15/04/2020 10:22 GMT+7

Có ai ghét bếp, không nghiện nhà?

TRẦN XUÂN TIẾN
TRẦN XUÂN TIẾN

TTO - Đời sống thực bị hạn chế, càng có thêm nhiều người tràn lên... mạng xã hội. Có những trào lưu mới tạo ra những không gian kết nối sinh động, xóa tan nỗi chán chường buồn tay buồn chân.

Có ai ghét bếp, không nghiện nhà? - Ảnh 1.

Một số hình ảnh từ nhóm Ghét bếp, không nghiện nhà: món cơm nắm mặt mếu - Ảnh: NVCC

Cả xã hội hạn chế ra đường, ai ở đâu thì ở yên chỗ đó. Những ai yêu bếp, nghiện nhà tha hồ trổ tài làm hình mẫu hoàn hảo. Nhưng với những ai ghét bếp, không thích nhà thì cảm giác những ngày này ra sao?

Thân phận "vụng về"

Những diễn đàn mới toanh được lập ra để chia sẻ, giao lưu như trăm hoa đua nở. Cùng với việc xuất hiện những hội, nhóm những người yêu bếp, yêu công việc nhà là hàng loạt hình mẫu "ba mẹ nhà người ta", "chồng nhà người ta", "vợ nhà người ta", "con nhà người ta"..., thậm chí là "thú cưng nhà người ta".

Những hình ảnh, đoạn clip ngắn phong phú đặc sắc. Những món ăn, thức uống nhà làm. Tất cả nếu hoàn hảo sẽ đẹp như tranh, tốt như mơ; cuộc sống trở nên lung linh, tươi đẹp, làm tăng hương vị gia đình sum vầy, giúp thêm nguồn năng lượng suy nghĩ tích cực cho những ngày phòng chống dịch tại gia.

Nhưng cuộc sống vốn dĩ muôn màu, có màu nóng thì cũng có màu lạnh. Không phải ai cũng khéo léo trong chuyện bếp núc hay giỏi giang công việc nhà. Không thiếu những trường hợp chỉ biết thở dài và sợ... lướt mạng xã hội. Ở đó có quá nhiều phụ nữ, thậm chí là nam giới, làm gì cũng siêu nhanh, siêu đẹp, siêu hấp dẫn.

Ngược lại, có bao kẻ "vụng tay" phải mỏi mệt với việc tự mình vào bếp, tự mình làm việc nhà. Chẳng những sản phẩm kết quả không dám khoe với thiên hạ mà còn bị vợ/chồng/gia đình buông lời ý nhị, so sánh với "nhà người ta". Nồi cơm nhão, chảo trứng cháy, xoong thịt khét đến... cười ra nước mắt.

Có ai ghét bếp, không nghiện nhà? - Ảnh 2.

Món trứng tráng vợt cầu lông - Ảnh: NVCC

Bực bội hóa... tiếng cười

Đương khi buồn thì thấy xuất hiện hội, nhóm "Ghét bếp, không nghiện nhà". Như nắng hạn gặp mưa rào, biết bao trang "chàng trai vụng tay", "cô gái kém khéo" như cá gặp nước. Cơ mà, còn tốt hơn cả thế.

Đúng như những lời tâm tình của chủ nhóm: "Nay em tạo group này ra để mọi người giải trí, thư giãn, vui vẻ, để sống thật với bản thân và biết đâu lại tìm ra chân ái đời mình..." - một không gian trần thế đúng nghĩa đã xuất hiện.

Ở đó, người ta tự hào chia sẻ hình ảnh xoong luộc trứng bị cháy cạn do chủ nhân có tật quên trước quên sau, kèm lời thú tội và cam kết lần sau... không tái phạm.

Ở đó, người ta sẵn sàng đưa cùng lúc hai hình ảnh đối lập "bánh người ta làm, còn đây là... bánh tôi làm", để sau đó nhận được thật nhiều đồng cảm cùng lời khuyên làm sao để lần sau nấu không cháy, không khét.

Hóa ra những món ăn kém bắt mắt, những tình huống thất bại trong hành trình chinh phục công việc nhà lại trở thành những hình ảnh hài hước, mang lại tiếng cười dí dỏm cho người trong cuộc lẫn bạn bè gần xa trên mạng xã hội.

Thiếu hoa tay trong chuyện bếp núc nhưng lại dư dả sự sáng tạo hài hước, giúp những tình cảnh trớ trêu trở thành những khoảnh khắc đáng yêu, chất lừ.

Giờ đây, những người vụng tay có thể bỏ lại sau lưng những áp lực tự ti, những sầu muộn đắng lòng, để thay vào đó bằng những tiếng cười hài hước và nhận lại sự cổ vũ chân tình để có thêm động lực ở nhà chống dịch. Để rồi tất cả đều nhận ra dường như bản thân ai cũng nghiện nhà mình và không ghét bếp đến thế.

Thế mới thấy những điều tưởng như thiếu sót nhưng nếu biết hóa giải, nếu biết thay đổi góc nhìn hẳn sẽ bớt đi gánh nặng và có hướng khắc phục để tốt hơn.

Mùa dịch, cánh mày râu ra tay vào bếp Mùa dịch, cánh mày râu ra tay vào bếp

TTO - Tận dụng khoảng thời gian trống ở nhà trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, thay vì nghỉ ngơi, cánh mày râu tìm niềm vui bằng cách quây quần bên gian bếp.

TRẦN XUÂN TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên