21/02/2024 13:23 GMT+7

Bất động sản đóng băng, vốn tín dụng tắc

Room tín dụng năm 2024 của toàn hệ thống được Ngân hàng Nhà nước định hướng là 15% và đã giao hết, nhưng sau 2 tháng, tín dụng toàn hệ thống đang âm 0,6% so với cuối năm 2023 dù hầu hết các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng thương mại không chỉ gặp khó trong việc cho vay mà còn đối diện với nguy cơ nợ xấu tăng cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các ngân hàng thương mại không chỉ gặp khó trong việc cho vay mà còn đối diện với nguy cơ nợ xấu tăng cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội nghị tín dụng toàn ngành được tổ chức vào ngày 20-2, bà Hà Thu Giang - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết trong tháng 1-2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,88%, nhóm ngân hàng TMCP giảm 0,51%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%...

Lãi suất giảm sâu, vẫn khó cho vay

Các "ông lớn" ngân hàng trong nhóm Big4 cũng cho biết tín dụng đang âm so với cuối năm 2023.

Ông Phạm Toàn Vượng, tổng giám đốc Agribank, cho hay sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào ngân hàng rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào, lãi suất cho vay cũng được ngân hàng này chủ động giảm thêm 0,5 - 1%/năm nhưng vẫn gặp khó trong hoạt động cho vay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank, cũng cho biết hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đạt 1,24 triệu tỉ đồng, giảm khoảng 30.000 tỉ (tương đương 2,23%) so với cuối năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu là do tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm khi kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng.

Các dự án được cấp phép trong năm 2023 và đầu năm nay đều giảm, chưa kể những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.

Trong khi đó, theo ông Tùng, mặt bằng lãi suất cho vay đã thấp hơn cả thời kỳ COVID-19 nên lãi suất không phải là vấn đề đối với khách vay.

"Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu. Tỉ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn có yếu tố thời vụ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm, trong khi đây là nhóm khách hàng quan trọng của Vietcombank.

Các khách hàng FDI cũng trả nợ khoản vay ngắn hạn", ông Tùng nói và cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục triển khai cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân.

Ông Trần Long - phó tổng giám đốc BIDV - cho hay tín dụng tại BIDV giảm khoảng 25.000 tỉ đồng do kinh tế vẫn đang khó khăn.

Các động lực tăng trưởng sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu... đối mặt nhiều khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu chậm. DN đăng ký thành lập mới chỉ tăng nhẹ nhưng DN tạm ngừng tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

"Thêm vào đó, năng lực tài chính của DN giảm sút. Nhiều DN xăng dầu, điện đối mặt với pháp lý. Các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tăng theo. DN có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn", ông Long cho biết.

Theo ông Phạm Như Ánh, tổng giám đốc MB, nguồn cầu của thị trường yếu, hấp thụ kém, nền kinh tế còn khó khăn. Vay để làm gì là câu chuyện lớn.

"Năm ngoái nói nhiều về tháo gỡ khó khăn cho bất động sản nhưng năm nay vẫn khó khăn. Đề nghị NHNN phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024" - ông Ánh nói.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước - Đồ họa: T.ĐẠT

Lo nợ xấu của các ngân hàng tăng cao

Cũng tại hội nghị, hầu hết các ngân hàng đều lên tiếng kiến nghị gia hạn thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ để khách hàng "thong thả" hơn trong việc trả nợ. Theo ông Trần Long, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, khả năng trả nợ của khách hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

"Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30-6 tới đây nên khả năng nợ xấu sẽ tăng. Do đó, nếu không được gia hạn thông tư 02 sẽ khó khăn cho cả khách hàng lẫn ngân hàng", ông Long nói.

Ông Hồ Nam Tiến, phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc LPBank, cho biết ngân hàng này đã cơ cấu được khoảng 2.500 tỉ đồng dư nợ theo thông tư 02.

Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi thông tư 02 đến hạn vào ngày 30-6 là câu chuyện khó khăn đối với nhiều khách hàng.

Do đó, các ngân hàng mong muốn được NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo thông tư 02. Theo ông Phạm Như Ánh, NHNN nên xem xét gia hạn thêm 1 năm, tức đến tháng 6-2025, để giúp khách hàng và ngân hàng có điều kiện và thời gian trong việc trả nợ.

Ông Phạm Quang Thắng, phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết cơ cấu nợ của khách hàng tại Techcombank theo thông tư 02 đến cuối tháng 1-2024 khoảng 6.000 tỉ đồng và khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần.

Tuy nhiên theo ông Thắng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ, cần gia hạn thông tư 02.

Lãnh đạo SeABank cũng kiến nghị kéo dài thời gian của thông tư 02 thêm 6 tháng hoặc 1 năm để khách hàng có thời gian trả nợ.

Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc VPBank, khẳng định lãi suất cho vay không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua.

"Dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá" - ông Vinh nói và cho biết cho vay tiêu dùng cũng sụt giảm mạnh, dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính tiêu dùng trong năm qua giảm hơn 20%.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, room tín dụng năm 2024 không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay.

Trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng.

"Nên gia hạn thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, đồng thời có biện pháp để xử lý các hội nhóm "bùng nợ" công khai hiện nay", ông Hùng đề nghị.

Khó công khai lãi suất cho vay bình quân?

Cũng tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc NHNN, nhấn mạnh lãi suất cho vay đang được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm vì lãi suất huy động xuống rất thấp, lãi suất cho vay đã giảm chưa và giảm như thế nào, nhất là đối với các khoản vay với lãi suất cũ.

Theo ông Tú, vào cuối năm 2023, NHNN đã có chỉ đạo về việc công khai lãi suất cho vay bình quân, các ngân hàng đã thực hiện chưa? Nếu chưa công bố thì bao giờ công bố?

"Tôi nói luôn là chưa có chế tài nhưng đây là hoạt động gắn với thị trường. Việc công khai lãi suất là để minh bạch, để người dân lựa chọn vay vốn. Nếu như ngân hàng nào không công bố, người dân và doanh nghiệp sẽ đánh giá" - ông Tú nói.

Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều kêu khó công khai lãi suất cho vay bình quân với khách hàng tổ chức, nhất là với các khoản vay trung và dài hạn do lo ngại bị khách hàng phản ứng.

"Dù lãi suất cho vay giảm 1-2%/năm, có khách hàng được giảm 3%/năm nhưng lãi suất trung và dài hạn ở mức 10,5-11%/năm nên khách hàng vẫn kêu khi cho rằng mặt bằng lãi suất huy động đầu vào có 6-7%/năm...", lãnh đạo một ngân hàng cho hay.

Sẽ kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đào Minh Tú cho biết ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Nhưng mở rộng tín dụng phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, đúng đối tượng và kiểm soát rủi ro, không hạ chuẩn tín dụng. Không để nợ xấu tăng cao.

Tuy nhiên, ông Tú yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục để hạ lãi suất cho vay.

"Tất nhiên, việc giảm lãi suất là quyền của các ngân hàng thương mại. Nhưng ngân hàng không thể để chênh lệch quá lớn giữa lãi suất đầu vào với lãi suất đầu ra. Cái đó mới tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn" - ông Tú nói.

Đối với thông tư 02, ông Tú cho biết sẽ kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp khó khăn.

Nhưng thời gian kéo dài trong bao lâu, sửa đổi nội dung gì... các đơn vị chức năng của NHNN sẽ có đánh giá. Tinh thần thông tư mới sẽ được ban hành ngay trong quý 1.

"Tinh thần là NHNN sẽ báo cáo Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Nhưng nội hàm của thông tư này có thay đổi không hay chỉ thay đổi về mặt thời gian thì phải cân đối hài hòa trên nguyên tắc hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng phải đảm bảo an toàn chất lượng nợ", ông Tú nói.

Loạt ngân hàng đổ mạnh tiền cho vay bất động sảnLoạt ngân hàng đổ mạnh tiền cho vay bất động sản

Tính đến cuối năm 2023, một số ngân hàng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh so với cuối 2022, có ngân hàng tăng gần 23.000 tỉ đồng trong quý cuối năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên