19/04/2024 10:23 GMT+7

Bán điện tái tạo trực tiếp cho khách hàng: Khó khả thi?

Cùng với quy định mua bán điện tái tạo trực tiếp thông qua hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đề xuất các khách hàng sử dụng điện lớn sẽ được mua điện trực tiếp với đường truyền tải riêng.

Cánh đồng điện gió tại huyện Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) trở thành điểm thu hút khách du lịch - Ảnh: T.T.D.

Cánh đồng điện gió tại huyện Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) trở thành điểm thu hút khách du lịch - Ảnh: T.T.D.

Đây là cơ chế để khuyến khích tiêu thụ năng lượng nhưng liệu có khả thi khi hệ thống điện tái tạo đều xa trung tâm và thiếu đường dây truyền tải?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho hay cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và các khách hàng sử dụng điện lớn được Bộ Công Thương xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh và giải quyết các vấn đề cấp bách trong lĩnh vực năng lượng.

Có thể mua điện sạch không qua EVN?

Theo đó, các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo và các khách hàng sử dụng điện lớn có thể ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp với nhau thông qua hai hình thức.

Cụ thể, nhà máy điện tái tạo có thể bán điện cho khách hàng sử dụng điện công suất lớn (sản xuất, dịch vụ) thông qua đường dây riêng, tức là không phải mua điện thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Để thực hiện việc mua bán điện qua hình thức này, các bên phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về: quy hoạch, đầu tư, cấp giấy phép hoạt động điện lực, quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy nổ trong xây dựng, vận hành, an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện, hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đối với trường hợp mua bán điện qua lưới điện quốc gia, trong giai đoạn đầu triển khai sẽ áp dụng cho đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có công suất từ 10MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Khách hàng sử dụng điện lớn mua điện trên cơ sở đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và sản lượng tiêu thụ trung bình hằng tháng từ 500.000kWh.

Nêu quan điểm đối với hai phương án trên, lãnh đạo một tập đoàn năng lượng lớn phía Nam cho rằng cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn vừa có những mặt phù hợp với thực tế nhưng cũng có những vấn đề phải đặt ra trong bối cảnh hiện nay và cần có một chính sách dài hơi.

Bởi theo vị này, các nhà máy năng lượng tái tạo được bán điện trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu dùng điện lớn như các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ thông qua đường dây riêng tại thời điểm này không khả thi.

Thứ nhất, nhà máy điện mặt trời chỉ bán điện tối đa công suất cho phía nhà máy tiêu thụ vào khoảng từ 12-13h trưa, các khoảng thời gian còn lại công suất sẽ không thể đạt mức tối đa hoặc không ổn định trong khi buổi tối không có điện.

Do đó, nhà máy sản xuất này muốn hoạt động ổn định thì phải có điều hòa công suất để bù vào thời gian thiếu nguồn năng lượng mặt trời, tức là phải bỏ chi phí cao để đầu tư bộ lưu trữ điện năng (BESS).

Trong khi đó, hiện rất khó để một doanh nghiệp đầu tư bộ lưu trữ điện do chi phí cao, ước tính gấp 3 lần so với mua điện từ EVN. Còn về dài hạn khi giá BESS hạ xuống, doanh nghiệp vẫn có thể đầu tư hoặc có thêm các nguồn điện khác để điều hòa, bổ sung công suất thiếu hụt khi nhà máy năng lượng tái tạo không thể cung cấp điện.

"Về mặt kỹ thuật có thể làm được nhưng xét ở góc độ thương mại sẽ khó khả thi tại thời điểm này. Ví dụ giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng sẽ khó để xây dựng đường dây truyền tải. Do đó các nhà máy điện xây mới hoặc các nhà máy điện chuyển tiếp sẽ chọn phương án bán điện cho EVN. Chưa kể cả bên bán lẫn bên mua sẽ không chọn phương án rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào đầu ra, đầu vào duy nhất", vị lãnh đạo trên nói thêm.

Nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió tại Khu kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió tại Khu kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khó khăn trong truyền tải điện

Tương tự, ông Nguyễn Phương Nam - giám đốc một doanh nghiệp chuyên xây dựng đường dây truyền tải điện - cho biết thông thường các nhà máy điện gió, điện mặt trời đều đặt xa khu dân cư, nhà máy hoặc khu công nghiệp. Do đó, để truyền tải độc lập không qua lưới điện EVN, các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí lớn để xây dựng những đường dây truyền tải dài hàng km đến hàng chục km.

Theo ông Nam, đối với các nhà đầu tư tư nhân, để xây dựng một đường dây truyền tải hiện nay không hề dễ dàng khi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng rất cao hoặc thậm chí nhiều trường hợp không thể giải phóng mặt bằng.

"Ngay cả các dự án truyền tải của EVN có trong quy hoạch, có chủ trương đầu tư rồi khi xây dựng còn trầy vi tróc vảy mới xây được huống gì nhà đầu tư tư nhân. Đó là chưa kể các hao hụt trong truyền tải cũng ảnh hưởng đến nhà đầu tư", ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió - mặt trời Bình Thuận - cho rằng phương án nhà đầu tư tự đầu tư đường dây truyền tải sẽ không khả thi cả về mặt kỹ thuật lẫn tài chính.

Theo ông Thịnh, nếu đầu tư mới một đường dây truyền tải nhưng chỉ dùng một nửa công suất, chỉ truyền tải lúc có điện như ban ngày, còn ban đêm không sử dụng sẽ lãng phí.

"Thử hình dung đối với một chung cư, nếu nhà nào dùng nước phải đầu tư một ống nước riêng thì hệ thống sẽ rối rắm, lãng phí nguồn lực đầu tư mà lại không tận dụng hết khả năng truyền tải", ông Thịnh nói.

Do đó, ông Thịnh cho rằng bản thân các doanh nghiệp năng lượng, trong đó có các nhà máy năng lượng chuyển tiếp, cũng sẽ chọn phương án bán điện thông qua lưới điện EVN nếu tham gia cơ chế DPPA. Nguồn điện từ các dự án năng lượng phải đấu vào lưới điện quốc gia mới khả thi và hiệu quả, giá bán mới thấp được, còn nếu làm đường dây riêng sẽ không có chuyện giá điện thấp được...

Các doanh nghiệp lo ngại sẽ khó khăn khi tự đầu tư đường dây truyền tải bởi chi phí cao, không tận dụng hết công suất truyền tải - Ảnh: N.HIỂN

Các doanh nghiệp lo ngại sẽ khó khăn khi tự đầu tư đường dây truyền tải bởi chi phí cao, không tận dụng hết công suất truyền tải - Ảnh: N.HIỂN

* Ông Phạm Đăng An (phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group):

Cần có chính sách rõ cho cơ chế DPPA

Bán điện tái tạo trực tiếp cho khách hàng: Khó khả thi?- Ảnh 4.

Nếu mua bán điện năng lượng tái tạo qua đường dây riêng, có thể sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được phương án này do các rào cản về chi phí đầu tư cũng như kinh nghiệm vận hành truyền tải. Đa số các dự án năng lượng tái tạo trên 10MW, đặc biệt là các nhà máy năng lượng tái tạo tập trung ở khá xa các nhà xưởng sản xuất nên sẽ có những rào cản.

Còn với phương án đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng lớn mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia, EVN và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ thay vì là người bao tiêu. EVN có thể đảm bảo về khả năng truyền tải để đủ sản lượng điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ theo đúng hợp đồng.

Tất nhiên, nếu huy động quá lớn ở một nguồn, có nguy cơ ảnh hưởng đến cân bằng phụ tải thì doanh nghiệp có khả năng phải chi trả thêm chi phí cân bằng phụ tải. Điều quan trọng là cần có chính sách rõ ràng và các bên cùng ngồi với nhau, đưa ra các cam kết rõ ràng để việc thực thi cơ chế DPPA được hiệu quả, mang lại lợi ích hài hòa cho mỗi bên.

Tạo môi trường kinh doanh công bằng

Bán điện tái tạo trực tiếp cho khách hàng: Khó khả thi?- Ảnh 5.

Để tìm giải pháp cho những khúc mắc trên cũng như về giá cả khi mua bán, Tuổi Trẻ trao đổi cụ thể thêm với ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực.

Ông Trần Việt Hòa cho rằng việc xác định giá mua bán điện trực tiếp phụ thuộc vào các yếu tố cụ thể như điều kiện thị trường năng lượng và các yếu tố như giá điện tại thời điểm mua bán, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, các khoản phí liên quan khác và quy định pháp lý hiện có. Ngoài ra, các quy định về việc kết nối lưới điện quốc gia/địa phương, các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo cũng có thể ảnh hưởng đến tính hợp lý và khả năng mua điện trực tiếp từ các nhà máy.

* Vậy dự thảo đưa ra quy định thế nào để xác định giá cho cơ chế DPPA?

- Trong dự thảo quy định các nguyên tắc tính toán giá/chi phí trong DPPA nhằm các mục tiêu như tính toán giá/chi phí trong DPPA đảm bảo tính công bằng và minh bạch trên cơ sở xem xét các yếu tố chi phí liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo. Điều này giúp đảm bảo rằng giá mua điện phản ánh đúng chi phí của nhà máy và tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng cho các bên tham gia.

Ngoài ra dự thảo còn dựa trên nguyên tắc về tính hợp lý. Việc này sẽ dựa trên cơ sở các yếu tố chi phí các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện...), giá thị trường giao ngay và các điều khoản hợp đồng.

Nguyên tắc này giúp đảm bảo rằng giá mua điện trong DPPA được xác định một cách trung thực và phản ánh các yếu tố quan trọng. Việc xác định giá DPPA cũng sẽ linh hoạt và đảm bảo khả năng đàm phán.

Việc mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo mang lại sự linh hoạt cho khách hàng. Họ có khả năng đàm phán giá cả và điều kiện hợp đồng để đạt được giá cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ.

Với hai phương án mua bán điện trực tiếp, các doanh nghiệp có thể bán điện thông qua EVN hoặc tự làm đường dây truyền tải - Ảnh: NGỌC HIỂN

Với hai phương án mua bán điện trực tiếp, các doanh nghiệp có thể bán điện thông qua EVN hoặc tự làm đường dây truyền tải - Ảnh: NGỌC HIỂN

* Bộ Công Thương sẽ có giải pháp nào để thúc đẩy cơ chế này nhằm thực hiện việc mua bán DPPA đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả, ngăn chặn việc trục lợi của các bên?

- Chúng tôi sẽ thiết lập khung pháp lý và quy định rõ ràng, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích của các bên tham gia. Các bên tham gia sẽ có thông tin chi tiết về quy trình, tiêu chuẩn và quy tắc, từ đó tạo ra môi trường minh bạch và đáng tin cậy.

Cơ chế giá, chi phí như tôi đã phân tích ở trên, cũng sẽ được thiết lập để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và dựa trên các tiêu chí khách quan. Điều này nhằm đảm bảo rằng các bên tham gia mua bán DPPA nhận được giá trị tương xứng với hoạt động sản xuất điện tái tạo của họ. Mục tiêu là nhằm khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo và tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Cơ chế được xây dựng cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường mua bán DPPA. Bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ liên quan đến mua bán DPPA giúp tạo ra một môi trường thuận lợi cho các bên tham gia. Việc cải thiện hệ thống truyền tải điện và xây dựng các hệ thống đo lường, giám sát hiệu suất điện tái tạo đảm bảo việc giao dịch DPPA diễn ra một cách hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế giám sát và kiểm soát, đảm bảo rằng các quy định và quy tắc trong quá trình mua bán DPPA được tuân thủ. Việc báo cáo và kiểm tra định kỳ, cùng với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ giúp ngăn chặn việc trục lợi và đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Đào tạo và phát triển nhân lực giúp nâng cao năng lực của các bên tham gia, đảm bảo hoạt động mua bán DPPA được thực hiện một cách hiệu quả.

* Còn việc giải quyết những khó khăn về đường dây truyền tải điện như các doanh nghiệp đặt ra sẽ ra sao, thưa ông?

- Đối với trường hợp đơn vị phát điện năng lượng tái tạo muốn bán điện trực tiếp cho các khách hàng nhưng không có đường dây riêng, dự thảo đã đưa ra quy định các bên có thể lựa chọn tham gia cơ chế DPPA để ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp và sử dụng lưới điện quốc gia để tiếp nhận điện, đảm bảo nhu cầu điện được duy trì liên tục và ổn định.

Tuy nhiên, với cơ chế DPPA thông qua lưới điện quốc gia cũng đặt ra một số khó khăn nhất định cho các bên tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh. Cụ thể, để vận hành hệ thống điện an toàn ổn định, khả năng truyền tải điện khi có các nhà máy điện tái tạo tham gia, cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng hoặc mở rộng đảm bảo sự ổn định của hệ thống.

Tăng cường việc ứng dụng công nghệ và hoàn thiện quy trình để kiểm soát, điều chỉnh sản lượng điện theo biến động của nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, hệ thống điện cần có khả năng linh hoạt và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn này và đáp ứng yêu cầu về mức tiêu thụ điện.

Tỉnh xin thêm điện tái tạo, bộ trưởng Bộ Công Thương: Tỉnh xin thêm điện tái tạo, bộ trưởng Bộ Công Thương: 'Không thể phát triển ngẫu hứng'

Trước kiến nghị của một số địa phương xin bổ sung thêm nguồn điện tái tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thể do không đáp ứng tiêu chí và vượt 'room' phân bổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên