05/04/2024 07:09 GMT+7

'Đặt cọc' chỗ học trường tư ở Hà Nội: Từ vài triệu tới vài chục triệu đồng

VĨNH HÀ
và 1 tác giả khác

Khoản phí "ghi danh" và "giữ chỗ" khi nộp hồ sơ vào lớp 10 trường tư ở Hà Nội từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.

Trường THCS - THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trường THCS - THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đây là khoản tiền không hoàn trả nếu học sinh từ chối nhập học.

Phong phú mức tiền

Hầu hết các trường tư thục trong thông báo công khai tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 đều nêu rõ các khoản tiền, gồm khoản đóng một lần khi nhập học và các khoản đóng góp theo năm học.

Trong số khoản tiền đóng một lần có phí đăng ký xét tuyển khoảng 400.000 - 500.000 đồng/hồ sơ, khoản ghi danh từ 1-2 triệu đồng/học sinh. Riêng khoản "giữ chỗ" hay có nơi gọi là "phí nhập học" thì khá phong phú về mức tiền: từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/học sinh.

Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) thông báo phí nhập học lên tới 23 triệu đồng/học sinh. Số tiền này bằng 3 tháng học phí của trường. Trường THCS&THPT Lý Thái Tổ thu phí ghi danh 1 triệu đồng và phí đặt chỗ 10 triệu đồng với một học sinh đăng ký nhập học.

Theo một phụ huynh đã đăng ký cho con vào trường này, sau khi xét hồ sơ đủ điều kiện trúng tuyển, trường sẽ có thư mời ghi danh. Các trường hợp nhận được thư sẽ phải làm thủ tục nhập học trong thời hạn quy định và đóng các khoản tiền ghi danh, đặt chỗ.

Mức phí nhập học hay còn gọi là phí giữ chỗ, đặt chỗ của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh là 15 triệu đồng/học sinh, Hệ thống giáo dục Newton là 12 triệu đồng/học sinh, Trường THPT Hà Nội Academy (Tây Hồ) là 20 triệu đồng, Trường THCS - THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) là 5,9 triệu đồng.

Trường nói do "ảo" quá lớn

Quy định các mức phí ghi danh, đặt chỗ cao, mỗi trường có cách ứng xử khác nhau với các trường hợp "đóng tiền nhưng không nhập học". Trường THCS - THPT Lômônôxốp ngay dưới thông tin về khoản phí nhập học đã lưu ý phụ huynh cần cân nhắc kỹ.

Chỉ khi chắc chắn mới nên làm thủ tục nhập học để tránh làm mất cơ hội của những học sinh khác muốn vào trường, khiến công tác tuyển sinh gặp khó khăn vì "ảo" quá lớn.

Trường Lômônôxốp cũng thông tin cụ thể, với những học sinh nhập học, khoản phí nhập học sẽ được tặng lại cho học sinh để chi vào các khoản: tiền xây dựng trường, tiền đồng phục, tiền sách tin học, tài chính quốc tế, tiếng Anh chuyên gia, chi phí học quân sự, chương trình phòng vệ thông minh...

"Học sinh đã làm thủ tục nhập học nhưng không vào học, trường sẽ hoàn trả toàn bộ tiền đã đóng, trừ phí kiểm tra đầu vào" - ông Nguyễn Quang Tùng, hiệu trưởng Trường Lômônôxốp, khẳng định.

Tuy nhiên, đa số các trường khác nêu rõ trong thông báo tuyển sinh là sẽ không hoàn trả các khoản phí xét tuyển, ghi danh, phí nhập học (hay còn gọi là phí đặt chỗ, giữ chỗ).

"Không hoàn trả và không chuyển nhượng dưới mọi hình thức khoản phí này", Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) nêu rõ ngay dưới quy định về mức thu trị giá 23 triệu đồng/học sinh.

Trên thực tế, không chỉ không hoàn trả tiền đã đóng, nhiều trường tư ở Hà Nội các năm trước còn tìm cách giữ học sinh. Nhiều trường hợp vì lo lắng nên đã đăng ký nhập học trường tư, nhưng sau đó lại thi đỗ vào trường công, nhưng gặp khó khăn vì bị giữ học bạ không rút được.

Phụ huynh "mua sự yên tâm"

Trong số những phụ huynh đăng ký cho con vào trường tư, số xác định chắc chắn sẽ lựa chọn trường tư không nhiều, phần lớn đây chỉ là phương án dự phòng.

Nhiều phụ huynh chia sẻ nỗi lo khi chỉ có 60% học sinh tốt nghiệp THCS đỗ vào lớp 10 công lập. Vì thế họ muốn tìm một trường tư để "chống trượt".

"Nếu con đỗ trường công lập, tôi chấp nhận mất khoản tiền đặt chỗ", một phụ huynh nói. Tâm lý "chấp nhận mất tiền" này khá nhiều, xem như bỏ tiền "mua sự yên tâm". Nhưng cũng có những phụ huynh phải cân nhắc vì phí đặt chỗ của một số trường năm nay bị tăng lên quá cao.

Giải thích về việc thu phí đặt chỗ cao và công bố không hoàn lại trong mọi trường hợp, hầu hết lãnh đạo các trường đều cho rằng đó là cách để "giảm tình trạng ảo".

"Phụ huynh học sinh cũng cần có trách nhiệm khi đăng ký vào trường, thể hiện bằng khoản phí nhập học. Vì nếu không có gì ràng buộc, ai cũng đăng ký rồi rút thì trường sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh", một lãnh đạo trường tư chia sẻ.

Các mùa tuyển sinh trước, nhiều trường tư bị "ảo" rất lớn, có đến 30-40% số học sinh đã làm thủ tục nhập học lại rút ra. Thậm chí có trường "thất thoát" tới 50%.

"Mùa tuyển sinh nào cũng "đau tim" vì phương án xét tuyển. Nếu tuyển đủ chỉ tiêu thì cầm chắc con số học sinh vào học thật sẽ hụt nhiều so với chỉ tiêu. Nhưng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu, nếu không tính toán kỹ thì có thể lại bị vượt rào và bị xử lý kỷ luật" - hiệu trưởng một trường tư nói.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - cho rằng việc các trường thu phí nhập học đều vì mong muốn ổn định việc tuyển sinh, hạn chế "ảo". Dù vậy, cần áp dụng mức thu phù hợp.

TP.HCM: muốn vào trường tư nổi tiếng cũng phải "cọc"

Tại TP.HCM, tình hình có vẻ "dễ thở" hơn vì có khá nhiều trường ngoài công lập chất lượng cao. Đặc biệt, hầu hết các quận, huyện ở TP.HCM đều có trường ngoài công lập. Tuy vậy, với một số trường nổi tiếng, phụ huynh vẫn phải "cọc" trước để giữ chỗ.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, số tiền "cọc" để được vào học lớp 10 ở các trường tư thục nổi tiếng trên địa bàn TP.HCM từ 5 triệu đến 25 triệu đồng tùy từng trường. Khoản tiền này trong phiếu biên nhận thu tiền được gọi là học phí ban đầu.

Nếu học sinh vào học chính thức thì khoản học phí ban đầu sẽ được khấu trừ vào học phí chính thức. Nếu học sinh không làm thủ tục nhập học thì coi như mất khoản học phí ban đầu.

Được biết, ở TP.HCM, các trường ngoài công lập đã đẩy mạnh "chiến dịch" giới thiệu, quảng cáo về trường từ tháng 2-2024. Trong đó, những học sinh đăng ký và đóng tiền "cọc" giữ chỗ trước ngày 30-5 sẽ được giảm học phí khi vào học chính thức.

Bên cạnh đó, với một số ít trường tư thục nổi tiếng thì việc "cọc" chỉ để giữ chỗ học hè. Ở những trường này, sau khi dạy hơn 2 tháng hè, trường cho học sinh làm bài kiểm tra. Những học sinh đạt được mức điểm theo đúng tiêu chuẩn của trường đưa ra mới được nhận vào học.

Sở GD-ĐT Hà Nội: Không được bắt buộc nộp tiền giữ chỗ

Trước thực tế trên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản chấn chỉnh, trong đó nêu các trường không được bắt buộc cha mẹ học sinh nộp tiền giữ chỗ hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định, gây khó khăn, bức xúc.

Tuy nhiên, không có trường tư nào điều chỉnh, cắt khoản phí giữ chỗ. "Khoản phí nhập học được công bố công khai, nêu rõ sẽ khấu trừ vào các khoản nào nếu học sinh vào học. Còn không học thì không được hoàn trả.

Phụ huynh đã nắm được thông tin, cân nhắc và tự nguyện nộp tiền chứ trường không ép buộc", một đại diện trường tư lý giải cho việc không làm sai quy định.

Muốn giữ chỗ vào đại học, xin hãy... đặt cọcMuốn giữ chỗ vào đại học, xin hãy... đặt cọc

TTO - Ngoài lệ phí xét tuyển, một số trường đại học yêu cầu thí sinh đóng tiền đặt cọc giữ chỗ để được xét tuyển hoặc ưu tiên xét tuyển vào trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên