14/07/2017 08:24 GMT+7

Cử nhân đi phục vụ quán cà phê, massage

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

​TTO - Ông Nguyễn Bằng Toàn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nghệ An, nêu ra thực tế này khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An ngày 13-7 về vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Người lao động Nghệ An chụp hình làm hộ chiếu để đi xuất khẩu lao động - Ảnh: Doãn Hòa
Người lao động Nghệ An chụp hình làm hộ chiếu để đi xuất khẩu lao động - Ảnh: Doãn Hòa

Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng (H.Nam Đàn) cho rằng thời gian qua công tác quản lý xuất khẩu lao động ở Nghệ An chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng chênh lệch chi phí đi xuất khẩu lao động giữa cùng một ngành nghề, một nước, làm ảnh hưởng đến tâm lý người lao động.

Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ mặc người lao động sau khi tuyển dụng đưa đi lao động nước ngoài.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn cho biết hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 50 đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động hoạt động hợp pháp và mỗi năm đưa được khoảng 12.000 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Tuy vậy, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp làm sai, gây mất niềm tin của người dân như ở các huyện Thanh Chương và Quế Phong gần đây, khi doanh nghiệp thu tiền của người dân nhưng lại không đưa họ đi xuất khẩu lao động như lời cam kết.

“Hiện ngành lao động đã làm việc với các doanh nghiệp và đề nghị họ hoàn trả tiền cho người dân. Nếu họ không hoàn trả được tiền sẽ chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý” - ông Toàn khẳng định.

Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động trẻ, ông Toàn nêu thực tế đáng buồn khi ngành lao động đi khảo sát: “Có em tốt nghiệp trường cao đẳng ra không tìm được việc làm phù hợp phải đi phục vụ ở quán cà phê hay có cử nhân đại học làm ở quán massage. Đây là thực tế có thật khi nhiều em không tìm được việc làm theo ngành nghề được đào tạo”.

Ông Toàn thông tin trong hai năm 2015-2016, tỉnh Nghệ An đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 155.200 người, giải quyết việc làm cho hơn 75.000 lao động.

Tuy vậy, công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế khi số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn thấp so với tổng số lao động được đào tạo nghề hằng năm.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên