21/10/2023 09:50 GMT+7

Câu chuyện vượt khó của hai tân sinh viên mồ côi vùng đất lúa

12 tuổi mồ côi cha, 15 tuổi mồ côi mẹ, cậu học trò Võ Nguyễn Xuân Trường, tân sinh viên Trường đại học Công Thương TP.HCM, ngoài giờ học đi phụ hồ công trình ở TP Thủ Đức để kiếm thêm tiền trang trải việc học.

Câu chuyện vượt khó của hai tân sinh viên mồ côi vùng đất lúa

Từ ngày cha mẹ qua đời, ngôi nhà ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) chỉ còn hai anh em Xuân Trường.

Năm 2017, mẹ qua đời vì bệnh ung thư. Khi đó anh Hai vừa vào đại học, một mình cha gắng lo cho hai anh em. Những tưởng cuộc sống đã bình yên, vậy mà biến cố lần nữa ập xuống gia đình nhỏ, năm 2020 người cha cũng mất vì đột quỵ.

Anh Hai sau khi tốt nghiệp đại học đã đi làm ở TP.HCM, Xuân Trường ở nhà nhờ ông bà nội chăm sóc. Ông bà năm nay đã ngoài 70, trước đây còn trẻ khỏe, ai thuê gì làm nấy kiếm đồng ra đồng vô.

Nay đã có tuổi không làm được việc nặng, ông bà mua máy về làm nhang, thu nhập không nhiều nhưng có thể nhỏ giọt lo cho cháu đi học.

Võ Nguyễn Xuân Trường, tân sinh viên Trường đại học Công Thương TP.HCM, thường ngày ở nhà phụ giúp ông bà làm nhang - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Võ Nguyễn Xuân Trường, tân sinh viên Trường đại học Công Thương TP.HCM, thường ngày ở nhà phụ giúp ông bà làm nhang - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Bà Nguyễn Thị Sa, bà nội Xuân Trường năm nay 73 tuổi, bày tỏ sự vui mừng khi hay tin cháu đậu đại học, dù khó khăn vẫn quyết tâm lo cho cháu học tiếp để có cái nghề đàng hoàng, mai này ông bà gần đất xa trời cũng an tâm.

"Cháu đậu đại học tôi rất mừng, tôi hỏi dò hoài coi nó đậu trường nào. Tôi động viên, nói con đừng bỏ học, lỡ ông nội bà nội mà chết con có tương lai sau này. Tôi ăn mắm, ăn cá kho qua ngày, giá nào cũng ráng lo thêm đồ ăn cho cháu ăn có sức đi học", bà Sa nói.

Bạn Võ Nguyễn Xuân Trường, tân sinh viên Trường đại học Công thương TP.HCM, chia sẻ khi ba mẹ lần lượt rời xa, Trường rất chán nản, có lúc muốn bỏ học, nhưng sau đó nghĩ chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống.

"Từ khi ba mẹ mất thì ông bà nội là người chăm sóc hai anh em mình. Ông bà đã lớn tuổi, kinh tế khó khăn, học phí đóng học kỳ đầu tiên nhờ vay mượn chú và cậu. Trong thời gian chờ nhập học chính thức mình đi làm hồ kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày làm 4 tiếng, mỗi tiếng khoảng 23.000 đồng", Trường nói thêm.

Cô học trò mồ côi quyết tâm bám cần câu cơm

Bạn Nguyễn Xuân Mai, tân sinh viên Trường đại học Nam Cần Thơ, đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Bạn Nguyễn Xuân Mai, tân sinh viên Trường đại học Nam Cần Thơ, đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Sớm mồ côi cha, còn mẹ rời nhà đi làm ăn xa khi vừa lên 3 tuổi, cô học trò Nguyễn Xuân Mai được cậu mợ cưu mang, xem như con gái ruột trong nhà, lo lắng sớm hôm, mong cháu học thành tài.

Nhà ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 30 phút đi xe máy, ấy vậy mà đây là quãng đường cô gái nhỏ dự tính sẽ vượt qua mỗi ngày để đi học suốt 4 năm nữa, với mong mỏi tiết kiệm thêm chút tiền, đỡ chi phí ở trọ.

Cậu mợ sớm hôm tần tảo nuôi 4 đứa con trưởng thành và lo cho cháu gái. Để có tiền đóng học phí học kỳ đầu tiên cho cháu, Bà Thao đi vay mượn đầu này đầu kia mỗi nơi một ít mới đủ số tiền hơn 9 triệu đồng. Bà Thao tự nhủ, khó khăn nhường nào mà gia đình chưa trải qua, ráng thêm bốn năm nữa để Mai học xong đại học, có việc làm ổn định, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.

"Tôi không nghĩ gì hết, nuôi cháu, miễn nó học giỏi thì thôi", bà Thao nói.

Còn Nguyễn Xuân Mai, tân sinh viên Trường đại học Nam Cần Thơ, nói để có tương lai tốt hơn cô phải có bằng đại học, bằng đại học sẽ là cần câu cơm sau này.

"Mình giống như con của hai gia đình, mẹ đi xa, còn cậu mợ thương mình như con ruột. Mình sẽ sẽ cố gắng để lấy học bổng của nhà trường, đi làm thêm và vay vốn hỗ trợ cho sinh viên. Hiện mình đi làm thêm ở shop phụ kiện thu nhập 15.000 đồng/giờ. Và mình sẽ ở tại nhà để đỡ chi phí thuê trọ và có thời gian ở gần gia đình", Mai chia sẻ.

Học bổng đến với tân sinh viên 11 tỉnh miền Tây

Hôm nay (21-10), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ, VTV Cần Thơ, Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền) trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 110 tân sinh viên khó khăn của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ).

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,6 tỉ đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền) tài trợ. GS Phan Lương Cầm (phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt hỗ trợ 10 học bổng (150 triệu đồng) cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm). Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng quà cho tân sinh viên.

Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ tám suất luyện thi IELTS cho tân sinh viên học tại TP Cần Thơ.

Câu chuyện vượt khó của hai tân sinh viên mồ côi vùng đất lúa- Ảnh 3.

Chuyện kể của 20 năm Tiếp sức đến trườngChuyện kể của 20 năm Tiếp sức đến trường

20 năm Tiếp sức đến trường, chúng tôi bắt đầu chương trình mới mà lòng không thôi ngạc nhiên. Ngần ấy thời gian đã đi qua, cả một thế hệ đã đi tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên