18/08/2023 12:24 GMT+7

Cổ phiếu bất động sản bị bán tháo

Cổ phiếu của hàng loạt công ty bất động sản đang trở thành tâm điểm bán tháo, dòng tiền bị rút ra liên tục. Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn bị nhà đầu tư mang ra bán mạnh, gây tiêu cực lên thị trường chung.

Chứng khoán sụt giảm mạnh, cổ phiếu bất động sản bị bán dồn dập - Ảnh: BÔNG MAI

Chứng khoán sụt giảm mạnh, cổ phiếu bất động sản bị bán dồn dập - Ảnh: BÔNG MAI

Dồn dập bán cổ phiếu bất động sản

Vừa mở phiên giao dịch cuối cùng của tuần (18-8), lực bán lập tức ập vào khiến toàn bộ thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, sức ép tăng dần. Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn bị nhà đầu tư mang ra bán mạnh, gây tiêu cực lên thị trường chung. 

Nhóm cổ phiếu bất động sản trở thành tâm điểm bị "thoát hàng", điển hình là các mã VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), VRE (Vincom Retail), DIG (DIC Group), DXG (Đất Xanh, EVG (Everland)…

Thông tin sáng nay về việc Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York (Mỹ) đã khiến giới đầu tư Việt cũng không khỏi xôn xao. Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn thứ nhì đất nước tỉ dân. 

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu ngành ngân hàng có sự phân hóa đáng kể. Giới đầu tư rút tiền, đặt lệnh bán dồn dập, khiến mã BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (Vietimbank), EIB (Eximbank), MSB… bị rớt giá. 

Chỉ có vài mã khác như LPB (LPBank), VCB (Vietcombank)… vẫn cầm cự trên mốc tham chiếu nhờ phe mua cao. Giữa lúc thị trường bị áp lực bán, một số mã vẫn lội ngược xu hướng, đón nhận dòng tiền mua vào.

Trong đó có VNM (Vinamilk), SAB (Sabeco), FPT, BHV (Bảo Việt), SSI (Chứng khoán SSI)… Cổ phiếu rớt giá, không ít nhà đầu tư càng thêm áp lực khi bị cắt margin (vay ký quỹ) bởi một công ty chứng khoán top đầu về thị phần. 

Xếp theo lĩnh vực, ngành bất động sản đang bị bán "rát" nhất, tiếp đến là ngành dịch vụ bán lẻ, đồ dùng cá nhân và đồ gia dụng, hóa chất, tài nguyên, dầu khí, dịch vụ tiện ích, ngân hàng… Riêng chỉ số cổ phiếu ngành công nghệ vẫn giữ được sắc xanh tăng trưởng.

Tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng

Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta cho biết ở thị trường chứng khoán Việt Nam, rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng gia tăng, nhà đầu tư hạn chế mua mới trong giai đoạn này. Chỉ báo tâm lý cũng cho thấy nhà đầu tư đang rất thận trọng. Dù vậy, xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tăng.

Phía Chứng khoán SHS cho biết: "Với việc xu hướng ngắn hạn chưa rõ ràng hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng vừa phải và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường trước khi xem xét giải ngân. Nhà đầu tư trung và dài hạn đã giải ngân trong thời gian vừa qua, nếu cơ cấu tốt thì hiện tại hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ. Trường hợp muốn gia tăng tỉ trọng, có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay".

Ở thị trường chứng khoán Mỹ, Phố Wall tiếp tục điều chỉnh trên cả ba chỉ số chính khi lợi suất trái phiếu kho bạc tiếp tục tăng mạnh, do các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay, cuộc chiến chống lạm phát chưa hạ nhiệt.

Trải qua giằng co, chỉ số chứng khoán VN-Index tạm dừng phiên sáng với mức giảm 20,21 điểm (-1,64%) lùi về vùng 1.213,27 điểm. Cả sàn HNX và UPCoM cũng chung cảnh, lần lượt ghi nhận mức giảm 3 điểm (-1,2%) xuống 246,97 điểm và 1,22 điểm (-1,32%) xuống còn 91,52 điểm.

Tổng giá trị mua bán cổ phiếu tạm dừng ở mốc xấp xỉ 16.850 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 70 tỉ đồng.

Vì sao cổ phiếu VinFast tăng sốc, giảm sâu?Vì sao cổ phiếu VinFast tăng sốc, giảm sâu?

Sau cú tăng sốc ở phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq, đến phiên thứ hai cổ phiếu VinFast đã bị điều chỉnh với áp lực bán ra tương đối mạnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên