22/02/2024 10:19 GMT+7

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 4: Mấy mươi năm 'đối thoại' với phu quân đã khuất

Suốt mấy mươi năm khi phu quân Khải Định 'cưỡi rồng về làm khách trời', bà Ân Phi thường xuyên đối thoại, trách cứ vua đến tận cùng. Các cuộc đối thoại diễn ra liên tục, cả ngày lẫn đêm.

“Hoàng hậu nước An Nam” Hồ Thị Chỉ trên một tấm bưu ảnh của người Pháp đương thời - Ảnh tư liệu

“Hoàng hậu nước An Nam” Hồ Thị Chỉ trên một tấm bưu ảnh của người Pháp đương thời - Ảnh tư liệu

Mỗi giai đoạn cuộc đời bà đều có cách thức, tần suất và tính chất đối thoại, mà đúng ra là độc thoại, khác nhau.

Đối diện như có phu quân

Người chứng kiến những cuộc đối thoại thuộc hàng sớm của bà Ân Phi chính là sư bà Diệu Đạt - trụ trì chùa Đông Thuyền (Huế).

Như có cơ duyên, sư bà Diệu Đạt, một đệ tử của sư bà Diệu Không, từng chứng kiến rất nhiều sự kiện quan trọng cuộc đời bà phi. Khoảng năm 1964, khi còn theo học Trường nữ Đồng Khánh, sư bà Diệu Đạt tá túc trong dãy tịnh xá của giáo hội, nay là chùa Kiều Đàm (Điện Biên Phủ, Huế), gần phòng với bà Ân Phi. Lúc ấy, nơi đây có nhà in báo Liên Hoa, nhà trẻ Kiều Đàm và một dãy nhà gỗ làm nơi tá túc của nhiều nữ phật tử.

Trường mẫu giáo Việt Hương, Huế từng là nơi bà Ân Phi ở và "đối thoại" với phu quân trong suốt 8 năm dù nhà vua đã khuất bóng từ lâu - Ảnh: THÁI LỘC

Trường mẫu giáo Việt Hương, Huế từng là nơi bà Ân Phi ở và "đối thoại" với phu quân trong suốt 8 năm dù nhà vua đã khuất bóng từ lâu - Ảnh: THÁI LỘC

"Hồi đó, dãy nhà gỗ chúng tôi ở chỉ được ngăn cách đơn sơ. Tui ở gần bà Phi. Cứ nửa đêm là bà nói chuyện, bà nói như người không tưởng. Bà nói tiếng Pháp tui nghe chữ được chữ mất, nhưng giọng điệu như lời đối thoại với một ai đó, thỉnh thoảng tui nghe đang nói với vua Khải Định", sư bà Diệu Đạt nhớ lại.

Năm 1965, sư bà Diệu Ý khi mới vào tu chùa Hồng Ân, sư phụ là sư bà Diệu Không sai hỗ trợ chị gái Ân Phi đang sinh sống trong phòng riêng của ni xá sau chùa. Sư bà Diệu Ý cho biết trong giai đoạn này, bà Ân Phi đối thoại với người chồng Khải Định cả ngày lẫn đêm.

"Bà ở trong một cái phòng riêng, trong đó có cái bàn nhỏ và hai cái ghế. Bà si (mê) ông Khải Định, bà ngồi như nói chuyện với vua Khải Định rứa tê nọ... Mấy lần cô giỡn chơi ngồi trên cái ghế đối diện với bà. Ui chà, bà la hè, bà nói dễ sợ luôn. Rồi bà đuổi, bà không cho ở nữa.

Mấy lần lu nước để cho bà dùng, bà sợ có thuốc độc, bà đổ đi hết rồi cô phải đi gánh cho đầy. Bộ bàn nớ thì chỉ có bà, và giống như vua Khải Định ngồi trước mặt bà rứa đó. Bà nói chuyện một mình cả ngày. Trưa đang ngủ mà cứ nghe ừ ừ...", sư bà Diệu Ý kể.

Có lần tui hỏi "Bà nói chi mà nói nhiều rứa?". Bà nói ngay "Tui nói chuyện chi mặc kệ tui, mắc chi ông mà ông hỏi. Nói chuyện chi kệ người ta chơ!". Bà cứ trách ngài Khải Định vì răng không nâng đỡ bà!
Ông LÊ HÒA, người cháu sống trong nhà cùng bà Ân Phi giai đoạn cuối đời

Một mình "đối thoại" tay ba

Vợ chồng bà Hoàng Thị Hoa Lài và nhà nghiên cứu văn hóa Lê Nguyễn Lưu sống trên đường Phan Đình Phùng, cách cung An Định vài căn nhà. Bà Lài gọi bà Từ Cung là "đức chị": ông nội bà Từ Cung là anh ruột ông nội bà Lài.

Năm 1969, vợ chồng bà ở trong Thành nội Huế, sợ đạn bom nên nhờ người mẹ đến xin "đức chị" cho vào sống trong lầu Khải Tường của cung An Định. Bà Từ Cung đã cho gia đình bà Lài ở phần bên phải tầng 1 của biệt cung rộng rãi, sang trọng này.

Đến năm 1970, chính bà Lài dọn dẹp căn phòng lớn để nhường cho bà Ân Phi đến ở, theo đề nghị của "đức chị" Từ Cung. Kể từ đó, gia đình bà Lài ở trong căn chái và một phần hành lang tiếp giáp, chỉ cách chỗ ở bà Ân Phi một bức tường có khung cửa kính.

Trong nhiều năm trời, gia đình bà Lài thường xuyên nghe và thấy bà Ân Phi đối thoại. "Hễ buổi chiều là bà đứng nói, có khi một tay chống nạnh, một tay chỉ chỏ, xỉ xỉ vô gương y như cách đối thoại rứa. Bà nói toàn tiếng Pháp, không biết bà nói với ai. Trong nhà thì nói là bà nói với ma, nghe mà nổi da gà luôn.

Giọng bà khi thì nghiêm nghị, như kiểu ra lệnh, khi thì giận dỗi, bức xúc, cũng có khi nhu mì, đằm đẹ, rất nhiều cách khác nhau. Ban đầu nghe bà như nói với người âm, nói ghê lắm, thấy sợ. Nhưng sống chặp (lâu) thấy bà hiền, rồi cũng quen. Thấy tội.

Rồi nghĩ hoàn cảnh của bà đúng là từng có thời hoàng kim... Lâu lâu tui chào bà thì bà ngúc ngắc đầu "Ừ, ừ, ừ", rồi thôi!" - bà Hoa Lài vừa kể vừa huơ tay diễn tả hình ảnh bà Ân Phi in dấu trong đầu.

Em chồng của bà Hoa Lài là họa sĩ Lê Nguyên Lương, từng cùng sống ở cung An Định, cũng nhiều lần chứng kiến các cuộc đối thoại của bà phi. 

Biết ít tiếng Pháp, ông Lương cho biết rất nhiều đêm trong bóng tối, một mình bà sắm ba vai: chính bà, vua Khải Định và vai người cha là quan đại thần Hồ Đắc Trung. 

Cuộc đối thoại có rất nhiều ngữ điệu, khi thì khuyên bảo ôn hòa, khi thì nghiêm nghị ra lệnh, khi thì giận dữ bức xúc, khi thì hờn dỗi khổ đau...

Theo lời họa sĩ Nguyên Lương, cuộc đối thoại, chất vấn của bà giai đoạn này xoay quanh chuyện vì sao đẩy bà vào cuộc hôn nhân, sau đó hắt hủi, bỏ rơi, để giờ này bà trong cảnh tột cùng đau khổ như vậy...

Ông Hoàng Trọng Thí, thủ từ phủ Kiên Thái Vương cạnh cung An Định, hồi đó được mọi người "phong" là "đại úy", kiểu "đóng vai ác" để dọa bà Ân Phi.

"Mấy lần bà Ân Phi nói dữ quá, sợ đụng chạm người này người nọ nên người ta dọa "kêu đại úy qua, kêu đại úy qua". Tui chạy qua nói "Đại úy đây, đại úy đây" thì bà dịu giọng, bảo "Thôi, thôi, để cô đi ngủ". Bình thường bà cũng biết phải biết trái lắm!" - ông Thí kể.

Chùa Kiều Đàm (Huế) với dãy tịnh xá từng là nơi bà Ân Phi tá túc mấy lần - Ảnh: T.LỘC

Chùa Kiều Đàm (Huế) với dãy tịnh xá từng là nơi bà Ân Phi tá túc mấy lần - Ảnh: T.LỘC

"Vì răng ông không thương tôi"

Sau ngày thống nhất 1975, cung An Định thuộc về Nhà nước, bà Ân Phi lên chùa ở một thời gian rồi đòi về ở gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Hồi đó, trụ sở Trường mẫu giáo Việt Hương hiện nay là dãy nhà dài hai tầng. Tầng trên là nơi ở của các seur, tầng dưới thì linh mục quản giáo xứ Nguyễn Đình Lành cho 10 gia đình giáo dân chưa có nhà vào ở.

Nằm trong số đó, bà Ân Phi được bố trí phòng nhỏ tầng trệt có vệ sinh khép kín. Ông Hồ Văn Huyến ở cách phòng bà Ân Phi một căn, kể: "Bà phi không bao giờ ngồi không. Bà làm việc luôn tay. Những khi không làm chi thì bà nói chuyện với vua Khải Định. Bà không kêu tên mà chỉ xưng hô "ông, tôi", ngồi nói chuyện như có ông Khải Định ngồi trước mặt bà rứa đó. Tới bữa cơm thì bỏ hai cái chén, hai đôi đũa. Một cái bà ăn, cái còn lại để không. Bà tôn sùng vua lắm, rất dễ thương!".

Bà Nguyễn Thị Diệp, vợ ông Huyến, nói chen: "Hồi đó ban ngày bà cũng nói, ban đêm cũng nói. Nhiều đêm thanh tịnh bà nói tụi tui còn nghe rõ mồn một".

Giai đoạn ở đây, bà Ân Phi hễ về là đóng kín cửa, giấu mình tự đối thoại trong phòng. Vợ chồng ông Huyến nghe và quan sát được bà nhờ nhìn qua lỗ khóa.

"Vì bà lớn tuổi, lỡ có chuyện chi để giúp đỡ, nên tôi thường nhìn vô phòng bà qua lỗ khóa. Tôi thường thấy bà ngồi, vận áo dài chỉnh tề, hai tay kê lên thành ghế, nhìn thẳng ghế trước nói rang rảng. Có lần biết tôi đang nhìn, bà lấy nước tạt", ông Huyến hồi tưởng.

Ông Lê Hòa là người cháu sống trong nhà cùng bà Ân Phi giai đoạn cuối đời. Ông cho hay: "Cuối đời bà nói nhảm lung tung lắm. Bà hay nói: "Vì răng ông không thương tôi, cho tôi danh chính ngôn thuận, mà ông lại cho bà Từ Cung... Ông không thương tôi, mà ông thương bà Từ Cung nhiều hơn".

Bà một mình nói lảm nhảm. Nằm bà cũng nói, ngồi bà cũng nói, đang dọn dẹp nhà cửa bà cũng nói, cứ lảm nhảm như rứa".

-----------------------

Những ngày cuối đời, đặc biệt là đám tang của bà Ân Phi thuộc dạng lạ lùng hiếm gặp trong đời, nhất là sự "dùng dằng" về mặt tôn giáo.

Kỳ tới: Những ngày cuối đời kỳ lạ của một bà hoàng

Bí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 3: Bà Ân Phi cắp thúng bánh đi bán dạoBí ẩn vợ vua phải làm bánh bán dạo - Kỳ 3: Bà Ân Phi cắp thúng bánh đi bán dạo

'Gọi "Mụ bán bánh!", hay gọi đơn giản "Bánh!" thì bà ghé lại, ngồi xuống bán. Hễ có người biết, kêu bà phi bán bánh, hay bà phi thì bà ngoảy đi. Dường như bà bán bánh vì một lý do nào đó, không hẳn do túng thiếu!'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên