23/03/2012 07:41 GMT+7

Bất thường thủy điện

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Câu chuyện về rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đang rất nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đánh động đến cả Chính phủ khi đích thân Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phải chỉ đạo khẩn cho Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN và Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra, có giải pháp khắc phục ngay.

Không lo sao được khi những trục trặc phát sinh ở thủy điện này đang ảnh hưởng lớn đến an nguy của hàng chục ngàn dân ở vùng hạ lưu - một “quả bom nước” treo lơ lửng có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào. An toàn của các nhà máy thủy điện một lần nữa khiến người dân... thót tim.

Phân tích nguyên nhân gây ra hiện tượng rò rỉ nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 sau khi đi kiểm tra thực tế, tiến sĩ Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - đưa ra kết luận: “Công trình này lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát đến khâu khai thác vận hành”. Một kết luận gây rúng động khiến nhiều người phải giật mình.

Một công trình thủy điện lớn như Sông Tranh 2, tổng mức đầu tư lên đến 5.194 tỉ đồng và được xếp vào một trong những thủy điện lớn nhất khu vực miền Trung (công suất 190MW), có sức chứa lên đến 730 triệu m3 nước, lại có quá nhiều lỗi ở tất cả các khâu như vậy thì không bình thường và khó chấp nhận!

Trong khi chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam tỏ ra rất sốt ruột, ăn ngủ chẳng yên trước chuyện nước rò rỉ bất thường ở thủy điện Sông Tranh 2 thì phía chủ đầu tư thủy điện này là Tập đoàn Điện lực VN lại tỏ vẻ bình thản, chậm xử lý để ngăn ngừa hậu họa, gây bức xúc trong dư luận.

Ông Vũ Đức Toàn, phó giám đốc Ban quản lý thủy điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực VN), trả lời rất gọn với báo chí rằng những vết nứt ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đều ở vị trí những khe nhiệt của khối bêtông bờ đập và hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt là hoàn toàn cho phép và bình thường.

Cách lý giải này của ông Toàn liệu có chủ quan khi lượng nước rò rỉ ngày càng nhiều ra - bằng mắt thường cũng thấy bất ổn? Nếu đã là một hiện tượng bình thường thì tại sao khi có chuyện rò rỉ ở đập chính của thủy điện Sông Tranh 2 lộ ra lại vội vàng cho công nhân khoan vào điểm bị rò rỉ, nhét vải bạt vào đó để ngăn không cho nước tiếp tục rò rỉ ra ngoài rất thủ công như thế?

Trong khi đó, quan điểm của GS.TSKH Phạm Hồng Giang - chủ tịch Hội Đập lớn VN - nhấn mạnh rằng việc xuất hiện trên thân đập vết nứt, rồi nước rỉ thành dòng từ thượng lưu ngấm qua thân đập xuống hạ lưu là “rất nguy hiểm”, là điều không được phép trong xây dựng đập. Ông Giang cho rằng nếu không kiểm tra, xử lý kịp thời thì từ vết nứt, dòng nước rò rỉ trong thân đập sẽ làm hỏng, xói mòn vật liệu (bêtông) tạo thành xói ngầm. Chậm xử lý xói ngầm sẽ sinh năng lượng và đến thời điểm sẽ gây bục, vỡ đập.

Đáng lo ở chỗ đập thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay không hề có phương án về trường hợp xấu nhất (do được thiết kế vĩnh cửu) cũng như kịch bản di dân, phòng chống và diễn tập cho dân vùng hạ lưu. Cần nhắc lại rằng phía dưới thủy điện là nhà cửa, đất đai và tính mạng của hàng chục ngàn cư dân.

Sự chủ động trong công tác di dời dân, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu trong điều kiện sự cố về rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa được xử lý triệt để là việc cần thiết mà chính quyền địa phương và cơ quan liên quan phải nghĩ đến lúc này.

Đây không phải là lần đầu tiên các đơn vị đầu tư dự án thủy điện tỏ ra hờ hững về sự an toàn đối với các dự án thủy điện, về an nguy của người dân vùng hạ lưu. Ở miền Trung - Tây nguyên rất nhiều phen dân làng thất kinh, chạy “lũ thủy điện” và chịu biết bao thiệt hại khi thủy điện thi nhau xả lũ vô tội vạ.

Rồi cả chuyện dân kêu ca thủy điện tích nước khiến bà con kham khổ chịu cảnh ruộng khô - người khát (chưa nói đến việc mất đất, mất rừng). Đã có nhiều cuộc hội thảo, những hoạch định trong việc quy hoạch, sắp xếp lại các dự án thủy điện cũng như quy trình vận hành sản xuất nhưng những bất cập, những mối nguy vẫn còn đó, tiềm ẩn bên trong các nhà máy thủy điện mỗi ngày.

Đã đến lúc rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, chấn chỉnh “an toàn, trật tự thủy điện” mà nhiệm vụ trước mắt là chỉ đạo xử lý dứt điểm ngay sự cố rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2 cho dân bớt lo.

__________

Tin bài liên quan:

Nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2Đập Sông Tranh "có vấn đề"EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2Yêu cầu khắc phục lỗi đập thủy điện Sông TranhĐập thủy điện Sông Tranh 2: Khâu nào cũng có lỗi

VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên