29/04/2023 10:00 GMT+7

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với ngành giáo dục - đào tạo

TRẦN MAI
và 1 tác giả khác

Vấn đề thiếu giáo viên nghiêm trọng, chế độ thấp… đã làm nóng buổi đối thoại.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với ngành giáo dục - đào tạo - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ghi nhận và chia sẻ những nỗi vất vả của thầy cô, với các kiến nghị tại buổi đối thoại, bà Vân yêu cầu các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết - Ảnh: TRẦN MAI

Giáo dục chiếm 30 - 40% tổng chi thường xuyên toàn tỉnh

Mở đầu cuộc đối thoại, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định tỉnh đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Những năm qua, Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

"Chi thường xuyên cho giáo dục chiếm 30 - 40% tổng chi thường xuyên toàn tỉnh. Đa dạng hóa các nguồn vốn để tập trung đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là vấn đề Đảng, chính quyền quan tâm", bà Vân nói.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định dù còn nhiều khó khăn nhưng mạng lưới trường lớp tại tỉnh ngày càng hoàn thiện. Chất lượng giáo viên nâng cao từ bậc mầm non đến đại học. Hiện toàn tỉnh có 603 đơn vị, cơ sở giáo dục. Qua đó, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên và nhân dân trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với ngành giáo dục - đào tạo - Ảnh 2.

Cô Phương, trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sơn Hà, nói nhiều về thực trạng thiếu giáo viên, chính sách cho giáo dục miền núi - Ảnh: TRẦN MAI

Các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần động viên nhà giáo an tâm công tác.

"Có bộ môn ba năm liền thi tuyển, nhưng không có ai nộp hồ sơ"

Tại buổi đối thoại, bà Đinh Thị Phương, trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sơn Hà, nói đến căn bệnh "trầm kha" của ngành giáo dục huyện Sơn Hà hiện nay là thiếu giáo viên. Thậm chí, sau khi được tỉnh phân bổ giáo viên năm 2023, cấp mầm non, tiểu học và THCS vẫn thiếu nghiêm trọng giáo viên. Nhất là bậc mầm non và tiểu học.

"Dù thiếu giáo viên nhưng vẫn tinh giản biên chế dẫn đến thiếu càng thiếu. Trong khi đó, giáo viên mầm non làm việc rất vất vả nhưng chế độ tăng giờ vẫn chưa thực hiện. Chưa có văn bản về chi chế độ này nên không thực hiện được. Các trường mầm non miền núi rất khó khăn khi chi thường xuyên chỉ 100 triệu đồng/năm nhưng các trường phải chi rất nhiều cho việc thuê giáo viên hợp đồng, cô cấp dưỡng và các hoạt động khác", bà Phương nói.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với ngành giáo dục - đào tạo - Ảnh 3.

Trong thời gian qua, thầy cô giáo rất nỗ lực vượt qua những khó khăn để đưa giáo dục miền núi đi lên - Ảnh: TRẦN MAI

Bà Đinh Thị Trà, chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cũng cho rằng mỗi năm huyện Sơn Hà thiếu khoảng 100 giáo viên, dù đăng ký Sở Nội vụ và được hướng dẫn thi tuyển vẫn thiếu. Một số môn dù có nhu cầu nhưng không có hồ sơ đăng ký thi. "Có bộ môn ba năm liền thi tuyển, nhưng không có ai nộp hồ sơ", bà Trà nói.

Nghe tâm tư của trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sơn Hà, bí thư Tỉnh ủy đề nghị ông Nguyễn Ngọc Thái, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trả lời về vấn đề thiếu giáo viên.

Ông Thái thừa nhận thiếu giáo viên xảy ra thường xuyên. Ông Thái nói: "Không bao giờ đủ, giáo viên luôn có sự biến động như nghỉ hưu, chuyển công tác. Trong khi thi tuyển có năm chỉ tổ chức một lần".

Một nguyên nhân nữa dẫn đến thiếu giáo viên mà ông Thái đưa ra là trước đây, thi tuyển giáo viên mầm non, tiểu học chỉ cần có bằng trung cấp sư phạm, THCS chỉ cần bằng cao đẳng sư phạm. Nay yêu cầu tăng lên, tiểu học, mầm non phải có bằng cao đẳng trở lên. Còn THCS phải có bằng đại học. Nhiều giáo viên dạy lâu năm cũng phải đi học liên thông để đáp ứng yêu cầu bằng cấp, dẫn đến thiếu lại càng thiếu.

Cùng với đó, những kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua, miền núi luôn gặp khó khăn bởi thí sinh đăng ký thi và dạy ở đồng bằng, không muốn lên các huyện miền núi. Dẫn đến đồng bằng nhu cầu ít hồ sơ nhiều, còn miền núi nhu cầu nhiều, hồ sơ ít. "Giáo viên mầm non đi sớm về khuya nhưng chế độ thấp, dẫn đến nhiều giáo viên xin thôi việc", ông Thái nói.

Yêu cầu "tăng tốc" xây dựng trường lớp ở huyện đảo Lý Sơn

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với ngành giáo dục - đào tạo - Ảnh 4.

Giáo viên mầm non thiếu rất nhiều, các cô giáo đi sớm về khuya nhưng chính sách lương chưa phù hợp - Ảnh: TRẦN MAI

Tại buổi đối thoại, nhiều giáo viên cũng nói đến bất cập trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến độ xây dựng trường lớp chậm, dẫn đến những bất cập. Thầy Huỳnh Văn Long, hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn, cho biết việc xây dựng trường đến nay vẫn chưa thực hiện.

Điều này khiến bà Vân bất ngờ bởi việc xây dựng trường đã được tỉnh đồng ý và nằm trong vốn trung hạn 2021-2025. Bà Vân yêu cầu các sở ngành liên quan trả lời vấn đề này.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án Trường THPT Lý Sơn được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ đầu năm 2021 với số vốn 79 tỉ đồng. Thủ tục ban đầu mới được chủ đầu tư là UBND huyện Lý Sơn hoàn thành vào tháng 12-2022. Từ thủ tục ban đầu, còn rất nhiều thủ tục khác để có thể thi công được dự án.

Việc triển khai của UBND huyện Lý Sơn chậm, nên chủ tịch UBND tỉnh đã chuyển dự án cho Ban quản lý đầu tư các công trình dân dụng tỉnh làm chủ đầu tư. Việc chuyển giao đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục.

Bà Vân yêu cầu các bên "tăng tốc" bởi Lý Sơn là huyện đảo, nếu không nhanh sẽ rơi vào các tháng cuối năm, biển động việc thi công sẽ đình trệ. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư "hứa" sẽ khiển khai nhanh và sớm đưa công trình vào hoạt động.

Những ý kiến xác đáng

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi sau khi lắng nghe ý kiến, tâm tư của các nhà giáo đã yêu cầu các đơn vị ngoài trả lời tại buổi đối thoại, còn phải tổng hợp, trả lời bằng văn bản cụ thể từng vấn đề và hướng xử lý.

Bà Vân ghi nhận cố gắng của ngành giáo dục nhưng cũng nhận ra những khó khăn, thách thức như: chất lượng giáo dục ở các cấp học tuy được cải thiện nhưng chưa thật vững chắc, chưa đồng đều, nhất là ở các huyện miền núi, vùng ven biển, đảo.

Cơ sở vật chất trường, lớp, phương tiện, thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Tỉ lệ chi đầu tư phát triển và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đối thoại với ngành giáo dục - đào tạo - Ảnh 5.

Giáo dục miền núi còn nhiều bất cập, các giáo viên phải nỗ lực để học sinh đến trường, bà Vân, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ghi nhận và trân quý nỗ lực của thầy cô - Ảnh: TRẦN MAI

Một số huyện miền núi vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đến trường khó khăn do nhà ở xa trường. Sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm hoặc làm trái với ngành, nghề đào tạo...

Bà Vân cho rằng 4 nhóm vấn đề chính nêu ra tại cuộc đối thoại là hoàn toàn xác đáng, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong công việc.

"Với trách nhiệm bí thư Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu đầy đủ và rất đồng cảm, chia sẻ với tất cả những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo", bà Vân nói.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành trên cơ sở các ý kiến đã trao đổi, tiếp tục tổng hợp, rà soát để tháo gỡ, giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với những nội dung cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo kiến nghị, phản ánh tại buổi đối thoại, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng trao hỗ trợ kinh phí xây dựng Trường tiểu học An Vĩnh 2 (huyện đảo Lý Sơn); hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất Trường phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Trương Ngọc Khang (huyện Trà Bồng); tặng giày, giường ngủ bán trú cho học sinh các huyện miền núi; tặng quà, kinh phí xây dựng nhà ở cho học sinh nghèo, giáo viên và cựu giáo viên khó khan. Tổng giá trị gần 7 tỉ đồng.

Xu hướng mới: Trải nghiệm mùa hè mang đậm tính giáo dụcXu hướng mới: Trải nghiệm mùa hè mang đậm tính giáo dục

Thời kỳ công nghiệp 4.0 vận hành như vũ bão, kéo theo nhiều biến động của toàn bộ thế giới trong tương lai ngắn. Thực tế ấy khiến mùa hè của trẻ em hiện nay - những chủ nhân của thế giới tương lai - cũng cần được làm mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên