ cho một thành phố đầu tàu là đột phá, phải có sự đồng hành, ủng hộ cùng thành phố.

Ông cho rằng có ba điều kiện cần và ba điều kiện đủ để nền công vụ hiệu lực, hiệu quả.

Ba điều kiện cần là: thu nhập của cán bộ phải đủ sống để tạo động lực; nâng cao công tác giải trình của bộ máy và tạo môi trường pháp lý cho cán bộ làm việc, hiện có nhiều lo ngại cản trở sáng tạo.

Phân tích cụ thể về khía cạnh thu nhập, ông Trần Ngọc Anh cho rằng địa phương phải làm trung tâm sáng tạo, có sự chủ động. Trung ương cần giao cho thành phố một số quyền về phân bổ lương, biên chế, nguồn thu.

Về hoạt động giải trình, cốt lõi là phải có hệ thống đánh giá từng đơn vị, cơ quan của thành phố. Phải có hệ thống đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ từng đơn vị, từng cán bộ, từng nhóm công việc được giao, tổng hợp báo cáo hằng tháng, hằng quý. Đồng thời phải đo được mức độ hài lòng của người dân, tạo trách nhiệm giải trình của đội ngũ.

Về không gian pháp lý, đây là cơ sở để cán bộ làm việc nhưng hiện Việt Nam thiếu các cơ quan giải nghĩa pháp lý, tạo ra nhiều điểm mờ khiến cán bộ khó làm. Đồng thời phải luật hóa chính sách thí điểm, bảo vệ sự sáng tạo để đội ngũ mạnh dạn làm việc.

Ba điều kiện đủ để cán bộ làm việc là: có năng lực, có động lực và có không gian làm việc. Trong đó, vấn đề thu nhập, giải trình, môi trường pháp lý tác động đến các trụ cột nào. Muốn bộ máy hoạt động được thì công chức phải muốn làm, làm được (có năng lực) và được làm (có không gian).

Không phải viết đề án cho hay, mà phải xây dựng nền công vụ tiên tiến

Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng yêu cầu xây dựng nền công vụ, nền hành chính tiên tiến phục vụ người dân là kim chỉ nam của sự phát triển. Qua hội thảo, ông Mãi mong muốn tham khảo các kinh nghiệm quốc tế và trong nước để xác định mô hình nền công vụ phù hợp, hiệu quả.

"Từ xác định được mô hình thì chuẩn lại các quy trình, quy định để vận hành, đi liền với đó là tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, hiện đại hóa nền công vụ, các điều kiện đảm bảo thực thi chính sách", ông Mãi nói.

Mục tiêu của TP không phải viết đề án cho hay, mà phải xây dựng được nền công vụ tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo sự phát triển của TP, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Nói thêm, ông Mãi cho rằng trung ương đã nhận thấy sự năng động, tiềm năng và quy mô phát triển của TP.HCM. Thời gian qua, trung ương đã trao cho TP nhiều cơ chế chính sách đặc thù như nghị quyết 98.

Tuy nhiên với nhu cầu vận hành và phát triển, TP cần có những chính sách vượt khung, cần xin trung ương một khung pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của TP.

Đề án nền công vụ TP.HCM: Cơ chế nào ngăn những thủ tục lòng vòng?Đề án nền công vụ TP.HCM: Cơ chế nào ngăn những thủ tục lòng vòng?

Cần có cơ chế buộc người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị để giải quyết hồ sơ nhanh nhất cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cần đưa vào dự thảo đề án nền công vụ TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên