22/06/2023 20:17 GMT+7

Cao điểm bệnh tay chân miệng đến sớm, lo nhất thiếu thuốc

Số ca tay chân miệng nặng từ các tỉnh chuyển lên các bệnh viện TP.HCM vẫn tiếp tục tăng. Hiện nhiều tỉnh, thành đã hết thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng.

Cao điểm bệnh tay chân miệng đến sớm, lo nhất thiếu thuốc - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Liên Hương khảo sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Trường mầm non TP - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Chiều 22-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương - trưởng đoàn Bộ Y tế - đã giám sát công tác phòng chống dịch tại TP.HCM, khảo sát Trường mầm non TP, một cụm khu dân cư, và Bệnh viện Nhi đồng 1.

Số ca nặng tăng 2,5 lần

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo với thứ trưởng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết gần đây số ca tay chân miệng nặng từ các tỉnh chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và các bệnh viện nhi đồng TP gia tăng.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhân tay chân miệng nặng chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ và đã có 4 ca tử vong đều từ các tỉnh chuyển đến.

Số ca tay chân miệng nặng nhập viện tăng cao nhưng bệnh viện hiện có nguy cơ thiếu thuốc Immuno Globulin - thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng. Nếu điều trị theo đúng phác đồ, bệnh viện có thể thiếu thuốc trong 1-2 tuần tới.

Ông Hùng cũng cho biết một số tỉnh đã hết thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nên phải chuyển viện.

Trước nguy cơ thiếu thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng cao, ông Hùng đề xuất nên tính đến loại thuốc thay thế hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng. Đồng thời dự báo cao điểm bệnh tay chân miệng năm nay sẽ đến sớm hơn.

Cao điểm bệnh tay chân miệng đến sớm, lo nhất thiếu thuốc - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế thăm một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: T.DƯƠNG

Ca nặng cứ chuyển về, TP.HCM sẽ quá tải

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết qua 100 mẫu xét nghiệm các ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay, có đến 50% các mẫu là vi rút Enterovirus 71. Trong thời gian tới bệnh tay chân miệng có thể sẽ diễn biến phức tạp.

Theo TS Vương Ánh Dương - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, nếu tất cả bệnh nhân tay chân miệng nặng từ các tỉnh đều chuyển về TP. HCM thì các bệnh viện TP sẽ quá tải. Vì thế phải tăng cường năng lực điều trị bệnh tay chân miệng của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.

Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Thành Lâm cho rằng tình trạng dịch là đặc thù, dự trù nhu cầu về thuốc rất khó. Dù vậy, các đơn vị vẫn phải có dự báo nhu cầu về thuốc để cục chỉ đạo tiến hành nhập thuốc về.

Có thể hết tuần này sẽ có thêm 4.000 lọ thuốc Immunoglobulin cho phía Nam để hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng.

"Các sở y tế tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế cần dự kiến các nhu cầu về số lượng thuốc, dù khó nhưng vẫn phải làm. Nếu không có dự kiến với thuốc hiếm, thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm bệnh có thể nổi lên sẽ bị động", thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý thêm.

Ngày mai 23-6, đoàn công tác Bộ Y tế sẽ làm việc với UBND TP.HCM và 20 tỉnh thành phía Nam để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh.

TP.HCM: 3 kịch bản ứng phó bệnh tay chân miệngTP.HCM: 3 kịch bản ứng phó bệnh tay chân miệng

Tại TP.HCM, số ca mắc bệnh tay chân miệng đang tăng rất nhanh. Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng từ các tỉnh chuyển lên TP nhiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên