18/10/2022 10:25 GMT+7

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ cuối: Đội tình nguyện chữa cháy, giải pháp tức thì

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Các tình nguyện viên cứu hỏa là những người đầu tiên đến hiện trường hỗ trợ người dân ngay tức thì trong khi chờ đợi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đến. Họ giữ vai trò cần thiết khi đám cháy mới bùng phát.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ cuối: Đội tình nguyện chữa cháy, giải pháp tức thì - Ảnh 1.

Tình nguyện viên cứu hỏa Cleo Soffia 18 tuổi - Ảnh: catholicmom.com

Nhiều nơi đã phát triển tốt mô hình đội tình nguyện chữa cháy nhanh chóng ngay cộng đồng này.

Chữa cháy rất nguy hiểm ngay cả đối với lính cứu hỏa nam nhưng chúng tôi cần phải cứu mạng sống ai đó.

CLEO SOFFIA

Nữ nhi sẵn sàng lao vào lửa đỏ

Một ngày nọ tại thành phố Navotas thuộc vùng thủ đô quốc gia Philippines, điện thoại của Cleo Soffia nhận được tin nhắn "10-92". Đây là mã tín hiệu khẩn cấp của đội tình nguyện viên cứu hỏa thông báo có đám cháy. Cô sinh viên 18 tuổi nhanh chóng mặc đồng phục. 

Các thứ này đều là đồ mượn từ Cục Phòng cháy chữa cháy (trực thuộc Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương). Chỉ có đôi giày chữa cháy là món đồ duy nhất của cô. Cô chạy đến trạm cứu hỏa rồi cùng lực lượng cứu hỏa - tất cả đều là nam giới theo xe đến hiện trường chữa cháy.

Động cơ học kỹ năng cứu hỏa của Cleo hình thành do khu ổ chuột nơi cô lớn lên rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Cha cô làm nghề bán cá còn mẹ cô giúp việc nhà. Năm lên 7 tuổi, cô đã được các nhân viên chương trình bảo trợ trẻ em Unbound Quezon giúp trau dồi tính cách. 

Một ngày nọ, một cô bạn kể cho Cleo nghe kinh nghiệm làm tình nguyện viên cứu hỏa. Cô bắt đầu quan tâm và mong muốn làm công việc gì đó giúp ích cho cộng đồng. Năm 15 tuổi, cô chính thức tham gia đội tình nguyện viên cứu hỏa. 

Mỗi lính mới đều được Cục Phòng cháy chữa cháy huấn luyện nghiệp vụ. Cleo muốn thử thách bản thân trong quá trình học hỏi kỹ thuật chữa cháy. Cô kể: "Ban đầu tôi rất lo lắng khi đi vào thực tế. Nhưng cuối cùng tôi đã có thể điều chỉnh bản thân và học cách có thể giúp lính cứu hỏa tại hiện trường".

Tình nguyện viên cứu hỏa giỏi cần nhiều yếu tố như khả năng thích ứng, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt, đáng tin cậy, có tinh thần cống hiến và thể chất tốt. Điểm nổi bật của Cleo Soffia là lòng dũng cảm. 

Bên cạnh những nguy hiểm hiển nhiên từ đám cháy, thử thách chủ yếu đôi lúc cô phải đối mặt chính là thái độ tuyệt vọng của đám đông. Họ không bất lực đứng nhìn nhà cửa bốc cháy. Cô kể lại: "Có nhiều khu người dân ở đó rất dữ tợn. Họ giật lấy vòi nước của chúng tôi. Đôi khi chúng tôi để cho họ lấy vòi thay vì để họ làm bị thương".

Cleo chấp nhận rủi ro bởi lẽ không ai hiểu hoàn cảnh của đám đông đang lo lắng hơn một người đã sống như họ. Cô cùng cha mẹ và bốn anh chị em đã từng sống trong khu nhà ổ chuột một thời gian dài. 

Cô bộc bạch: "Về mặt tình cảm, tôi biết mình đang giúp đỡ cộng đồng của mình hết sức có thể. Thật ấm lòng và căng thẳng giảm bớt khi bạn nghe họ nói cảm ơn vì đã giúp đỡ họ". Hiện nay, Cleo đang theo học năm thứ nhất đại học để lấy bằng cử nhân tội phạm học. Ước mơ của cô là có thể tự chủ về tài chính để lo toan cho cha mẹ.

Tại vùng đô thị Manila và các trung tâm đô thị khác, hỗ trợ cho Cục Phòng cháy chữa cháy có các đội tình nguyện viên cứu hỏa do các tổ chức dân sự tổ chức. Ngoài cứu hỏa, các đội này còn hỗ trợ cứu hộ, cứu trợ sau thiên tai. 

Cục khẳng định các đội tình nguyện viên cứu hỏa giữ vai trò quyết định trong việc nâng cao nhận thức về an toàn và phòng chống cháy trong cộng đồng. 

Theo báo Manila Bulletin, các đội tình nguyện viên cứu hỏa đã trở thành nhân tố sức mạnh và đối tác của chính phủ, đồng thời là hình mẫu về tinh thần công dân đáng được người dân tiếp tục ủng hộ.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ cuối: Đội tình nguyện chữa cháy, giải pháp tức thì - Ảnh 3.

Chỉ còn một tay, Richard Greatorex vẫn là người tình nguyện cứu hỏa đầy nhiệt tâm - Ảnh: couriermail.com.au

Tình nguyện viên cứu hỏa chỉ còn một tay

Trong đội ngũ tình nguyện viên cứu hỏa không chỉ có phụ nữ "chân yếu tay mềm" mà còn có những con người rất đặc biệt. 

Ở Mỹ có ông Louis C. Gakle mới qua đời thanh thản hôm 7-9-2022 tại thị trấn Cucamonga thuộc bang California (Mỹ) chỉ bốn ngày sau sinh nhật lần thứ 100. Ông từng là kỹ thuật viên cơ khí không quân tại Philippines trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó làm việc hơn 30 năm cho bưu điện thành phố Ontario.

Ông là người cuối cùng trong 23 thành viên sáng lập đội tình nguyện viên cứu hỏa Cucamonga vào tháng 5-1949 và giữ chức vụ đội trưởng một thời gian dài đến khi lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp đảm trách từ năm 1974. Báo chí địa phương đã vinh danh ông là "tình nguyện viên cứu hỏa cống hiến cả cuộc đời cho cộng đồng".

Tại bang Queensland lớn thứ hai ở Úc có ông Richard Greatorex phụ trách huấn luyện đội cứu hỏa nông thôn Goodwood thuộc vùng Bundaberg. Từ khi đội tình nguyện viên cứu hỏa ra đời cách đây gần 30 năm, ông đã dẫn dắt đội xử lý nhiều vụ cháy tồi tệ nhất lịch sử bang. 

Sau tai nạn xe hơi năm 1982, cánh tay trái của ông bị cắt cụt. Ông còn bị nhiều vết thương nặng như cánh tay phải bị thương, một chân ngắn lại do gãy xương đùi. Dù vậy ông xem chuyện mất cánh tay trái không phải là điều bất lợi. Ông bộc bạch trên trang web ABC: "Tôi không coi đây là khuyết tật mà đó chỉ là thử thách về thể chất".

Các tình nguyện viên cứu hỏa ở nông thôn phải mang vác vòi nước và nhiều thiết bị nặng. Do đó, điều quan trọng là phải có thể lực tốt. Song ông tin rằng tuổi già mới đáng lo hơn tình trạng khuyết tật của mình. 

Hằng ngày ông dắt chó đi dạo trong rừng vài km và tập luyện mỗi sáng thứ tư cùng với đội tình nguyện viên. Toàn đội rất tôn trọng ông bởi ông có khả năng dự đoán hoạt động bất thường của lửa và bảo đảm an toàn cho đội trong quá trình chữa cháy.

Thầy giáo Brett McCook trở thành thành viên đội cứu hỏa nông thôn Goodwood hơn hai năm nay. Anh rất biết ơn những gì ông Greatorex đã tận tình hướng dẫn cho anh. 

Anh nhận xét: "Ông ấy là huấn luyện viên rất giỏi trong công việc và biết quan tâm đến toàn đội. Ông ấy rành về lửa và hiểu biết rất sâu sắc về hỏa hoạn". Anh cho biết khi chứng kiến ông Greatorex trong công việc cứu hỏa, anh đã quên béng ông ấy bị mất một tay.

Là thành viên ban đầu duy nhất còn lại trong đội cứu hỏa nông thôn Goodwood, với công sức gần 30 năm góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng, vào trung tuần tháng 8-2022 ông Greatorex đã được trao tặng danh hiệu "Anh hùng địa phương vùng Bundaberg năm 2022", giải thưởng của tổ chức Dịch vụ bác sĩ hàng không hoàng gia bang Queensland.

Chị Cristina Gaibu 34 tuổi là giám đốc Trung tâm Văn hóa thị trấn Sărăteni thuộc huyện Leova (miền trung Moldova).

Một ngày nọ, chị đọc được thông báo tuyển dụng tình nguyện viên cho cơ quan cứu hộ và chữa cháy cộng đồng của thị trấn sắp thành lập. Mặc dù đã làm mẹ của ba con, chị vẫn đăng ký tham gia và còn rủ thêm cô bạn Mariana Tulumari.

Cư dân trong thị trấn thường thắc mắc: "Tại sao chị lại quyết định như thế?". Chị giải thích: "Nếu xảy ra cháy, ai sẽ giúp chúng ta nếu trong làng còn lại ít thanh niên? Lính cứu hỏa chuyên nghiệp đến nơi có thể phải mất một tiếng trong khi lửa đâu có chờ". Chị khẳng định: "Không có gì khác nhau giữa nam giới và nữ giới khi phải cứu người".

Quyết định trở thành tình nguyện viên cứu hỏa của chị đã được gia đình và bạn bè hoan nghênh. Các con của chị khi có dịp đều bày tỏ thái độ ngưỡng mộ mẹ. Chị cũng tự hào đã dạy cho con bài học về tinh thần công dân.

Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 6: Hỏa hoạn, tội ác và trừng phạt Bài học xương máu từ các vụ cháy thảm khốc - Kỳ 6: Hỏa hoạn, tội ác và trừng phạt

TTO - Ra tòa, hai bị cáo khai đã cải tạo tầng hầm thành vũ trường khoảng năm 2012, nhưng không hề xin phép chính quyền cũng như không thông báo gì với chủ cho thuê.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên