08/03/2017 12:23 GMT+7

Kiên quyết rút giấy phép của doanh nghiệp xuất khẩu lao động yếu kém

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Kiên quyết rà soát, chấn chỉnh và rút giấy phép của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (XKLĐ) yếu kém.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa, bức xúc với việc doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn lao động ở huyện  - Ảnh: Đ.Bình
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa, bức xúc với việc doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn lao động ở huyện - Ảnh: Đ.Bình

 

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định như vậy tại hội nghị nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sáng 8-3.

Ông Đào Ngọc Dung thừa nhận hoạt động XKLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và yếu kém.

Đặc biệt, nguồn lao động còn hạn chế về ngoại ngữ, tay nghề, kỷ luật. Tình trạng lạm thu phí vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp XKLĐ khiến dư luận bức xúc…

Theo ông Dung, năm 2016, lần đầu tiên hoạt động XKLĐ cán mốc đưa 126.000 người đi, nhưng “tiếng vang” về vượt kế hoạch 26% không lớn, mà chỉ để lại những điều tiếng trong dư luận.

Ngoài vấn đề chất lượng nguồn lao động còn thấp, tỷ lệ lao động bỏ trốn ở nước ngoài khi hết hợp đồng còn cao thì cũng còn nhiều hạn chế khác.

Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực (LOD), cho rằng sở dĩ còn những hạn chế như bộ trưởng Dung nói là vì Luật đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã được 10 năm, nên đã không còn phù hợp với thực tế, cần sớm sửa đổi.

Ông Bình đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội nên có cổng thông tin để công khai, minh bạch trong khâu tuyển chọn nguồn lao động.

“Cá nhân tôi, công ty LOD cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính mong muốn bộ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp yếu kém,vi phạm quy định về XKLĐ cũng như có biện pháp xử lý nghiêm những lao động vi phạm”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa, chỉ ra những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp XKLĐ là vấn đề “giấy phép con”.

"Chúng tôi rất sợ khi phải về huyện tìm nguồn. Hiện có quá nhiều quy định bất thành văn, kiểu giấy phép con ở cấp huyện khiến chúng tôi dù được UBND tỉnh chào đón, có công văn giới thiệu về huyện, nhưng khi về huyện lại bị ngăn cản, không cho tiếp cận với các xã, với người lao động. Có khi nằm ba tháng vẫn không được huyện cho vào vì lãnh đạo huyện nói: phải chờ thường vụ huyện họp cho ý kiến…”, ông Minh bức xúc.

Theo ông Minh, có lần nhân viên của ông vẫn cố tiếp cận người dân thì bị công an xã xuống mời về giữ ở ủy ban đến tận hôm sau mới thả.

Nghe phản ánh về “giấy phép con”, bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Từ bây giờ doanh nghiệp nào khi xuống đến tỉnh, huyện mà gặp những vướng mắc, hay bị vòi vĩnh thì hãy gọi điện ngay cho tôi, tôi sẽ trực tiếp giải quyết”.

Theo ông Dung, từ nay đến năm 2020 và những năm tới, chủ trương XKLĐ là phải giữ được thị trường truyền thống, có thu nhập ổn định như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Tiếp đó là mở thị trường mới, mở rộng đối tượng XKLĐ, tức ngoài lao động phổ thông.

 

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên