23/07/2019 09:09 GMT+7

Cần khéo léo sử dụng công cụ pháp lý

THS PHẠM NGỌC MINH TRANG (Giảng viên khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
THS PHẠM NGỌC MINH TRANG (Giảng viên khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

TTO - Việc sử dụng các công cụ pháp lý quốc tế một cách khôn ngoan để bảo vệ quyền lợi của mình trước các quốc gia lớn, đặc biệt các quốc gia có âm mưu bá quyền, tỏ ra hữu dụng với các quốc gia nhỏ.

Cần khéo léo sử dụng công cụ pháp lý - Ảnh 1.

Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu cá Philippines tiến vào bãi cạn Scarborough năm 2017 - Ảnh: AFP

Trên thế giới đã có không ít những ví dụ các quốc gia nhỏ sử dụng thành công luật pháp quốc tế đối đầu với các cường quốc và bảo vệ thành công quyền lợi của mình.

Như việc Đông Timor vận dụng thành công cơ chế hòa giải của Công ước Luật biển 1982 để bảo vệ thềm lục địa và quyền khai thác dầu mỏ của mình trước Úc năm 2018, hay gần đây nhất là Mauritius đã khôn khéo sử dụng các cơ chế của Liên Hiệp Quốc để đòi lại đảo Chargos của mình từ Vương quốc Anh.

Thiết chế pháp lý nào?

Dù hiện nay các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đang tiến hành soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), Trung Quốc lại tiếp tục có các hành vi quấy rối các hoạt động khai thác kinh tế của Malaysia và Việt Nam.

Trước đó, việc Trung Quốc đã phớt lờ vụ kiện đơn phương của Philippines bộc lộ một sự thật rằng các quốc gia tại Biển Đông cần có một thiết chế pháp lý với sự tham gia của nhiều nước để có thể đối phó với các hành động lấn át của Trung Quốc.

Cũng chính vì vậy các quốc gia ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và thông qua COC. Vấn đề này cũng thường xuyên được ASEAN đưa vào văn bản chính thức trong các cuộc họp với Trung Quốc.

Việc tiến hành xây dựng COC của các quốc gia liên quan đang có những bước tiến đáng kể. Đầu tiên, tháng 8-2017, các bên đã đưa ra được Bộ khung quy tắc ứng xử. Sau đó 1 năm, đến tháng 8-2018, các bên đã thống nhất COC là một văn bản đàm phán duy nhất.

Tháng 2-2019 vừa qua ASEAN và Trung Quốc cũng đã tiếp tục đàm phán về COC, và Trung Quốc cũng tỏ mong muốn rằng sẽ hoàn thành COC vào năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn trong công cuộc xây dựng COC. Thứ nhất về tính chất pháp lý của văn bản này, có phải là một văn bản mang tính ràng buộc hay không. Thứ hai là phạm vi điều chỉnh, COC có điều chỉnh các hoạt động trên toàn bộ Biển Đông hay không. Thứ ba, đây là văn bản được ký kết giữa 10 các quốc gia ASEAN và Trung Quốc, hay là một văn bản được thông qua bởi ASEAN, một tổ chức quốc tế và Trung Quốc.

Gợi ý cho các nước ASEAN

Trước tình hình Trung Quốc là một cường quốc biển tại Biển Đông và đang ngày càng có những hành vi lấn át các quốc gia còn lại trong việc sử dụng và quản lý vùng biển này, các quốc gia nhỏ trong ASEAN càng cần phải đoàn kết lại. Như Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah của Malaysia đã kêu gọi vào ngày 21-7 vừa qua, Biển Đông phải là yếu tố để khiến khối ASEAN siết chặt sự đoàn kết.

Sự đoàn kết này cần phải thể hiện ở chỗ, các quốc gia ASEAN cần phải đấu tranh để có sự xuất hiện của chủ thể là tổ chức quốc tế ASEAN trong bàn đàm phán và trong văn bản của COC.

Với Hiến chương ASEAN đã được thông qua vào năm 2008, ASEAN chính thức là một chủ thể của luật quốc tế, được hưởng các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế tương ứng, trong đó có việc tham gia vào một hiệp ước quốc tế.

Như vậy, ASEAN có thể đóng vai trò một bên trong bàn đàm phán, đóng góp tiếng nói cho các quốc gia ASEAN, thúc đẩy việc nhanh chóng xây dựng bộ quy tắc ứng xử, không để Trung Quốc lợi dụng kéo dài thời gian để tạo ưu thế trên thực địa.

Làm sao để COC hiệu quả?

Để tránh đi theo vết xe đổ của Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (DOC), các quốc gia ASEAN cần ủng hộ quan điểm của Việt Nam rằng COC phải là một văn bản có giá trị pháp lý, có cơ chế kiểm tra các hoạt động thực hiện COC. Và quan trọng hơn trong việc giải quyết xung đột tại Biển Đông, COC mở ra tất cả các biện pháp hòa bình, bên cạnh việc đàm phán, thương lượng, sử dụng tất cả các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp. Và tất nhiên, để thực hiện điều này, cũng cần sự đấu tranh tích cực, chủ động và quyết liệt của Việt Nam trên bàn đàm phán.

Tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Việt Nam ra sao? Tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Việt Nam ra sao?

TTO - Căn cứ pháp lý rõ ràng của Việt Nam trước lập luận ngụy biện và chiến thuật gặm nhấm lãnh thổ kiểu "cháo nóng húp quanh" với những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các nước ven Biển Đông.

THS PHẠM NGỌC MINH TRANG (Giảng viên khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên