08/03/2024 16:10 GMT+7

Chạy đua đào tạo, kỹ sư vi mạch ra trường sẽ đi đâu?

Các chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch khẳng định sinh viên học ngành thiết kế vi mạch sau khi ra trường không chỉ làm việc cho các công ty trong lĩnh vực này ở Việt Nam.

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn - những cơ hội và thách thức - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Các chuyên gia thảo luận về chủ đề phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn - những cơ hội và thách thức - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đây là vấn đề được đưa ra tại hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam" diễn ra ở Đà Nẵng ngày 8-3.

Bài toán "con gà, quả trứng"

Trong bối cảnh Đà Nẵng tập trung đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn, ông Lê Hoàng Phúc - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) - cho biết các trường đại học đang đặt câu hỏi "họ đầu tư rất lớn cho công tác đào tạo, vậy sinh viên vi mạch ra trường sẽ đi về đâu?".

Trong khi đó, có nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu họ tới Đà Nẵng, thành phố này phải có sẵn nguồn nhân lực vi mạch.

Bài toán về "con gà hay quả trứng có trước" lại một lần nữa được đặt ra.

"Các trường chọn sự an toàn cho mình và các doanh nghiệp cũng yêu cầu điều chắc chắn về nhân lực trong cả số lượng và chất lượng khi họ đến Đà Nẵng. Điều này tạo ra mâu thuẫn rất lớn", ông Phúc đặt vấn đề.

Ông Phúc cho biết trước bài toán đó, TP Đà Nẵng đã chọn đầu tư vào nguồn lực, hỗ trợ cho các trường để đào tạo nhân lực vi mạch.

Trong khuôn khổ chương trình diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Trong khuôn khổ chương trình diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Theo ông Phúc, Đà Nẵng đã có những sự chuẩn bị dài hơi trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn từ rất sớm. Việc Đà Nẵng thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) là một cam kết cho việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Đà Nẵng cũng hình thành liên minh 5 trường đại học thông qua đầu mối DSAC gồm ĐH Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, ĐH FPT và ĐH Duy Tân. Sắp tới sẽ mở rộng ra những trường đại học có chuyên ngành gần khác.

"Đà Nẵng đã làm việc với một số công ty công nghệ lớn nước ngoài để trao đổi, nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực. Thành phố đang tập trung thu hút đầu tư hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài vào Đà Nẵng, đảm bảo đầu ra cho các trường đại học", ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, thành phố này đang ưu tiên cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đến Đà Nẵng. Sau khi đào tạo, nhân lực sẽ tập trung phục vụ cho các doanh nghiệp này. Đà Nẵng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp vi mạch, đào tạo nhân lực theo định hướng yêu cầu của doanh nghiệp, từ số lượng họ cần.

DSAC đang kết nối chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu các công ty tuyển dụng không chỉ ở Việt Nam mà ở quốc tế.

Ông Phúc cho biết Đà Nẵng đang định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng đủ vững để "đại bàng về làm tổ". Đà Nẵng đang tập trung các cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư, phát huy nội lực là thế hệ trẻ không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trong cả nước và nước ngoài về Đà Nẵng.

Đâu chỉ "làm vi mạch" ở Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng bàn về con số trong đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Mục tiêu của đề án là đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Ông Đỗ Tiến Thịnh - phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - cho rằng con số này trước hết thể hiện quyết tâm chính trị.

Thứ hai, chúng ta đào tạo đạt chuẩn, sinh viên vi mạch ra trường không chỉ đáp ứng tại Việt Nam mà cung ứng cho những quốc gia, địa phương mà Việt Nam có cam kết hợp tác.

Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng thực hành thiết kế vi mạch - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng thực hành thiết kế vi mạch - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

"Vì vậy, trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam chọn nguồn nhân lực là yếu tố để bứt phá cạnh tranh, bởi chúng ta có thế mạnh nguồn nhân lực trẻ, chịu học hỏi; đây cũng là con đường tốn chi phí thấp hơn so với việc đầu tư hạ tầng, công nghệ", ông Thịnh chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Rodrigo Balbontin - quyền giám đốc phụ trách công nghệ kỹ thuật số, chính sách và đổi mới sáng tạo quỹ Châu Á - khẳng định sinh viên vi mạch sau khi ra trường có nhiều cơ hội công việc.

Họ không chỉ làm việc cho các công ty bán dẫn ở Việt Nam mà còn làm việc cho các công ty trong cùng lĩnh vực hoặc lĩnh vực gần vi mạch ở nước ngoài.

Nhiều trường đại học lần đầu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch - bán dẫnNhiều trường đại học lần đầu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn

Nhiều trường đại học vừa công bố phương thức tuyển sinh 2024. Ngành, chuyên ngành vi mạch - bán dẫn được nhiều trường mở mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên