17/06/2014 08:03 GMT+7

Cái chày vồ và con tàu gỗ

ĐỖ THÁI BÌNH (Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM)VIỄN SỰ ghi
ĐỖ THÁI BÌNH (Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM)VIỄN SỰ ghi

TT - Đọc câu chuyện về chuyên gia Nhật Bản giúp ngư dân Bình Định làm tăng giá trị cá ngừ đại dương (Tuổi Trẻ ngày 16-6), tôi cảm thấy xấu hổ.

Xấu hổ vì kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản quá đơn giản, sau vài lần chỉ dẫn ngư dân đã làm được, vậy mà bao lâu nay chẳng ai giúp để ngư dân thực hiện.

Đó là thay vì đập đầu con cá bằng chày vồ như bấy lâu nay rồi chịu bán với giá rẻ thì chích điện, rút máu, cấp đông để con cá ngon hơn, bắt mắt hơn, bán được giá hơn.

Tương tự câu chuyện con cá ngừ đại dương bao năm bị đập đầu bằng cái chày vồ, là câu chuyện về thói quen sử dụng tàu gỗ thay vì tàu vỏ thép. Không hẳn là ngư dân không có tiền để mua tàu vỏ thép, mà có lý do sâu xa hơn. Đó là không ai “giải tỏa” cho họ nỗi lo về hiệu quả của tàu vỏ thép nên nhiều người vẫn bảo thủ nói: “đi tàu gỗ có thể gõ vào thành tàu để gọi cá, còn tàu vỏ thép thì không”. Lý luận này chắc sẽ làm nhiều người ngạc nhiên nhưng chúng ta đừng vội cười, vì không ai truyền đạt cho họ cách sử dụng tàu vỏ thép đơn giản và dễ hiểu như kinh nghiệm sử dụng tàu gỗ mà các ngư dân đã chỉ dạy cho nhau.

Những câu chuyện ấy làm tôi nhớ lại những năm sau khi đất nước thống nhất, tôi vào Sài Gòn và bất ngờ thấy một anh bạn ở Thủ Đức đã tự tay thiết kế và đóng chiếc thuyền composite dài 10m, trong khi anh này chỉ học hết trung học. Hóa ra anh bạn vì yêu biển đã viết thư và được Trường Chapman - chuyên dạy cho những người yêu biển, yêu tàu bè... ở Mỹ - gửi sách hướng dẫn.

Sau này khi có dịp sang Mỹ, tôi đã đến ngôi trường này và thấy tất cả người Mỹ chỉ cần trình độ đọc viết thông thường, chưa biết gì về nghề cá, về hàng hải đều có thể ghi danh để học về đánh cá, đóng tàu, đan lưới... với cách dạy hết sức dễ hiểu và vui nhộn.

Ngược lại, tôi đến nhiều làng biển trên cả nước và thấy hầu như con thuyền nào của ngư dân cũng có những cuốn sách phổ biến kiến thức cho họ được phát miễn phí nhưng đa số đều còn mới tinh tươm vì ngư dân rất ít đọc. Ngư dân cho biết họ cảm thấy rất khó tiếp thu kiến thức từ những cuốn sách nhiều chữ và được viết bằng văn phong khó hiểu, không giống với cách mà lớp ngư dân đi trước chỉ dạy cho lớp đi sau. Cái khúc mắc về phương pháp ấy thực tế đã được Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) đúc kết từ lâu với cuốn Fishmen workbook (Sổ tay dân đánh cá) mà ngư dân nhiều nước trên thế giới có trình độ không hơn gì ngư dân VN đọc và vận dụng tất thảy mọi chuyện: đan lưới, sửa tàu, dò luồng cá, bảo quản cá... Hoặc như ở Mỹ, ngư dân cũng rất hào hứng khi học được nhiều kinh nghiệm đi biển từ trang Taking me fishing (Hãy mời tôi cùng đi đánh cá), được trình bày rất vui nhộn và dễ hiểu. Chỉ tiếc là ngư dân VN lại không có.

Kể ra những câu chuyện ấy mới thấy ngư dân chúng ta quá thiệt thòi vì nhiều thứ đơn giản, dễ thực hiện nhưng họ lại không được biết, mãi luẩn quẩn “bán mồ hôi” với giá rẻ. Câu chuyện con cá ngừ hay lớn hơn là chuyện đóng tàu thép, nếu không có ai là cầu nối để giúp ngư dân học cái mới thì rất khó để họ thôi không còn hoang mang khi cất đi chiếc chày vồ và giã từ con tàu gỗ như bấy lâu.

ĐỖ THÁI BÌNH (Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM)VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên