Sáng 25-4, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức họp phiên toàn thể lần thứ 14, cho ý kiến thẩm tra báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, các tháng đầu năm 2024 dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới.
Quản lý thị trường vàng còn bất cập
Trong báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường vàng được đánh giá là quản lý còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn.
Dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phản ánh ý kiến cho rằng tỉ giá USD có xu hướng tăng và dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị.
Cùng với đó, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành "thị trường ngầm" về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.
Nhất là hành vi ưa thích vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng.
Nêu ý kiến thảo luận tại đây, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng SJC là đúng, kịp thời. Tuy nhiên, quan trọng là thị trường cần phải được quản lý tốt hơn.
Ông cho rằng chênh lệch giá vàng không phải chuyện lớn mà quan trọng công tác quản lý thế nào? Hiện nay cứ nói giá vàng cao, ví dụ giá ngày hôm nay là 80,82 triệu đồng/lượng nhưng không biết khối lượng bán ra là bao nhiêu.
Từ đó, ông đề nghị tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ. Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm kinh doanh, lúc đó sẽ không có tình trạng thao túng.
"Với công nghệ hiện nay, tất cả khối lượng bán ra ở các cửa hàng đều có máy cập nhật, không quá khó. Làm được việc này sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.
Khi nào nhu cầu vàng SJC quá lớn Nhà nước tổ chức đấu thầu, lợi ích sẽ vào Nhà nước. Nhà nước không mong lợi ích ở đây nhưng cần bình ổn và ngăn trục lợi", ông Thịnh nêu thêm.
Ông Thịnh cũng dẫn chứng với mặt hàng xăng dầu, trước đây cửa hàng kinh doanh khi không có hóa đơn và quản lý qua máy móc, xăng dầu lậu có thể bớt xén trong chính đơn vị nhà nước.
Phải quản lý khối lượng giao dịch
Trao đổi thêm với báo chí, đại biểu Thịnh nhấn mạnh yêu cầu về quản lý khối lượng giao dịch và công khai cho người dân biết.
Ông cho rằng diễn biến thị trường vàng có ảnh hưởng nhiều hay không nhiều đến nền kinh tế cần phải có khối lượng giao dịch cụ thể. Vì thế cần có quy định về quản lý khối lượng trong ngày. Còn hiện nay thông tin rất mù mờ, chỉ biết giá mà không biết khối lượng đi theo.
Phải biết khối lượng mới ra được quy mô giao dịch, từ đó đưa ra được quyết định chính sách phù hợp. Mà phần mềm quản lý đó rất dễ, Nhà nước có thể cấp miễn phí cho các nơi kinh doanh vàng, từ đó quản lý được toàn bộ khối lượng giao dịch.
"Thông tin hiện nay chưa đủ để Nhà nước ra quyết định. Nhưng không nên có tư tưởng đẻ ra thêm tín chỉ vàng, vàng hóa nền kinh tế mà nên thay đổi cách quản lý", ông Thịnh nhấn mạnh.
Đại biểu này khẳng định việc quản lý khối lượng giao dịch vàng không chỉ đơn giản về mặt kỹ thuật mà còn không hề ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh. Bởi vàng là hàng hóa đặc biệt cần phải quản lý chặt.
Cũng trao đổi trước đó với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Thịnh cho hay ngoài có thông tin, dữ liệu thật về thị trường thì việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo minh bạch, chấp hành pháp luật trong kinh doanh, nhất là về thuế của thị trường vàng là rất cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận